BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiệu quả từ sân bóng xã hội hoá

Cập nhật ngày: 13/10/2014 - 10:07

Anh Thành hướng dẫn các em đội U11 tập luyện.

Tháng 7.2013, Báo Tây Ninh có đăng bài phản ánh ý kiến của người dân về việc chính quyền xã Long Thành Bắc (Hoà Thành) giao sân bóng đá cho một cá nhân quản lý, làm mất sân chơi công cộng của mọi người. Trao đổi ý kiến với phóng viên báo khi đó, ông Lê Hồng Vân – Bí thư Đảng uỷ xã Long Thành Bắc thừa nhận: sân bóng đá xã được giao cho anh Kim Ngọc Thành, cựu tuyển thủ bóng đá Tây Ninh quản lý.

Việc này được UBND huyện Hoà Thành đồng ý. Theo hợp đồng, lúc đầu anh Thành bỏ tiền ra cải tạo lại sân bóng nên 2 năm đầu không phải trả tiền thuê sân. Kể từ năm thứ 3, anh Thành phải trả tiền thuê sân. Không có chuyện người dân muốn vào sân bóng tập dượt phải đóng tiền cho người quản lý.

Tuy nhiên, anh Thành phải thu tiền thuê sân để chi phí vào việc chăm sóc, bảo quản sân, vì thế những ngày sân bóng diễn ra các trận đấu giao hữu giữa các đội bóng phong trào, người dân phải đợi khi trận đấu kết thúc mới được vào chơi và phải chấp hành theo hướng dẫn của anh Thành.

Ông Vân cũng cho biết thêm: việc giao sân bóng xã cho cá nhân quản lý là thực hiện xã hội hoá thể thao nhằm nâng cao chất lượng sân chơi thể thao phục vụ người dân. Hiện nay sân bóng đá xã Long Thành Bắc là sân bóng thí điểm ở huyện giao cho tư nhân quản lý và hiệu quả là đã mang lại sân chơi chất lượng hơn so với trước kia.

Hơn 1 năm, chúng tôi quay lại sân bóng đá xã Long Thành Bắc và đã tận mắt nhìn thấy những hiệu quả rõ rệt từ công trình xã hội hoá này. Có thể nói đây là sân bóng có mặt sân cỏ đẹp nhất trong số các sân bóng đá cấp xã của tỉnh nhà do thường xuyên được chăm sóc.

Không có chuyện trâu, bò vào phá nát, hay xe cộ chạy ngang, chạy dọc bên trong như ở một số sân bóng khác. Số lượng người dân, kể cả người ngoài xã đến tham gia thi đấu, chơi bóng vào mỗi buổi chiều rất đông.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thành cho biết để có được mặt sân cỏ đẹp như ngày hôm nay, anh đã phải thường xuyên cắt, giặm vá và tưới nước cho cỏ phát triển đều. Anh còn liên hệ với Trung tâm Văn hoá thể thao huyện mượn xe lu cỏ về lu lại cho mặt sân bằng phẳng.

Hiện nay mỗi tháng sân bóng phục vụ cho khoảng 20 trận thi đấu giữa các đội bóng phong trào trong tỉnh. Nguồn thu từ việc cho thuê sân mỗi trận, sau khi trừ các chi phí, anh Thành còn khoảng 250.000 đồng. Số tiền này anh dùng cho việc thuê người cắt cỏ, trả tiền điện bơm nước tưới sân...

Tuy số thu gần như không còn gì, nhưng anh Thành vẫn chấp nhận là bởi máu mê bóng đá đã ăn sâu vào người. Hơn nữa, được chính quyền xã, huyện ủng hộ, được tạo mọi điều kiện thuận lợi, anh tự thấy mình phải có trách nhiệm với địa phương hơn.

Ngoài việc dùng kiến thức và kinh nghiệm thi đấu của một cựu tuyển thủ bóng đá tỉnh để huấn luyện cho đội bóng xã, anh Thành còn mạnh dạn chiêu sinh, đào tạo lớp U11 miễn phí dành cho trẻ em yêu thích bóng đá trong huyện.

Chứng kiến cảnh anh chỉ bảo các em từng bài tập khởi động, từng cú chạm bóng, đánh đầu vỡ lòng chúng tôi cảm thấy nơi đây chẳng khác một lò đào tạo bóng đá chính hiệu!

Anh Thành cho biết, hoạt động của sân bóng ngày càng đi vào nề nếp, còn nhiều đội đánh tiếng đến thuê sân thi đấu nhưng anh từ chối do chừa thời gian vào cuối buổi chiều cho thanh thiếu niên địa phương vào sân chơi.

Riêng đội U11 mà anh đang huấn luyện, vừa qua Trung tâm Đào tạo thể thao tỉnh cũng lên tiếng mời anh hợp tác như một “vệ tinh” của Trung tâm.

Hiện nay đội U11 luyện tập vào cuối mỗi buổi chiều (khi các em hết giờ học ở trường) và cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Anh Thành hy vọng trong thời gian tới, nếu điều kiện cho phép, anh có thể chiêu sinh thêm vài lớp năng khiếu nhằm trang bị cho các em yêu thích bóng đá những kiến thức cơ bản nhất khi các em bắt đầu tập chơi bóng.

Bài học có thể rút ra từ việc xã hội hoá sân bóng đá xã Long Thành Bắc là một khi quyết định giao sân bóng cho cá nhân quản lý, địa phương cần phải biết “chọn mặt gửi vàng”, có như vậy mới đem lại hiệu quả.

Có một thực tế buồn là phần lớn các sân bóng cấp xã trong tỉnh thời gian qua đều… “chết lâm sàng” do chẳng ai quan tâm quản lý, chăm sóc. Không có bóng đá phong trào ở cái nôi địa phương thì còn lâu lắm bóng đá tỉnh nhà mới qua cơn ì ạch.

THIÊN TÂM