Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiệu quả từ việc đồng bộ hoá hệ thống hạ tầng giao thông biên giới 

Cập nhật ngày: 11/02/2024 - 22:43

BTN - Việc đầu tư những tuyến giao thông này thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về kinh tế - xã hội các địa phương biên giới, phát triển thương mại biên giới và thu hẹp khoảng cách về địa lý giữa các địa phương.

Cầu An Phước- dự án đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của 2 xã biên giới cánh Tây, thị xã Trảng Bàng sau hơn 1 năm hoàn thành khai thác.

Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đầu tư nhiều tuyến đường chính kết nối với các địa phương biên giới như đường tỉnh 793, 794, 781, đường dẫn cầu An Phước và cầu An Phước. Việc đầu tư những tuyến giao thông này thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về kinh tế - xã hội các địa phương biên giới, phát triển thương mại biên giới và thu hẹp khoảng cách về địa lý giữa các địa phương.

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Đó là nhận xét của ông Trần Thanh Tùng- Chủ tịch UBND xã Tân Hoà, huyện Tân Châu khi nói về hiệu quả từ việc tỉnh đầu tư đường 794 (giai đoạn 1).

Xã Tân Hoà có diện tích tự nhiên 26.017,93 ha, với 6 ấp, 60 tổ tự quản, dân số 2.890 hộ/10.695 khẩu. Xã nằm ở hướng Đông Bắc huyện Tân Châu, có đường ranh giới phía Đông và Đông Nam giáp huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp xã Suối Ngô, phía Tây Nam giáp xã Tân Thành, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia (đường biên giới dài 10,1km).

Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, cửa ngõ giao thương nông sản giữa các tỉnh lân cận và nước bạn Campuchia, Tân Hoà có hệ thống giao thông thuận lợi là yếu tố then chốt thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển ngày càng năng động. Ngoài ra trên địa bàn xã có nhà máy xi măng công suất 2,5 triệu tấn/năm; 2 nông trường cao su…

Đường 794 (giai đoạn 1) được hoàn thiện đưa vào sử dụng, kết đối với các tuyến đường biên giới thông suốt, phương tiện đi lại thuận tiện, việc vận chuyển hàng hoá sang các tỉnh bạn được nhanh chóng, trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Campuchia tăng lên đáng kể. Đây là cơ hội tốt để công ty, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã Tân Hoà trong thời gian tới. Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, tạo ra một động lực mới cho xã biên giới Tân Hoà tiếp tục phát triển và phấn đấu xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao trong những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND xã Tân Hoà kiến nghị, trong thời gian tới, UBND tỉnh quan tâm nâng cấp, mở rộng các tuyến đường biên giới các xã Tân Hoà, Suối Ngô, Tân Đông, Tân Hà (huyện Tân Châu). Trong đó, quan tâm việc kết nối giao thông, tạo điều kiện để việc trao đổi hàng hoá hai nước Việt Nam - Campuchia thuận tiện, nhanh chóng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các xã biên giới trên địa bàn huyện Tân Châu.

THU HẸP KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Ông Trần Tương Quốc- Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng chia sẻ, là cửa ngõ biên giới của thị xã Trảng Bàng, 2 xã cánh Tây (Phước Chỉ, Phước Bình) cách Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khoảng 3km về phía Bắc, cách Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (cửa khẩu Tho Mo) huyện Đức Huệ, tỉnh Long An khoảng 9km về phía Nam, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu, một tiềm năng chưa được khai thác, nhưng cũng đặt ra thách thức trong vấn đề quản lý an ninh trật tự trên tuyến biên giới.

Phía Đông xã Phước Chỉ, Phước Bình tiếp giáp sông Vàm Cỏ Đông dài khoảng 11km và Khu công nghiệp Thành Thành Công thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái ven sông và khai thác bến cảng nội địa trên sông Vàm Cỏ Đông.

Khi cầu An Phước bắc qua sông Vàm Cỏ Đông được đưa vào sử dụng năm 2022 đã gỡ “nút thắt” lưu thông, giúp 2 xã cánh Tây của Thị xã ngày càng khởi sắc. Qua một năm cho thấy tỉnh đầu tư cầu An Phước rất hợp lòng dân, đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu của người dân trong vùng.

Song song đó, địa phương nâng cấp, mở rộng đường Lái Mai giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của bà con trở nên vô cùng thuận lợi. Xây dựng cầu An Phước còn có ý nghĩa bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

Ngoài ra, trong năm 2022, UBND Thị xã đầu tư vào xã Phước Chỉ 25.085 triệu đồng cho 14 công trình; năm 2023 là 45.993 triệu đồng cho 20 công trình, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế cho xã Phước Chỉ và xã Phước Bình.

Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ, việc đầu tư các tuyến đê bao tiểu vùng ven sông Vàm Cỏ kết hợp làm đường giao thông nội đồng đã góp phần đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, việc xuống giống gieo trồng được tập trung đồng loạt, nâng hệ số vòng quay của đất từ sản xuất 2 vụ lên 3 vụ/năm, thúc đẩy kinh tế của 2 xã cánh Tây phát triển.

Để phát triển kinh tế xã hội và phát triển thương mại biên mậu trong thời gian tới, thị xã Trảng Bàng đề xuất các cấp, các ngành chức năng quan tâm thúc đẩy nâng cấp Cửa khẩu Rộc Môn - Phước Chỉ thành cửa khẩu chính, hình thành và phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ biên mậu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cư dân biên giới thường xuyên mua bán, trao đổi hàng hoá góp phần vào sự phát triển kinh tế vùng biên giới.

Hiện nay, tỉnh đang đầu tư xây dựng tuyến đường cầu Ông Sãi, kết nối điểm đầu đường Lái Mai tại giao lộ với ĐT 786 và điểm cuối tại cầu Ông Sãi, giáp với đường biên mậu. Việc này tạo thêm sự kết nối thuận lợi với Vương quốc Campuchia, thúc đẩy thương mại, dịch vụ, trao đổi hàng hoá, nông sản …Việc đầu tư 2 tuyến đường này đã giúp cho bộ mặt 2 xã cánh Tây nhanh chóng thay da đổi thịt, đặc biệt là việc phát triển kinh tế ven đường Lái Mai, đường An Thạnh, Phước Chỉ và đường ĐT786.

Hai xã Phước Bình, Phước Chỉ nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 10.8.2022. Vị trí có ý nghĩa rất quan trọng, là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam với Campuchia và khu vực ASEAN; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics; trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới đất liền vùng Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, do địa hình nhiều sông rạch gây cản trở việc lưu thông đi lại, việc đầu tư hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết, là điều kiện tiên quyết để có thể khai thác hết tiềm năng kinh tế của 2 xã cánh Tây.

Hiện việc kết nối với Vương quốc Campuchia đã được đầu tư, kết nối với huyện Đức Huệ (Long An) bị ngăn cách bởi sông Vàm Cỏ Đông. Do đó, thị xã Trảng Bàng kiến nghị đầu tư xây dựng đường và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông để kết nối 2 xã cánh Tây với trung tâm tỉnh Long An thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 xã cánh Tây biên giới thị xã Trảng Bàng.

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ XUẤT NHẬP KHẨU TẠI CÁC CỬA KHẨU

Ông Võ Thành Ngoạn- Cục phó Cục Hải quan tỉnh cho rằng, Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí là cửa ngõ kết nối vùng với các nước trong khu vực ASEAN, là nơi giao nhau của hai hành lang vận tải Tây Nguyên - đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu, đặc biệt là cửa ngõ gần nhất kết nối TP. Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

Đó là những điều kiện thuận lợi để Tây Ninh đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và giao thương với các tỉnh bên ngoài và thị trường quốc tế. Hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn, biến Tây Ninh trở thành cửa ngõ giao thương hàng hoá giữa Campuchia và tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).

Để thúc đẩy sự phát triển hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh trong thời gian tới, Cục Hải quan tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chủ trương quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông cũng như cơ sở vật chất tại các khu vực cửa khẩu, khu công nghiệp trên địa bàn như đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông suốt, có tính kết nối cao, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh qua lại trên địa bàn.

Hiện tại, tại khu vực Cửa khẩu Chàng Riệc, Kà Tum chưa phân luồng nhập cảnh, xuất cảnh riêng biệt mà đi chung một đường thường ùn tắc giao thông cục bộ vào mùa cao điểm thu hoạch nông sản. Việc xem xét mở rộng, cải tạo lại đường giao thông tại khu vực Cửa khẩu Chàng Riệc, Kà Tum để phân luồng hàng hoá xuất nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh là cần thiết.

Một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh chưa có kho bãi, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu (Xa Mát, Tân Nam, Phước Tân, Vàm Trảng Trâu, Long Phước) hoặc có địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu hàng hoá ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận (Mộc Bài, Chàng Riệc, Kà Tum, Vạc Sa… ) nhưng hầu hết không đáp ứng lượng hàng hoá, phương tiện mỗi ngày qua cửa khẩu. Dự kiến lượng hàng hoá, phương tiện tăng trong thời gian tới, dẫn đến việc quản lý, kiểm tra, giám sát hàng hoá gặp nhiều khó khăn và có thể gây ách tắc phương tiện tại khu vực cửa khẩu.

