Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bời Lời, xã Ðôn Thuận có địa thế rừng già và sông Sài Gòn, có cơ sở cách mạng từ lâu và nhân dân đông đảo tham gia. Ðó là địa lợi và nhân hoà để lập nên căn cứ địa Bời Lời từ năm 1947-1948.
Đường vào Khu di tích lịch sử Căn cứ Bời Lời
Vừa qua, Thường trực Huyện uỷ Trảng Bàng có tổ chức buổi họp về biên soạn sách hồi ký kháng chiến và làm phim tư liệu lịch sử Căn cứ cách mạng Bời Lời. Có lẽ còn nhiều người ít biết về căn cứ này. Tôi may mắn có trong tay tập sách “Hồi ký Lực lượng võ trang Trảng Bàng 9 năm chống Pháp” của Ban Liên lạc truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) Trảng Bàng, xuất bản năm 2005, lưu hành nội bộ. Trong hồi ký có nhiều chỗ đề cập đến Căn cứ Bời Lời.
Ngay ở phần lời nói đầu của quyển hồi ký, ông Nguyễn Ðình Soái (nguyên Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp) viết: “Cuốn sách này có thể lời văn chưa hay, nhưng chắc chắn rằng ý của nó rất đẹp! Những tình cảm mộc mạc, vô tư, trong sáng của tình QUÂN DÂN CÁ NƯỚC đậm đà. Tình đồng chí, đồng đội sống chết bên nhau. Tình đoàn kết giữa bộ đội, dân quân du kích và lực lượng Công an và ban ngành, đoàn thể cùng bên nhau chiến đấu, cùng nhau xây dựng và chiến đấu bảo vệ chiến khu Cách mạng Bời Lời lịch sử anh hùng...” (trang 10, 11).
Nói về xây dựng và bảo vệ Căn cứ địa Bời Lời, nguyên Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng Nguyễn Ðình Soái viết: “Bời Lời, xã Ðôn Thuận có địa thế rừng già và sông Sài Gòn, có cơ sở cách mạng từ lâu và nhân dân đông đảo tham gia. Ðó là địa lợi và nhân hoà để lập nên căn cứ địa Bời Lời từ năm 1947-1948. Bời Lời qua 2 cuộc kháng chiến vẫn còn giữ vững và phát huy tác dụng. Chủ trương đào địa đạo trong căn cứ Bời Lời là một kỳ công, có sự đóng góp của mọi người...
Chiều dài của địa đạo chính hơn 4 km, không kể các đường ngách từ địa đạo chính đến các cơ quan Quân Dân chánh của huyện... Nhờ có địa đạo mà các đợt đột kích bất ngờ, hoặc tấn công quy mô của quân đội Pháp và lính đạo Cao Ðài mà cơ quan đầu não của Huyện uỷ giữ được an toàn” (trang 36-37)... “Căn cứ Bời Lời có vai trò rất to lớn đối với phong trào cách mạng ở địa phương Trảng Bàng và toàn miền Nam...” (trang 49).
Ông Nguyễn Xuân Ngà, nguyên Trưởng Tiểu ban Quân báo Huyện đội Trảng Bàng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Ðào tạo, viết: “Thật là kỳ diệu: một căn cứ địa cách mạng tên gọi “Bời Lời”, một mục tiêu mà địch cố xoá sổ ngay từ những năm đầu của cuộc tái xâm lược Tây Ninh, nhưng vẫn hiên ngang đứng vững như thành đồng, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp (và cả sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ), dẫu rằng Căn cứ Bời Lời ấy nằm cách Chỉ huy sở của cơ quan hành quân địch ở Trảng Bàng khoảng 10 cây số đường chim bay. Căn cứ Bời Lời xứng đáng là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân vùng lên, bất chấp mọi hy sinh gian khổ chống xâm lược Pháp, giành hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước” (trang 79).
Là căn cứ cách mạng, Bời Lời bị địch đánh phá, càn quét làm cho cuộc sống người dân ở đây khó khăn, nghèo khổ. Mặc dù vậy, bà con vẫn hết lòng ủng hộ cách mạng. Ông Tô Tín Hiệu, nguyên Trung đội phó B96 viết: “Căn cứ Bời Lời là vùng đất luôn bị địch pháo kích, càn quét, chà đi xát lại, nên đồng bào rất nghèo. Tuy vậy phong trào nuôi quân, ủng hộ bộ đội hết sức sôi nổi và rầm rộ... Khi trận đánh kết thúc, bộ đội rút về căn cứ, bà con trong xóm kéo ra bìa rừng chào đón, mang theo rất nhiều quà bánh uỷ lạo...” (trang 92, 95).
