Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hình ảnh bộ đội mang lương thực hỗ trợ dân, rất ý nghĩa
Thứ hai: 21:11 ngày 23/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, trong ngày đầu người dân ở nhà, rất nhiều hình ảnh bộ đội mang lương thực hỗ trợ dân, rất đẹp và ý nghĩa.

16h chiều nay (23/8), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 và kết quả ngày đầu giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo tinh thần người dân ở trong nhà. 

Tham dự và chủ trì họp có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Phạm Đức Hải và Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương.

Ông Phạm Đức Hải thông tin: Tính từ 0h ngày 23/8 đến nay, tức đã qua 16 tiếng, báo chí phản ánh rất nhiều thông tin để nhân dân thấy được TP làm gì, đạt được gì.

Theo ông Hải, báo chí phản ánh rất nhiều hình ảnh bộ đội mang lương thực hỗ trợ dân, rất đẹp, rất ý nghĩa.

“Công điện của Thủ tướng nói chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, để cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí một cách thường xuyên, trước mắt thành phố sẽ tổ chức họp báo vào 16h hàng ngày. Ông cũng nhắc lại chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng, đó là tăng cường giãn cách xã hội. Theo đó, để thực hiện thì đầu tiên phải là triệt để, tiếp đó là nghiêm ngặt, quyết liệt và hiệu quả.

Trong thực hiện, người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. 

Ông Phạm Đức Hải khẳng định, trong thực hiện Công điện của Thủ tướng, có 5 thuận lợi hơn trước.

Thứ nhất, đó là lực lượng hỗ trợ thành phố trong phòng, chống dịch được tăng cường; thứ hai, phương tiện hỗ trợ được nhiều hơn; thứ ba, trang thiết bị y tế, thuốc nhiều hơn; thứ tư, hệ thống tổ chức cơ sở có kinh nghiệm hơn; thứ năm, tỷ lệ người tiêm vắc xin nhiều hơn.

Với 5 thuận lợi nêu trên, theo ông Hải, điều đó cho thấy công tác phòng chống dịch đã có hiệu quả hơn.

Chủ trì họp có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Phạm Đức Hải và Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương.

Xét nghiệm toàn thành phố

Về vấn đề xét nghiệm, ông Phạm Đức Hải cho biết, từ ngày 15/8 thành phố đã có kế hoạch cụ thể. Trước hết, với vùng xanh, vùng vàng sẽ xét nghiệm hết. Còn với vùng cam, vùng đỏ, chỉ xét nghiệm trong khu vực bị phong tỏa.

Tuy nhiên, theo ông Hải, sau khi có Công điện của Thủ tướng, UBND thành phố đã có những thay đổi.

Cụ thể, với vùng xanh, vàng sẽ xét nghiệm hết như trước đây. Còn vùng cam và đỏ cũng xét nghiệm hết luôn. Sau khi xét nghiệm xong sẽ quay lại xét nghiệm lần hai, tức là xét nghiệm toàn thành phố.

Ông Phạm Đức Hải phát biểu 

Vấn đề là, xét nghiệm nhiều như thế, dự báo khả năng số F0 sẽ tăng, thành phố sẽ ứng phó thế nào?, trả lời câu hỏi này, ông Hải cho biết, đầu tiên, nếu F0 tăng, bản thân F0 hết sức bình tĩnh và liên hệ ngay với trạm y tế lưu động, với các cơ quan, Tổ phản ứng nhanh... để được tư vấn. Với những người có điều kiện điều trị thì sẽ điều trị tại nhà.

Ông Hải cũng nêu thực tế, Trường đại học Y Dược đã phối hợp với UBND quận 10 để tư vấn, hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà với số lượng 2.200 người, kết quả 80% đã khỏi bệnh.

Theo ông Hải, với những con số trên, việc điều trị tại nhà cho kết quả như vậy để các trường hợp F0 nếu được phát hiện thì tự tin, bình tĩnh.

Còn với những trường hợp F0 có bệnh nền, theo ông Hải, sẽ được đưa vào cơ sở cách ly, điều trị tập trung.

Cách xử lý với bệnh thông thường, bệnh Covid-19

Thông tin về ngày đầu kiểm soát trên các tuyến đường phố, theo ông Phạm Đức Hải, tính từ 0h ngày 23/8 đến trưa nay, lực lượng công an cho biết số phương tiện mô tô giảm tới 85% so với ngày 22/8.

Tuy nhiên, cũng có vấn đề người dân quan tâm, đó là khi cần đi mua thuốc tây sẽ thế nào, ông cho biết, các tiệm thuộc tây vẫn mở, nhưng người dân không đi mua mà do Tổ công tác đặc biệt mua. Mỗi phường, xã, thị trấn đều có Tổ công tác đặc biệt này.

Còn khi ở nhà, có bệnh xử lý thế nào?, theo ông Hải, trước hết bệnh thông thường, thì có các bệnh viện ngăn đôi. Đối với bệnh nhân Covid-19, liên hệ Tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động (khẩn trương thành lập 400 trạm) và Trung tâm 115.

Còn việc di chuyển, với bệnh thông thường thì gọi hai hãng xe Vinasun và Mai Linh (500 xe phục vụ).

Đối với F0 chuyển nặng, sẽ có 260 xe của Phương Trang hoán cải (22 quận, huyện), sẽ chở người bệnh đi tới cơ sở điều trị.

Trung tâm an sinh không bỏ sót ai

Về công tác an sinh, chăm lo cho người dân, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM cho biết, Ban Chỉ đạo quyết định thành lập trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân (gọi là Trung tâm an sinh).

Theo bà Châu, Trung tâm này đã đi vào hoạt động và ổn định, đạt hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ đúng và tránh trùng hoặc bỏ sót đối tượng.

TP.HCM họp báo thông tin ngày đầu giãn cách 'ai ở đâu ở yên đó'

Thành phố phấn đấu vận động 2 triệu túi an sinh để chăm lo tất cả người dân gặp khó khăn cần sự hỗ trợ.

Việc giúp đỡ được thực hiện thông qua các kênh: đường dây nóng, tổng đài 1022, qua phản ánh trực tiếp của người dân bằng ứng dụng và trang thông tin điện tử của Trung tâm.

Về tiền, từ khi thành lập Trung tâm đến nay, đã tiếp nhận và phân phối số tiền 53 tỷ 212 triệu đồng.

Về hàng hóa: từ 15 - 21/8 đã tiếp nhận hàng hóa nhu yếu phẩm và các thiết bị y tế bảo hộ… trị giá hơn 14,5 tỷ đồng và phân phối đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các bếp ăn từ thiện, lực lượng công an thành phố trị giá 7,6 tỷ đồng.

Từ ngày 20 - 22/8, Chương trình SOS của Trung tâm An sinh thành phố đã hỗ trợ 496 phần quà, trong đó 316 phần qua phản ánh Tổng đài 1022 (phản ánh nhiều lần chưa được giải quyết); 180 phần qua Tổng đài Mặt trận (là những tin bà con cần gấp lương thực, thực phẩm), mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng gồm gạo, dầu ăn, trứng, chai nước tương, bột nêm, đường, cam, rau củ… Ngoài ra hỗ trợ 690 lốc sữa cho những hộ có trẻ nhỏ (5 lốc sữa/hộ).

Hình ảnh bộ đội, công an bắt đầu đi chợ hộ cho dân ở TP.HCM

Về kế hoạch chăm lo an sinh, đời sống người dân từ nay đến ngày 15/9, bà Châu cho biết, sẽ theo giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội từ 23/8 đến 6/9.

Hiện nay, đã vận động được trên 1,8 triệu túi quà an sinh (300.000 đồng/phần gồm sữa, mì gói, đồ hộp, dầu ăn, bánh, xúc xích…). Còn từ nay đến ngày 6/9, dự kiến sẽ chuyển 1,3 triệu phần về TP Thủ Đức và quận, huyện để trao quà đến các hộ dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Đối với giai đoạn từ 7-15/9, theo bà Châu, thành phố tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị đủ 2 triệu túi an sinh để đảm bảo không để hộ nào bị thiếu đói khi thực hiện giãn cách xã hội.

Tiếp tục tổ chức phân phối hàng đến các hộ dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Tổ chức lực lượng tham gia giải quyết các trường hợp có nhu cầu cần được chăm lo lương thực, thực phẩm thiết yếu phản ánh qua cổng thông tin 1022 và đường dây nóng của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.

Phối hợp các bếp ăn thiện nguyện cung cấp các suất ăn miễn phí cho người yếu thế, cơ nhỡ, không có khả năng tự cung cấp thực phẩm.

Tiếp tục triển khai lực lượng giao hàng tình nguyện của thành phố đến từng người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Tạo điều kiện cho người có vé máy bay đi nước ngoài

Trước băn khoăn về việc hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay, ông Phạm Đức Hải thông tin về chỉ đạo của UBND TP với vấn đề này.

Theo đó, giao Công an TP, UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện phối hợp, chỉ đạo các lực lượng chức năng ứng trực tại các chốt kiểm soát người ra/vào trên địa bàn thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người có vé máy bay đi nước ngoài.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người điều khiển phương tiện ô tô đưa người có vé máy bay đi nước ngoài được di chuyển đến cảng HKQT Tân Sơn Nhất và quay trở lại nơi xuất phát khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo hướng dẫn tại Công văn số 8272/BGTVT-VT ngày 11/8/2021 của Bộ GTVT.

Giao Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, thông tin rộng rãi về các nguyên tắc cần tuyệt đối tuân thủ đối với người có vé máy bay đi nước ngoài và người điều khiển phương tiện ô tô đưa người có vé máy bay đi khi lưu thông trên địa bàn TP.

Ngoài ra, tại hướng dẫn của Bộ GTVT ngày 11/8 cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các chốt kiểm soát người ra/vào địa phận của địa phương mình tạo điều kiện thuận lợi cho người có vé máy bay đi nước ngoài được đến cảng HKQT để thực hiện chuyến bay khi đáp ứng đủ các yêu cầu quy định. Tương tự người điều khiển phương tiện (lái xe) ô tô đưa người có vé máy bay đi nước ngoài được đến cảng và quay trở lại nơi xuất phát khi đáp ứng đủ các yêu cầu quy định.

Trong quá trình di chuyển từ nơi xuất phát đến cảng HKQT để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài, người có vé máy bay cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

Đó là, khi các cơ quan chức năng kiểm tra tại các chốt kiểm soát: xuất trình hộ chiếu (kèm theo visa còn hiệu lực); vé máy bay (bằng giấy hoặc điện tử) trong đó gồm có: Code vé máy bay, thời gian bay, ngày bay, số hiệu chuyến bay; Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực bằng phương pháp RT-PCR; thực hiện khai báo y tế và thực hiện nghiêm biện pháp 5K theo quy định của Bộ Y tế.

Đảm bảo 1 người đi 1 xe, không đi chung xe với người khác (trừ trường hợp nhiều người trong cùng 1 gia đình, sống trong cùng 1 nhà và có vé máy bay ra nước ngoài trên cùng 1 chuyến bay). 

Các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ sáng 23/8

Chính thức từ 0h ngày 23/8, các lực lượng quân đội, công an cùng đơn vị chức năng phối hợp triển khai chốt chặn ở cửa ngõ ra vào thành phố; tiến hành tuần tra, kiểm soát trên các cung đường.

Theo ghi nhận của VietNamNet, ngày đầu tiên của đợt cao điểm chống dịch tại TP.HCM, đường phố vắng vẻ. Những người được ra đường đều phải tuân thủ quy định; các lực lượng tại chốt kiểm tra nghiêm ngặt.

Kể từ ngày 23/8 - 6/9, TP.HCM xác định đây là 2 tuần cao điểm để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, đây là thời điểm thành phố dồn tổng lực với nhiều giải pháp mạnh.

Trước đó, ngày 22/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng lưu ý lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Thực hiện Công điện này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành Chỉ thị 11 về thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, vận động và kêu gọi người dân không ra khỏi nhà, thực hiện triệt để “ai ở đâu thì ở đó”.

Nguồn Vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục