BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiệu quả từ một mô hình dân vận 

Cập nhật ngày: 15/10/2018 - 06:31

BTN - Thời gian qua, Ban Dân vận Huyện uỷ Châu Thành đã xây dựng nhiều mô hình dân vận mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến sự thay đổi nhận thức của nhân dân trong giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Nổi bật là mô hình “Phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn đường biên cột mốc”.

Ban chỉ đạo, thành viên tổ tuyên truyền mô hình cùng lực lượng Biên phòng ấp Thành Nam trao đổi công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn đường biên cột mốc.

Ông Phạm Thành Thêm, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Châu Thành cho biết, Châu Thành là huyện nông thôn biên giới, có đường biên giới dài 48km. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã biên giới tiếp giáp Campuchia. Với đặc thù như thế, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong tham gia bảo vệ, giữ gìn đường biên, hệ thống mốc giới quốc gia rất quan trọng.

Mô hình “Phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn đường biên cột mốc” được triển khai điểm tại ấp Thành Nam, xã Thành Long. Qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện sự gắn kết giữa lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân trong công tác bảo vệ an ninh biên giới.

Ông Phạm Văn Thất, Bí thư Chi bộ ấp Thành Nam cho biết, ấp có 258 hộ dân, trong đó có 44 hộ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trước đây, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trình độ không đồng đều, ý thức trách nhiệm về bảo vệ đường biên cột mốc chưa được quan tâm cao.

Sau khi triển khai mô hình, Chi bộ ấp đã thành lập tổ tuyên truyền. Ðội ngũ tuyên truyền ở ấp chủ yếu thực hiện phương pháp tuyên truyền miệng các chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo vệ, giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới cho người dân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban tuyên truyền còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chủ hộ gia đình cặp tuyến biên giới; phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng và nhân dân tuần tra, truy quét, phòng, chống buôn lậu và các loại tội phạm trên tuyến biên giới.

Theo ông Thất: “Trước đây, trên địa bàn ấp có tình trạng người dân hai nước qua lại biên giới không chấp hành đúng quy định. Có một số người dân Campuchia qua đây ngủ lại nhiều đêm nhưng không thông báo và không được người dân thông báo. Trong ấp cũng thường xảy ra tình trạng mất trộm trâu bò, buôn lậu qua biên giới. Từ khi thực hiện mô hình, công tác tuyên truyền đến người dân hai bên biên giới được thường xuyên hơn, nên những vấn đề trên đã được kéo giảm. Tín hiệu vui là hầu hết người dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác giữ gìn đường biên cột mốc”.

Ông Danh Xà Rương, già làng đồng bào dân tộc Khmer ấp Thành Nam chia sẻ, sau khi được tuyên truyền, nhận thấy ý nghĩa của mô hình trên, ông đã tham gia vào tổ tuyên truyền, phối hợp với Ban tuyên truyền ấp vận động bà con trong ấp thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Trong ấp còn có 3 thanh niên tham gia đội tuần tra nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh biên giới.

Anh Nguyễn Ðình Quang, Chốt trưởng chốt Biên phòng đóng trên địa bàn ấp Thành Nam cho biết, thực hiện chủ trương, ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác tuyên truyền, lực lượng Biên phòng ấp Thành Nam còn kết hợp với lực lượng Dân quân, Công an thường xuyên tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động người dân tự quản đường biên, mốc giới.

Sau một thời gian phối hợp thực hiện, hiện nay, đường biên cột mốc bảo đảm giữ nguyên hiện trạng, vị trí. Người dân hai bên biên giới qua lại thường xuyên đúng nguyên tắc, thủ tục đúng quy định. Ngoài ra, quần chúng nhân dân ở ấp Thành Nam đã cung cấp các thông tin cho cơ quan chức năng, lực lượng Biên phòng để xử lý. Gần đây nhất, với sự phối hợp của các lực lượng và người dân trên địa bàn đã kịp thời phát hiện, thu giữ một vụ buôn lậu thuốc lá và một vụ vận chuyển động vật trái phép tại biên giới.

Theo ông Phạm Thành Thêm, mô hình nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng vũ trang. Nhờ đó, công tác triển khai thực hiện mô hình đã đạt hiệu quả. Tình hình trật tự, buôn bán, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới được kéo giảm. Ðặc biệt, người dân nâng cao cảnh giác hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn các cột mốc biên giới trên địa bàn.

Công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng và quần chúng nhân dân trong tuần tra truy quét chốt chặn các đường tiểu ngạch biên giới được chặt chẽ và tăng cường, góp phần để công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới ngày càng hiệu quả.

Phát huy hiệu quả của mô hình từ xã điểm, năm 2018, Ban Dân vận Huyện uỷ đã nhân rộng mô hình ra hai xã Biên Giới và Ninh Ðiền, bước đầu cũng đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực.

CHÂU PHA - NGÔ TUYẾT