Căn cứ Bời Lời có vai trò rất to lớn đối với phong trào cách mạng không chỉ ở địa phương Trảng Bàng, mà toàn miền Nam. Ông Trần Thắng Lợi, nguyên Tiểu đội trưởng B92 BBÐP viết: “Miền Ðông Nam bộ có rất nhiều địa danh, nhiều chiến khu nổi tiếng trong 2 thời kỳ kháng chiến, được Nhà nước ghi nhận là di tích lịch sử và anh hùng lực lượng vũ trang. Chiến khu Ð, Trà Vong, Dương Minh Châu, Bời Lời hình thành nên một chuỗi liên hoàn căn cứ địa cách mạng kháng chiến và là nơi tập kết an toàn của lực lượng vũ trang và các ban, ngành, cách mạng...
Trong đó, căn cứ Bời Lời còn là đầu mối giao liên huyết mạch giữa chiến trường miền Tây Nam Bộ, với thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh - Chợ Lớn, nơi có cơ quan chiến tranh đầu sỏ của kẻ thù chiếm đóng. Do đó có thể nói Căn cứ địa Bời Lời là tiền tiêu canh giữ cánh Tây cho cả miền Ðông rộng lớn” (trang 103,104)...
Theo tư liệu của ông Trần Thắng Lợi, Căn cứ Bời Lời là nơi bắn rơi máy bay giặc Pháp đầu tiên trên chiến trường miền Ðông Nam bộ. “Trận càn quét quy mô lớn ngày 20.5.1952 của quân Pháp vào Căn cứ Bời Lời diễn ra khẩn trương và quyết liệt… Khoảng 5 giờ sáng, mặt trời đã lên tỏ rõ ngoài bìa trảng, dưới sự chỉ điểm của chiếc máy bay chuồn chuồn (hồi đó gọi là con đầm già), bộ binh địch xối xả nhả đạn vào rừng...
Có lẽ không tìm thấy mục tiêu cần tiêu diệt, con đầm già tức tối quần đi, đảo lại rà sát ngọn cây, nghiêng ngó tìm kiếm Việt Minh... trông thấy thật ngứa mắt! Chỉ chờ đợi lệnh phát ra từ đồng chí Trang- Chánh trị viên, tôi liền đặt khẩu BREEN đầu bạc lên nhánh cây cạnh gò mối, khi máy bay đi vào tầm ngắm là tôi siết cò một loạt 5 viên đúng vào đầu chiếc máy bay....
Ðịa điểm bắn máy bay là tại Bàu Nhái, chiếc máy bay rơi cách đó độ 500 mét đường rừng... Có lẽ đây là chiếc máy bay bị bắn rơi đầu tiên trên chiến trường Trảng Bàng, Tây Ninh và cả miền Ðông Nam bộ” (trang 104-105).
Với địa thế rừng rậm, Bời Lời không chỉ là căn cứ địa vững chắc, mà còn là nơi có nhiều đặc sản giúp cán bộ chiến sĩ cách mạng cải thiện bữa ăn hằng ngày. Theo ông Lê Nguyên, nguyên Ðội trưởng Ðội biệt động VTTT Quân Dân chánh Trảng Bàng, rừng Bời Lời có 3 loại đặc sản rất đáng quan tâm: trái gùi, nấm mối đỏ và nhện hùm. Ông miêu tả: “Gùi là một loại dây leo theo cây cao, hoặc bò trên những lùm bụi thấp, lá có mủ, trái hình giống như quả trứng gà, có khi trái to cỡ bằng trứng ngỗng.
Trái xanh chua gắt, nhưng muối chua ăn với cơm rất đậm đà. Trái chín thì khỏi phải chê, vì vị ngọt như cam quýt hảo hạng, có thể ăn no hay giải khát đều đạt điểm 10...”; “...Nấm mối đỏ to bằng cái tô, mặt trên màu đỏ tươi, thường mọc ở gốc cây to, lẻ tẻ một hai cái, nhưng đủ làm ngọt lịm một nồi canh, đủ cho một tiểu đội ăn...”; “...
Con nhện hùm thân hình nhiều lông tơ và có màu đen, bụng căng tròn cỡ ngón tay cái, bên trong chứa đấy trứng. Loài này đào hang sống ngoài trảng trống, khô ráo ở bìa rừng. Ðào bắt nhện hùm đem thui sạch lông, rồi kho mặn, ăn thơm ngon hơn trứng gà... Ngoài ra, các thú hoang dã còn rất nhiều như: heo rừng, nai, mễn, kỳ đà, chồn cheo, nhím... Nguồn chất đạm này góp phần không nhỏ cải thiện bữa ăn cho đời lính mỗi tháng cũng được đôi ba lần...” (trang 126).
N.H