Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hiểu rõ hơn về tái nhiễm Covid-19
Thứ năm: 09:50 ngày 24/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Số ca mắc Covid-19 trong tuần gần đây theo báo cáo của Bộ Y tế có xu hướng giảm, số ca nặng, tử vong cũng theo chiều hướng này. Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều người lo lắng là tái nhiễm bệnh chỉ sau thời gian ngắn.

Ðiều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Ðức Giang.

Ðến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và lo ngại vì tiếp tục có các biến chủng không lường trước được của vi-rút SARS-CoV-2.

Ai cũng có thể tái nhiễm Covid-19

Thực tế cho thấy, đặc tính của vi-rút SARS-CoV-2 là liên tục xuất hiện các biến thể, từ đó có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ cũng như số ca tái nhiễm Covid-19 hay tái dương tính, nhưng có không ít người sau một thời gian ngắn khỏi bệnh lại có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Tái nhiễm là trường hợp người bệnh đã khỏi Covid-19 nhưng sau đó nhiễm lại. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bộ Quốc phòng), để chắc chắn khẳng định một ca bệnh là trường hợp tái nhiễm cần giải trình tự gen vi-rút. Nếu gen khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gen hoặc là hai biến thể khác nhau, và nuôi cấy thấy vi-rút còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm.

Ðiều này nhằm phân biệt với trường hợp tái dương tính - là tình trạng người mắc Covid-19 có thời gian mang vi-rút kéo dài. Thực tế, một số người có thể mang vi-rút kéo dài nhiều tuần. Những trường hợp này dù xét nghiệm dương tính nhưng đa số không còn khả năng gây lây truyền sau hai tuần nhiễm vi-rút.

Lý giải nguyên nhân vì sao một người đã tiêm vắc-xin hoặc đã mắc bệnh rồi vẫn bị mắc lại, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết đó là do mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số người sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc-xin sẽ có miễn dịch bảo vệ khá lâu, trong khi một số người có thể nồng độ kháng thể bảo vệ sẽ sụt giảm nhanh dẫn đến khả năng tái nhiễm nhanh hơn.

Ðặc biệt, trong trường hợp lần nhiễm sau do một biến thể có đặc tính kháng nguyên khác so với chủng trước nên kháng thể bảo vệ của lần nhiễm trước có hiệu quả bảo vệ thấp với chủng nhiễm sau.

TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ: Ðiều lạ ở vi-rút SARS-CoV-2 là khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên thì để lại miễn dịch không cao, đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và biến thể mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trong cơ thể người bệnh. Do đó, ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa bệnh.

Trên thực tế, có những người lần một nhiễm biến thể Delta, lần hai nhiễm biến thể Omicron. Thậm chí có những trường hợp lần trước nhiễm biến thể Omicron BA.1 (phiên bản gốc), sau đó vẫn tái nhiễm Omicron BA.2 (được gọi là Omicron tàng hình). Tuy nhiên, những trường hợp này khá hiếm hơn so với việc nhiễm hai biến chủng khác nhau.

Tại cuộc họp báo chiều 21/3 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hầu như không ghi nhận bệnh nhân mắc biến thể Omicron và tái nhiễm biến thể phụ của Omicron trong thời gian ngắn. Những trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thời gian gần đây có thể do họ nhiễm biến thể Delta trước đó rồi dương tính trở lại với biến thể mới. Còn theo PGS, TS Ðỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y dược thành phố Hồ Chí minh), những người chưa tiêm vắc-xin có nguy cơ tái nhiễm và di chứng cao hơn rất nhiều so với người đã được tiêm đủ vắc-xin.

Cách ly, điều trị ca bệnh tái nhiễm Covid-19 có khác biệt?

Thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vắc-xin mà nhiễm bệnh lần đầu. Bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên, Trưởng khoa Thăm dò và phục hồi chức năng hô hấp (Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai) dẫn một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine trên những trường hợp tái nhiễm Covid-19 ở Qatar cho thấy trong số 1.304 trường hợp tái nhiễm, thời gian trung bình từ lần nhiễm bệnh đầu tiên đến khi tái nhiễm là 277 ngày (9 tháng); các trường hợp tái nhiễm giảm 90% nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong so với nhiễm lần đầu.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, vẫn có một tỷ lệ nhất định bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 có thể có diễn biến nặng lên. Ðặc biệt, các vấn đề hậu Covid-19 có thể vẫn xuất hiện thêm sau mỗi lần tái nhiễm. Do vậy, việc điều trị sẽ căn cứ vào diễn biến bệnh cụ thể trên mỗi bệnh nhân; những người có diễn biến nhẹ chỉ cần bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng, điều trị các triệu chứng (nếu có). Người bệnh và người nhà cũng cần theo dõi các diễn biến khác để kịp thời liên hệ nhân viên y tế như sốt cao, không đáp ứng thuốc, khó thở, chỉ số SpO2 thấp. Những người có diễn biến nặng sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.

PGS, TS Ðỗ Văn Dũng cho biết, một lần tái nhiễm là một lần mắc bệnh mới, do đó, việc điều trị hay sử dụng thuốc phải cá thể hóa cho mỗi lần nhiễm, tùy thuộc vào tình trạng diễn biến thực tế của từng ca bệnh. Vậy nên khi bị tái nhiễm, người bệnh không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ. Việc tái nhiễm Covid-19 trong thời gian gần (trong vòng 60 ngày) là hiếm và việc sử dụng Molnupiravir trong lần tái nhiễm tiếp theo là hoàn toàn có thể. Dùng thuốc này trong các lần tái nhiễm cách xa nhau không gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể, tuy nhiên phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là quy định không tự ý dùng thuốc kháng vi-rút.

Quy định của Bộ Y tế nêu rõ, Molnupiravir được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Thuốc tuyệt đối không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai, cho con bú hay trẻ em dưới 18 tuổi. Molnupiravir cũng không được sử dụng quá 5 ngày liên tục kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, sau 5 ngày sử dụng thuốc, kể cả người bệnh vẫn còn dương tính thì vẫn nên dừng dùng thuốc. Lúc này phần lớn vi-rút đã bị tiêu diệt, đồng thời cơ thể đã tạo ra được các kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn vi-rút còn lại trong cơ thể.

Ngoài ra, người bệnh không nên quá lo lắng hay tìm thêm những loại thuốc kháng vi-rút khác thay thế. Ðã có những nghiên cứu về việc sử dụng Molnupiravir nhưng vẫn dương tính với Covid-19 cho thấy những vi-rút khi được nuôi cấy lại đều không thể sống được, có nghĩa là thuốc đã tiêu diệt và ức chế sự phát triển của vi-rút và thứ còn sót lại đó chỉ là xác của chúng.

Bộ Y tế khuyến cáo, người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 3; đồng thời triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, chăm sóc, điều trị quản lý người mắc Covid-19 tại nhà. Kể cả dù đã tiêm đủ ba mũi vắc-xin, người dân cũng không nên chủ quan, cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm, nhất là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Mặt khác, ăn uống, sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, thường xuyên tập luyện thể thao, là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức đề kháng, phòng tái nhiễm.

Nguồn nhandan

Tin cùng chuyên mục