Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Thứ hai: 10:29 ngày 07/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2020, công tác phối hợp giữa Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) - chi nhánh Tây Ninh và Hội Nông dân tỉnh khá đồng bộ, thuận lợi và từng bước phát triển, năm sau cao hơn năm trước, là cơ sở để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Ngọc Lành, ngụ ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành) kiểm tra meo nấm.

Ðến cuối quý IV/2020, LienVietPostBank đã mở 3 phòng giao dịch tại các huyện Tân Châu, Gò Dầu và TP. Tây Ninh; định hướng năm 2021, sẽ từng bước mở rộng phủ khắp các huyện, thị xã còn lại. Qua đánh giá chung, sản phẩm cho vay của LienVietPostBank linh hoạt về kỳ trả nợ, thời gian cho vay dài lên đến 48 tháng, giá trị tài sản định giá theo thị trường nên mức cho vay cao, không giới hạn số tiền vay, đáp ứng được nhu cầu vốn của bà con nông dân.

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Dương Minh Châu cho biết, trong nhiều năm qua, Hội Nông dân Thị trấn luôn được Hội Nông dân các cấp quan tâm hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân phát triển sản xuất bằng nhiều hình thức: thông qua các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, công tác liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Ðối với Ngân hàng NN&PTNT, Hội Nông dân Thị trấn đang quản lý 5 tổ vay vốn liên kết, dư nợ đến nay hơn 10,7 tỷ đồng/153 hộ vay vốn, không có nợ quá hạn. Trong công tác phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đến nay, tổng dư nợ của Thị trấn là 8,4 tỷ đồng/2 hộ vay, không có nợ quá hạn. Trong đó, các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư sản xuất trên quy mô lớn.

Ông Trần Ðình Lân, ngụ khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu, vay vốn Ngân hàng Bưu điện Liên Việt với số tiền 7 tỷ đồng để phát triển mô hình nuôi heo (nuôi gia công) khoảng 1.700 con, kết hợp diện tích ao để nuôi cá tra, cá ba sa và vịt siêu thịt khoảng 8.000 con. Ông Lân chia sẻ: “Trước đây, tôi chăn nuôi với quy mô nhỏ. Hiện nay, nếu đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện quy định thì việc vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất không quá khó khăn, phức tạp và cũng không mất nhiều thời gian”.

Là người có kinh nghiệm chăn nuôi, ông Lê Minh Hải (ngụ khu phố 1, thị trấn Dương Minh Châu) vay vốn từ Ngân hàng NN&PTNT để nuôi bò. “Năm 2019, từ số tiền vay 100 triệu đồng, tôi mua 3 con bò, năm sau đáo hạn thì vay lại và mua thêm 3 con nữa. Bò mà tôi chọn nuôi là bò đẻ năm một, kết hợp với bò sẵn có của gia đình, phát triển thêm đàn. Hai năm qua, mỗi năm tôi bán được 3 con, thu nhập từ 50-60 triệu đồng”- ông Hải cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Dương Minh Châu cho biết, công tác hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao uy tín của Hội cơ sở đối với hội viên nông dân.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân Thị trấn sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới hội viên nông dân về chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước trong công tác vay vốn sản xuất chăn nuôi, tín dụng ưu đãi cho nông dân; bố trí phân công cán bộ có đủ năng lực, trình độ để phụ trách và tham mưu trong công tác tổ chức, thực hiện uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng khác...

Ông Phạm Minh Thông- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành cho biết, thực hiện thoả thuận liên ngành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa Hội Nông dân và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện để các hội viên nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay.

Hội phối hợp cùng UBND xã bình xét công khai, dân chủ bảo đảm đúng, hộ thật sự có nhu cầu vay vốn theo quy định của ngân hàng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn phối hợp với ngân hàng kiểm tra, giám sát, đối chiếu công tác thu hồi vốn, lãi theo định kỳ...

Ông Võ Ngọc Lành (ngụ ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành) cho biết, gia đình ông trồng nấm rơm khoảng 4 năm nay. Năm 2018, ông vay vốn Ngân hàng Bưu điện Liên Việt với số tiền 500 triệu đồng. Ðến kỳ đáo hạn 1 năm, ông trả nợ cũ rồi vay lại 700 triệu đồng.

Ðến nay, ông đã trả dứt nợ gốc cho ngân hàng. Từ nguồn vốn vay tín dụng nông nghiệp, nông thôn, ông đã mở rộng sản xuất từ quy mô 1 ha lên 2 ha. Hiện nay, bình quân mỗi tuần vườn nấm của gia đình ông cho thu hoạch khoảng 3,5 tấn, cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, Campuchia. Trừ hết chi phí, ông có lợi nhuận khoảng 3-4 triệu đồng/ngày.

Theo kết quả thực hiện chương trình liên tịch giữa Hội Nông dân, Hội Phụ nữ với Ngân hàng NN&PTNT tỉnh, Nghị định số 55/2015/NÐ-CP và Nghị định số 116/2018/NÐ-CP của Chính phủ được ban hành đã đi vào cuộc sống với nhiều cơ chế mới thông thoáng và thiết thực hơn, góp phần đơn giản hoá thủ tục cho vay; đối tượng cho vay được mở rộng; mức cho vay không có tài sản bảo đảm được nâng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng vào cuối năm 2018, giúp khơi thông dòng vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của tổ vay vốn được nâng lên một bước. Thông qua công tác phối hợp cho vay, hội viên Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ nắm bắt kịp thời chủ trương của Ðảng, Nhà nước về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân; từng bước nâng cao vị thế của tổ chức Hội, tạo điều kiện giúp Hội tập hợp, thu hút hội viên, chăm lo đời sống hội viên, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị.

TRÚC LY

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục