Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trước những thiệt hại do cây mì trồng liên tục nhiễm bệnh khảm lá, một số hộ nông dân ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu đã chuyển sang trồng bắp nếp Thái, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, diện tích trồng cây mì trên địa bàn xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu khá lớn và cũng là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Thời gian gần đây, cây mì bị mắc bệnh khảm lá, nhưng lại chưa có thuốc đặc trị, nhiều diện tích mì trồng mất trắng, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Người dân ấp Phước Hội, xã Phước Ninh chăm sóc bắp.
Bà Lâm Thị Có- Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh cho biết, trước diễn biến bất lợi trên, Hội nông dân xã Phước Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ nhằm giảm bớt thiệt hại cho người nông dân, trong đó giải pháp tích cực là vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích mì bị bệnh khảm lá sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cụ thể, Hội Nông dân Phước Ninh đã đứng ra ký hợp đồng với Công ty TNHH Hạt giống Nova (TP.Hồ Chí Minh) triển khai thực hiện mô hình trồng bắp nếp Thái trên địa bàn xã. Theo đó, Công ty cung cấp hạt giống và phân bón, cũng như hỗ trợ 50% chi phí hạt giống cho những hộ tham gia mô hình, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người trồng.
Theo bà Có, trước khi triển khai mô hình, Hội đã trồng thí điểm trước 2 ha bắp nếp. Sau hơn 60 ngày, bắp cho thu hoạch, chi phí đầu vào thấp và nhẹ công chăm sóc; giá bán ổn định khoảng 5.000 đồng/kg và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nên Hội đã nhân rộng mô hình lên đến 50 ha, với 23 hộ tham gia sản xuất.
Mô hình được triển khai đã được một năm, đầu ra ổn định, năng suất đạt 10 tấn/ha, trừ hết chi phí, người trồng có lợi nhuận từ 20- 25 triệu đồng/ 1ha.
Ông Lâm Hoàng Phạm Khanh (ấp Phước Hội, xã Phước Ninh) cho biết, 2 vụ trước gia đình trồng mì, do bệnh khảm lá nên mì trồng bị mất trắng, được Hội nông dân xã triển khai mô hình trồng bắp nên gia đình ông tham gia.
Bước đầu cho thấy, cây bắp nếp Thái cho năng suất, sản lượng cao, mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng mì trước đây.
“Không riêng gì gia đình tôi mà các hộ tham gia mô hình rất phấn khởi vì năng suất và hiệu quả kinh tế của giống bắp nếp này cao hơn những cây trồng mà trước đây gia đình đã canh tác”- ông Khanh nói thêm.
Theo bà Lâm Thị Có, trong vụ Đông Xuân 2017- 2018, Hội đã giới thiệu mô hình trên địa bàn huyện Trảng Bàng và được người dân hưởng ứng tham gia sản xuất hơn 2 ha. Từ hiệu quả trên, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình lên diện tích 200 ha nhưng vẫn bảo đảm được giá thành và đầu ra ổn định cho người trồng.
Việc chuyển đổi sang trồng bắp nếp giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây là hướng đi mới của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nhi Trần