Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giám đốc sở giáo dục và đào tạo:

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu thu chi không đúng quy định 

Cập nhật ngày: 02/09/2024 - 10:48

BTN - Để không để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học, lãnh đạo Sở cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi trong năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu các khoản trái quy định.

Còn vài ngày nữa, cùng với hàng chục triệu học sinh, sinh viên trên cả nước, hàng trăm ngàn học sinh Tây Ninh, từ mầm non đến phổ thông bước vào năm học 2024-2025. Trước ngày khai giảng năm học mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin một số nội dung, vấn đề của ngành Giáo dục tỉnh nhà.

 Học sinh Trường tiểu học Lê Lai (thị xã Hoà Thành).

Chuẩn bị cơ sở vật chất

Ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2023-2025, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị xây dựng 311 phòng học, 49 phòng tin học, 72 phòng học ngoại ngữ và 34 nhà đa năng. Ngày 5.7.2024, Sở ban hành công văn về việc lập kế hoạch tu sửa cơ sở vật chất trường học, kế hoạch mua sắm bổ sung sách, thiết bị dạy học phục vụ năm học 2024-2025.

Đến nay, Sở cấp bổ sung kinh phí sửa chữa bàn ghế cho 5 trường THPT chuẩn bị khai giảng năm học mới là 883.600.000 đồng; tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, lên kế hoạch sửa chữa, lập tờ trình trình UBND tỉnh cấp kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường THPT năm 2024 gần 7,5 tỷ đồng; rà soát nhu cầu trang bị sách giáo khoa, sách tham khảo cho giáo viên, bổ sung sách thư viện cấp THPT năm 2024, trang bị phòng máy vi tính, cấp bổ sung kinh phí trang bị bàn ghế, thiết bị cho khối phòng học được xây mới của trường THPT. Để chuẩn bị cho năm học 2024-2025, các trường cơ bản đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất như phòng học, trang thiết bị.

Đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy

Lãnh đạo Sở cho biết, địa phương quan tâm chỉ đạo tuyển dụng giáo viên nhiều lần trong năm nên cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho năm học mới. Hiện tại, tình trạng thiếu giáo viên tập trung chủ yếu ở các môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật...

Sở đề ra nhiều biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt trong bối cảnh thiếu giáo viên trên cả nước như dạy học trực tuyến, thỉnh giảng, hợp đồng với giáo viên theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP; dạy thừa giờ, dạy liên trường và tổ chức tuyển dụng giáo viên nhiều lần trong năm theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Để nâng cao chất lượng, bảo đảm số lượng giáo viên cho năm học này cũng như trong các năm học sau, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu cho các năm tiếp theo, trong đó thống kê số sinh viên của địa phương đang theo học tại trường đào tạo giáo viên dự kiến tốt nghiệp để tuyển bổ sung cho các trường học hoặc đặt hàng đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Tiếp tục thực hiện các thủ tục đấu thầu theo quy định để chọn đơn vị đào tạo, dự kiến tổ chức lớp nâng chuẩn trình độ theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP trong quý IV năm 2024.

Xử lý nghiêm tình trạng lạm thu

Ngày 14.8.2024, Sở ban hành công văn về việc thực hiện các khoản thu, chi và sử dụng kinh phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm học 2024-2025.

Mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp đối với cơ sở giáo dục công lập mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 69/2024/NQ-HĐND ngày 22.3.2024 sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 2 Nghị quyết số 52/2023/NQ-HĐND ngày 20.7.2023 của HĐND tỉnh quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Cụ thể như sau:

Ngoài các khoản thu chính trên, các khoản thu đầu năm khác đối với học sinh áp dụng theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh về việc quy định khoản thu, mức thu, khoản thu và cơ chế quản lý thu chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ngoài chính sách quy định nêu trên, ngày 30.6.2022, Sở có công văn hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tây Ninh quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cùng một số quy định khác.

Một cách cụ thể, các khoản thu trong nhà trường gồm thu phí học 2 buổi (dành cho các trường không tổ chức bán trú); khoản thu phí học bán trú (không bao gồm tiền ăn của học sinh); khoản thu hỗ trợ tổ chức các hoạt động giáo dục, vệ sinh trường lớp; khoản thu dịch vụ phục vụ giáo dục.

Để không để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học, lãnh đạo Sở cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi trong năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu các khoản trái quy định. “Xử lý nghiêm theo quy định đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện thu chi không đúng quy định”- lãnh đạo Sở cho biết.

Sở cũng sẽ thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo của phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, tổ chức triển khai, thu, quản lý và sử dụng cơ sở giáo dục. Lãnh đạo Sở khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có), nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai các quy định thu chi đến tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên trong đơn vị, cha mẹ học sinh để biết và thực hiện, đồng thời cam kết với cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp thực hiện nghiêm túc không thu các khoản trái quy định. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi trong nhà trường.

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh tự kiểm tra, rà soát ngay tất cả các khoản thu thời gian qua đơn vị đã và đang triển khai, nếu có những khoản thu trái quy định thì điều chỉnh và xây dựng kế hoạch thu đúng, thu đủ từ năm học 2024-2025.

Liên quan hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (Hội phụ huynh), lãnh đạo Sở yêu cầu thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và chỉ cho phép được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này.

Phát triển các phương thức giáo dục để đáp ứng quyền được học tập của người học là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:

Căn cứ các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tiểu học rà soát các đối tượng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ khuyết tật trong địa bàn để huy động ra lớp.

Các trường tiểu học tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, mạnh thường quân, Hội Khuyến học giúp đỡ và tạo điều kiện để các em được đến trường như: trao học bổng, giúp học sinh nghèo vượt khó hoặc hỗ trợ đồ dùng học tập.

Đối với học sinh khuyết tật, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục huy động và duy trì được 493 trẻ khuyết tật đang học hoà nhập trong các trường tiểu học và 140 trẻ khuyết tật đang học tại Trường Khuyết tật tỉnh (trong đó có 55 trẻ khiếm thính, 26 trẻ khiếm thị, 55 trẻ chậm phát triển trí tuệ và 4 trẻ tự kỷ). Nhà trường và giáo viên đã xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân đối với học sinh khuyết tật để chủ động điều chỉnh về nội dung, phương pháp, tổ chức dạy học phù hợp với khả năng tiếp nhận của từng đối tượng học sinh.

Ngành Giáo dục thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với học sinh khuyết tật và giáo viên tham giảng dạy học sinh khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

Việt Đông