Đọc báo in
Tải ứng dụng
Hiệu quả từ mô hình trường học mới
2013-09-17 05:56:00

Mô hình trường học mới (VNEN) là tín hiệu tích cực trong sự chuyển đổi đồng bộ và toàn diện của hệ thống giáo dục nước nhà.

Mô hình trường học mới (VNEN) là tín hiệu tích cực trong sự chuyển đổi đồng bộ và toàn diện của hệ thống giáo dục nước nhà.

Học sinh là chủ thể

Không có cảnh học trò ngồi ngay hàng thẳng lối, lặng im nghe cô giáo giảng bài; thay vào đó, bàn ghế được xếp thành từng nhóm nhỏ, học sinh tự do trao đổi, thảo luận trong lớp. Cô giáo chỉ là người hướng dẫn và quan sát. Không khí lớp học rất sôi nổi và cuốn hút... Đó là giờ học tại lớp 2 của trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội) theo mô hình VNEN do Bộ GD - ĐT thí điểm tại gần 1.500 trường tiểu học trong toàn quốc.

Bảng xếp loại học lực của trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội).

Năm học 2012- 2013, hai lớp 2 và hai lớp 3 của trường Tiểu học Tả Thanh Oai được chọn thí điểm dạy mô hình trường học mới. Bà Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tả Thanh Oai, cho biết: “Theo mô hình này, ngoài nắm chắc kiến thức cơ bản, học sinh còn được học kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp tự tin…

Hội đồng tự quản lớp cũng do các em tự bầu lên. Giáo viên là người tổ chức lớp, nên chỉ quan sát kỹ và quan tâm đến từng em. Nhiều em khi đến lớp thì nhút nhát, học chưa tốt, nhưng sau một thời gian đã tự tin lên rất nhiều và kết quả tiến bộ rõ rệt, số lượng học sinh giỏi và học sinh khá tăng cao so với trước. Năm học 2013 – 2014, nhà trường triển khai mô hình VNEN cho 100% học sinh khối lớp 2, 3, 4”.

Một ưu điểm của mô hình VNEN là nội dung giáo dục gắn chặt với thực tiễn. Lớp học sinh động với nhiều góc theo nhiều chủ đề: Góc sinh nhật, góc cộng đồng với bản đồ đường đi đến các địa điểm gần trường, đến nhà mỗi bạn. Rồi có góc hộp thư góp ý để các em chia sẻ, thể hiện ý kiến của mình… "Các phụ huynh cũng được đến thăm các em học như thế nào và có điều kiện có thể giúp đỡ các em. Chính những góc này tạo điều kiện để các em chủ động tìm tòi tư liệu, thông tin, được trình bày, biểu diễn những kết quả học tập.

Việc học tập vì vậy đã không đơn giản là đọc chép, mà có học, có nghiên cứu, có trình bày, báo cáo. Từ đó sẽ rèn luyện được học sinh rất nhiều", đại diện trường Tả Thanh Oai cho biết.

Sẽ được triển khai rộng rãi

Mô hình VNEN được áp dụng tại nhiều địa phương trong cả nước đã giúp tạo bước chuyển đổi rõ rệt về chất lượng giáo dục vùng dân tộc. Sau 1 năm thực hiện mô hình VNEN, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến rõ rệt mặc dù có những khó khăn nhất định. Bà Đoàn Thị Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Mậu (Lục Yên, Yên Bái), cho biết: “Trường có 87% học sinh dân tộc, trong đó có 82% là dân tộc Dao trắng. Chúng tôi mời toàn bộ phụ huynh của lớp triển khai dự án đến và thầy cô hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng tài liệu để cùng học ở nhà cho các con.

Đồng thời bố trí đan xen học sinh: Học sinh giỏi tiếng Kinh kèm học sinh kém hơn. Sau 1 năm, các em đã tiến bộ rõ rệt”.

Việc thí điểm được thực hiện ở ba môn: Tiếng Việt, Toán và Tự nhiên - Xã hội. Kiến thức của ba môn này vẫn giữ nguyên, chỉ có tài liệu dạy và học được biên soạn lại theo ba hoạt động: Hoạt động cơ bản, thực hành và ứng dụng. Đặc biệt, tài liệu đã sắp xếp "ba trong một”, sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh tự học gộp làm một cuốn. Với tài liệu này, ngoài học sinh và giáo viên, cha mẹ học sinh cũng có thể dùng để hướng dẫn cho con em mình học tập.

Tiến sĩ Đặng Văn Ân, cố vấn trưởng dự án mô hình VNEN, cho biết: “Trong vòng 1 - 2 năm trở lại đây, chúng tôi thí điểm mô hình VNEN tại nhiều địa phương trong cả nước, mang lại hiệu quả tích cực, nhiều địa phương đã tự nguyện xin áp dụng mô hình này”. Theo tiến sĩ Đặng Văn Ân, năm học 2013 - 2014, có thêm khoảng hơn 200 trường trong toàn quốc được triển khai mô hình này. "Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tiến hành dự án tại 22 trường sư phạm của các địa phương.

Sinh viên tại các trường này được dạy thí điểm theo phương pháp VNEN, vì vậy thời gian tới sẽ có bộ phận giáo viên tốt nghiệp đủ năng lực dạy theo phương pháp VNEN, đảm bảo đủ các điều kiện để mở rộng hơn nữa mô hình này”.

Đánh giá về mô hình, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Mô hình VNEN đã góp phần giải quyết được những bất cập của ngành giáo dục; đảm bảo cho học sinh được rèn luyện một cách toàn diện và thay đổi cách đánh giá học sinh, đánh giá theo một quá trình học, kết quả học tập theo tinh thần vì sự tiến bộ của học trò. “Đây là một mô hình cần nhân rộng. Bộ GD - ĐT khuyến khích các trường không có điều kiện triển khai toàn bộ mô hình VNEN thì có thể triển khai từng phần một.

Ví dụ, nếu phần dạy học chưa làm được, thì có thể triển khai phần tổ chức tự quản cho học sinh. Những phần góc học tập chưa xây dựng được vẫn có thể cho học sinh tự học từng phần bằng sách của mô hình VNEN. Chúng ta sẽ rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần và mô hình này sẽ là những gợi ý, những bước đầu để triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

Theo baotintuc.vn

Từ khóa:
Tin liên quan