Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng nông thôn mới:
Hiệu quả từ mô hình tự quản
Chủ nhật: 08:53 ngày 05/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, nhiều địa phương triển khai xây dựng ở các khu dân cư nhiều mô hình tự quản trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phát triển sản xuất, xây dựng đường giao thông nông thôn, thắp sáng đường quê... bước đầu phát huy hiệu quả…

Người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Nhằm phát huy tinh thần tự quản, tự chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, nhiều địa phương triển khai xây dựng ở các khu dân cư nhiều mô hình tự quản trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phát triển sản xuất, xây dựng đường giao thông nông thôn, thắp sáng đường quê... bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Theo UBND thị xã Hoà Thành, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010 - 2020), bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, cơ sở hạ tầng khang trang, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân  mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hơn 8 năm qua, ông Lê Văn Oai (ấp Năm Trại) cùng ông Trần Tấn Tài (ấp Trường Lưu), ở xã Trường Đông tích cực tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn làm đường giao thông nông thôn, thực hiện các công trình thắp sáng đường quê.

Ông Oai chia sẻ, thực hiện mô hình “Cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM” tuy có nhiều vất vả và khó khăn, nhưng ông vẫn không bỏ cuộc. Trong quá trình thi công công trình, nông dân trực tiếp làm và giám sát chất lượng công trình. Đó là những con đường nội thôn, nội xóm và các khu dân cư. Sau khi các tuyến đường hoàn thành, sẽ giao lại cho người dân sửa chữa và duy tu nếu xuống cấp, hư hỏng... 

Đề cập đến tuyến đường nhựa nông thôn trên địa bàn ấp Năm Trại vừa được đưa vào sử dụng, ông Trần Văn Nhanh, một người dân địa phương nói: “Con đường này được làm từ một phần công sức của nông dân chúng tôi. Người dân hiến đất làm đường. Nông dân thường xuyên quét dọn nên tuyến đường lúc nào cũng sạch đẹp, thông thoáng”.

Ông Nguyễn Ngọc Nguyên- Chủ tịch UBND xã Trường Đông cho biết, việc huy động nguồn lực xây dựng NTM trong các tầng lớp nhân dân đã mang lại hiệu quả tích cực. Thời gian qua, người dân đã đóng góp hơn 3,5 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, lắp đặt đèn thắp sáng đường quê.

Đặc biệt, có 7 hộ dân hiến 4.500,32m2 đất để làm đường. Tiểu thương chợ Trường Lưu đóng góp hơn 1 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo chợ nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, kinh doanh. Các mạnh thường quân trong và ngoài xã đã đóng góp 7 tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em…

Người dân ngày càng hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong xây dựng NTM, nên tích cực tham gia đóng góp vật chất, ngày công lao động thực hiện các công trình, phần việc ở địa phương, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.

Với sự đồng lòng giữa Nhà nước và nhân dân, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xã Trường Đông đã vận động được gần 300 triệu đồng để thực hiện chương trình thắp sáng đường quê với chiều dài hơn 14,32km và đã bàn giao cho người dân quản lý, sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Sanh, người dân ấp Trường Ân bày tỏ: “Lâu nay, vào khoảng 19 giờ là con tôi không dám đi đoạn đường này, vì tối, người đi đường rất dễ va quẹt. Giờ có đèn đường, người dân rất mừng. Do đó, chúng tôi quyết tâm để công trình thắp sáng đường quê này được sử dụng lâu dài và bền vững. Nếu phát hiện bộ đèn nào bị hư, không phát sáng, chúng tôi sẽ báo với ban đại điện để liên hệ với đơn vị thi công sửa chữa hoặc thay mới ngay”.

Bên cạnh đó, mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, con đường tự quản, đặc biệt là tự quản về an ninh trật tự cũng được họ đạo Trường Ân thực hiện có hiệu quả. Ông Nguyễn Minh Nguyệt- Trưởng Ban cai quản họ đạo cho biết, họ đạo đã vận động các tín đồ đóng góp 325 triệu đồng để ủng hộ, nâng cấp, đổ đá 0x4 trên các tuyến đường giao thông nông thôn và thực hiện công trình thắp sáng đường quê, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại dễ dàng.

Họ đạo còn xây dựng mô hình “Họ đạo Cao Đài tự quản về an ninh trật tự”, tuyên truyền kiến thức pháp luật, phòng - chống tệ nạn xã hội, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật của các tín đồ, ổn định trật tự an toàn xã hội. Cũng qua mô hình này, tín đồ họ đạo đã cung cấp 154 tin có giá trị để Công an xã có giải pháp phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Đi đầu trong việc thực hiện hiệu quả mô hình tự quản ở khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, bà Trần Thanh Nữ, người dân trên địa bàn ấp Trường Lưu cho biết: “Những ngày đầu xây dựng NTM, tôi và bà con trong ấp còn mơ hồ và ỷ lại vào Nhà nước.

Tuy nhiên, được biết phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, người dân đồng tình, chung tay với cấp uỷ, chính quyền địa phương, làm nhiều việc thiết thực như góp tiền, góp công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, người dân chúng tôi còn tích cực tham gia các mô hình sản xuất”.

Đến nay, trên địa bàn xã Trường Đông không còn những con đường lầy lội, thay vào đó là những con đường được nhựa hoá, bê tông hoá thông thoáng, sạch sẽ. Đường liên xã, ấp, trục xóm đều được cứng hoá phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của người dân.

Thi công công trình thắp sáng đường quê trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Hoà Thành, việc thực  hiện  công tác tuyên truyền vận động thi đua “Chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010-2020 gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh” đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đến nay, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã đóng góp 12.637m2 đất làm đường giao thông nông thôn; sửa chữa 346,99km đường giao thông; nâng cấp 177,252km đường nông thôn. Ngoài ra, người dân còn đóng góp thực hiện chương trình “thắp sáng đường quê” ở các tuyến đường nông thôn với chiều dài  248,946km, gồm 7.178 bộ đèn.

Có thể khẳng định, việc người dân tự quản những tuyến đường, những công trình do người dân đóng góp thực hiện đã khơi dậy được nội lực trong nhân dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân. Đây cũng là nhân tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các mô hình này, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Việc lựa chọn các mô hình tự quản cần có sự bàn bạc kỹ càng trong cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể để thực hiện hiệu quả, tạo nên những điển hình có thể nhân rộng.

Bên cạnh đó, khi đã đảm nhận những mô hình tự quản, các tổ chức đoàn thể phải tuân thủ theo các tiêu chí, tích cực tuyên truyền vận động cũng như giám sát, nhắc nhở người dân thực hiện, tạo thành một phong trào thực chất, bền vững, tránh chạy theo thành tích.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục