Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh 

Cập nhật ngày: 04/11/2022 - 23:45

BTN - Bảo đảm các sản phẩm trong chuỗi giá trị có quy mô, chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Củng cố và phát triển các mối liên kết ngang và liên kết dọc; tăng cường vai trò của các tác nhân hỗ trợ giá trị như nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật...

Thu hoạch mía bằng cơ giới ở một nông trường (ảnh minh hoạ)

Thực hiện chủ trương chung, những năm gần đây, để mở rộng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản tỉnh nhà, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời, tỉnh triển khai các giải pháp như ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, cung cấp giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 của UBND tỉnh và khuyến khích các hộ nông dân tham gia các hình thức kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác). Bước đầu, việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở một số sản phẩm chính của địa phương đã cho kết quả tích cực.

Đã hình thành 4 chuỗi liên kết chăn nuôi, 5 chuỗi trồng trọt

Tháng 9.2019, UBND tỉnh ký Quyết định số 2029/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh”.

Theo đó, mục tiêu chung của đề án này là nâng cao năng suất chất lượng hàng hoá, giảm giá thành sản xuất; tăng khả năng cạnh tranh của các loại nông sản thực phẩm, khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tỉnh phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến, nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị từng ngành hàng, nhất là những ngành hàng đã có doanh nghiệp gắn kết đầu tư sản xuất - tiêu thụ.

Mục tiêu cụ thể của đề án là nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị đối với các sản phẩm truyền thống, khắc phục những hạn chế đang tồn tại gồm lúa, mía, khoai mì, cao su, chăn nuôi bò thịt đảm bảo quy mô hợp lý, đủ khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.

Xây dựng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất rau, cây ăn trái nhiệt đới- nhất là sản phẩm đã và đang có tiềm năng thị trường, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Bảo đảm các sản phẩm trong chuỗi giá trị có quy mô, chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Củng cố và phát triển các mối liên kết ngang và liên kết dọc; tăng cường vai trò của các tác nhân hỗ trợ giá trị như nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật và vật tư nông nghiệp, cơ giới hoá.

Đến nay, tỉnh đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn.

Cụ thể, về chuỗi giá trị chăn nuôi, tỉnh đã hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi heo với chuỗi liên kết chăn nuôi gia công - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm, gồm 64 trang trại với quy mô 118.820 con; sản lượng khoảng 18.980 tấn, chiếm 45% sản lượng thịt heo của tỉnh. Chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa với sản lượng sữa bò tươi của tỉnh khoảng 142 tấn/ngày, 100% sữa ở hộ dân được công ty thu mua.

Chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt có chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh (chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh) với sản lượng khoảng 5.488 tấn, chiếm 44,6% sản lượng thịt bò được giết mổ tại địa bàn tỉnh. Chuỗi chăn nuôi, giết mổ, pha lóc, chế biến sản phẩm thịt bò của Công ty Pacow theo công nghệ thịt mát, có sản lượng 912,5 tấn/năm (trong đó, 50% từ nuôi trong tỉnh), chiếm 7,4% sản lượng thịt bò được giết mổ tại địa bàn tỉnh.

Về chuỗi giá trị trồng trọt, hầu hết diện tích sản xuất mì được tiêu thụ, chế biến tại các doanh nghiệp chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích sản xuất mía trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 6.135,6 ha, hầu hết diện tích này đều được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Nhà máy đường Thành Thành Công - Biên Hoà từ đầu vụ. Ngoài ra, nhà máy còn ký hợp đồng bao tiêu 8.908 ha mía từ Campuchia.

Diện tích sản xuất mãng cầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 5.494,7 ha, trong đó có khoảng 200 ha mãng cầu được liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Natani và Hợp tác xã nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân. Tổng diện tích sản xuất chuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 1.995,8 ha, trong đó có khoảng 196 ha chuối già Nam Mỹ của Công ty TNHH Huy Long An và Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hoà có hợp đồng xuất khẩu được ký kết, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc. Riêng cây lúa đang được triển khai xây dựng liên kết chuỗi giữa Công ty CP sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt và nông dân trên địa bàn.                          

Một trang trại bò quy mô lớn (ảnh minh hoạ)

Lợi ích từ các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi thực hiện các chuỗi liên kết, doanh nghiệp sẽ tạo được vùng nguyên liệu tại chỗ, tiết kiệm chi phí sản xuất và ổn định về số lượng đầu vào. Doanh nghiệp sẽ kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thu mua, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm; tiếp cận được nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ liên kết và phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp còn được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.

Đối với nông dân thực hiện chuỗi liên kết, sản phẩm sẽ được bao tiêu, đầu ra và thu nhập ổn định, giảm rủi ro về giá cả, tạo tâm lý an tâm khi sản xuất. Nông dân tham gia chuỗi được đào tạo, tập huấn, tiếp cận các tiến bộ khoa học, công nghệ để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng và bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh; được hỗ trợ về vốn từ các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Tuy nhiên, để liên kết chuỗi được bền vững thì quyền lợi giữa doanh nghiệp và nông dân phải được bảo đảm hài hoà, đồng thời cần có sự cam kết giữa các bên tham gia. Nông dân cam kết sản xuất theo quy trình, không bán nông sản cho đơn vị khác khi thị trường được giá. Phía doanh nghiệp cũng phải cam kết và thực hiện đúng cam kết không ép giá hoặc đẩy rủi ro cho nông dân khi thị trường mất giá.

AN KHANG