UBND tỉnh triển khai quy hoạch các khu vực cửa khẩu, xây dựng kho bãi, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu phù hợp với thực trạng và dự báo về lượng hàng hoá, hành khách, phương tiện vận tải trong thời gian tới, bảo đảm điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan.

TIẾP TỤC THAM MƯU UBND TỈNH ĐẦU TƯ HẠ TẦNG GIAO THÔNG BIÊN GIỚI

Ông Đặng Hoàng Chương- Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT cho biết, với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân Tây Ninh; tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là của Bộ GTVT, Ban Quản lý đường tuần tra biên giới (Quân khu 7), ngành GTVT Tây Ninh thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu được đề ra trong năm 2023, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 dự án được Trung ương đầu tư xây dựng gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà: dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1032/QĐ-BGTVT ngày 28.7.2022, phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định 809/QĐ-BGTVT ngày 30.6.2023 quy mô đường cấp III, nền đường 12,25m, mặt đường 11,25m, tổng mức đầu tư 2.293 tỷ đồng, đã khởi công vào ngày 28.12.2023 (gói thầu xây lắp thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh), dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Đường tuần tra biên giới, giai đoạn 1 (2017-2021), từ Cửa khẩu Xa Mát đến ranh giới tỉnh Long An đã đưa vào khai thác sử dụng 130,41km, hiện trong giai đoạn bảo hành. Đối với giai đoạn 2 (2022-2025): dự án được Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 167/QĐ-BQP ngày 16.1.2022, chiều dài 34,9km bao gồm: đoạn từ mốc 106/1 (Đồn Biên phòng Chàng Riệc) đến mốc 82 (ngã ba đường vào Đồn Biên phòng Tống Lê Chân) dài 30,9km và xây dựng mới 4km đoạn từ mốc 146 đến mốc 148 (huyện Châu Thành). Công trình đã khởi công vào ngày 14.12.2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Ngoài ra, đoạn từ mốc 143 đến mốc 146 dài khoảng 2,9km được Bộ Quốc phòng (Quân khu 7) bổ sung đầu tư xây dựng, dự kiến cùng hoàn thành trong năm 2024. Như vậy, đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cơ bản được Trung ương đầu tư hoàn chỉnh.

Ngoài các dự án giao thông trọng điểm liên kết vùng, kết nối biên giới được đầu tư thời gian qua mang lại hiệu quả thiết thực. Ngành GTVT dự định đầu tư các tuyến đường quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội biên giới, cụ thể như sau:

 Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đây là dự án có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh mà cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh là cửa ngõ giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và Phnom Penh. Chính vì vậy, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh đang rất khẩn trương để hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ KH&ĐT thẩm định, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 1.2024; phấn đấu khởi công trong năm 2025, hoàn thành năm 2027.

Tỉnh giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh), dự án được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.

 Hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình: Đường tuần tra biên giới dài 37,8km (đoạn từ cột mốc 146 đến 148 và từ mốc 106/1 đến mốc 82 dài 34,9km; đoạn từ mốc 143 đến mốc 146 dài 2,9km); đường 794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2); đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà đi các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Khởi công công trình nâng cấp, mở rộng đường kết nối với Cửa khẩu quốc tế Tân Nam (đoạn từ Đồn Biên phòng Tân Bình đến ngã ba giao đường 788 và 783), chiều dài 11km. Đây là công trình có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông, vận chuyển hàng hoá giao thương qua cửa khẩu, vận chuyển hàng hoá từ Cửa khẩu quốc tế Tân Nam đến huyện Tân Biên, Tân Châu, thành phố Tây Ninh thông qua đường 788, đường 783, QL.22B đi các tỉnh lân cận trong khu vực Đông Nam bộ và ngược lại.

Việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông cần nguồn vốn lớn, nhất là các dự án có quy mô lớn, trong khi nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp. Vì vậy, cần phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, lựa chọn, ưu tiên các dự án cấp bách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có tác động lan toả… nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn đầu tư.

Các tuyến đường được đầu tư hoàn chỉnh sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh Tây Ninh nói chung, kết nối mạng lưới giao thông từ các xã biên giới vào các đồn biên phòng, đường tuần tra biên giới đến các cột mốc biên giới nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước qua lại, trao đổi hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

H.T.H