Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giải đáp pháp luật:
Hình thức phạt tiền trong Bộ luật Hình sự là gì ?
Thứ năm: 16:02 ngày 05/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để tìm hiểu những vấn đề trên, chúng tôi có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thế Tân (ảnh) thuộc Công ty Luật Đắc Tâm– Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh và được ông cho biết như sau:

Vừa qua, Toà án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử phúc thẩm một vụ án hình sự. Theo đó, toà cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo chịu hình phạt “cải tạo không giam giữ”, và qua phiên Toà phúc thẩm đã tuyên sửa bản án thay bằng hình phạt “phạt tiền”. Bản thân bị cáo trong vụ án này là một công chức Nhà nước và là đảng viên. Để tìm hiểu rõ hơn về “phạt tiền” trong xử lý trách nhiệm hình sự và “phạt tiền” trong xử phạt hành chính, hậu quả pháp lý của hình phạt “phạt tiền” trong xử lý hình sự như trên đối với cán bộ công chức Nhà nước có bị cách chức hay buộc thôi việc hay không? Có bị xử lý khai trừ ra khỏi Đảng hay không? Để tìm hiểu những vấn đề trên, chúng tôi có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thế Tân (ảnh) thuộc Công ty Luật Đắc Tâm– Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh và được ông cho biết như sau:

Thứ nhất: Về hình phạt.

Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam có hệ thống hình phạt, được sắp xếp theo trật tự nhất định tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm khắc của mỗi loại hình phạt. Hình phạt được phân loại thành 2 nhóm: Hình phạt chính và hình phạt bổ sung.

Hình phạt chính là hình phạt bắt buộc áp dụng đối với người phạm tội và được Toà án tuyên độc lập đối với mỗi tội phạm cụ thể. Hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình.

Hình phạt bổ sung, là hình phạt có tính chất hỗ trợ cho hình phạt chính, hình phạt bổ sung không được áp dụng độc lập mà chỉ được áp dụng kèm theo hình phạt chính.

Trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự Việt Nam, phạt tiền là một trong hai hình thức phạt có thể được áp dụng khi là hình phạt chính, khi là hình phạt bổ sung.

Phạt tiền là việc tước của người bị kết án một khoản tiền nhất định sung quỹ Nhà nước. Đây là một trong những hình phạt chính, hình phạt tiền giữ vị trí nối tiếp giữa hình phạt cảnh cáo với hình phạt cải tạo không giam giữ tạo nên tính liên tục tăng dần mức độ nghiêm khắc của các loại hình phạt trong hệ thống hình phạt. Hình phạt tiền áp dụng với những tội ít nghiêm trọng, và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức phạt cảnh cáo hoặc miễn hình phạt. Chỉ trong trường hợp có điều luật quy định thì phạt tiền mới được áp dụng là hình phạt chính.

Mức phạt tiền được quyết định theo mức độ nghiêm trọng của tội đã phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội.

Xét về nội dung và giá trị các tác động của hình phạt, phạt tiền tước bỏ một số quyền lợi vật chất của người bị kết án, tác động đến kinh tế (tình hình tài sản) của họ, và thông qua đó đạt mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung của hình phạt.

Về bản chất, biện pháp phạt tiền trong hình sự và hành chính đều là sự tước bỏ khoản tiền nhất định của người bị kết án, người vi phạm để sung quỹ Nhà nước. Biện pháp phạt tiền là hình phạt chính trong pháp luật hành chính, có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong pháp luật hình sự. Tuy nhiên, có thể thấy sự khác biệt rõ nét giữa hình thức phạt tiền trong hình sự và hành chính nằm ở nguyên tắc và thủ tục áp dụng. Phạt tiền trong pháp luật hành chính có thể được thể hiện bằng biên bản hoặc không. Phạt tiền trong pháp luật hình sự thì buộc phải được thể hiện trong bản án. 

Mức phạt tiền trong hình sự được áp dụng theo mức độ nghiêm trọng của tội đã phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người đã phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng mức tối thiểu là một triệu đồng thể hiện tính nghiêm khắc của chế tài hình sự so với chế tài hành chính có mức phạt tiền tối thiểu thấp hơn nhiều.

Thứ hai: Về hậu quả pháp lý của cán bộ, công chức lãnh đạo khi bị xử lý trách nhiệm hình sự với hình phạt là “phạt tiền”:

Theo quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008 và tại Điều 13, Điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17.5.2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Theo đó, hình thức kỷ luật “cách chức” được quy định tại điểm c, khoản 1, điều 13 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17.5.2011 khi phải chịu hình phạt là “c. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ” và hình thức kỷ luật “buộc thôi việc” được quy định tại khoản 1, điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17.5.2011 khi phải chịu hình phạt là “1.Bị phạt tù mà không được hưởng án treo”. Do đó, công chức khi bị xử lý trách nhiệm hình sự với hình phạt là “phạt tiền” trong trường hợp này thì không thuộc trường hợp bị cách chức hay buộc thôi việc.

Thứ ba: Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Khoản 1 Điều 40 Điều lệ Đảng quy định: “1. Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng”. Tại Quy định 181-QĐ/TW ngày 30.3.2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Hướng dẫn số 09-HD/UBKTTW ngày 6.6.2013 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thì quy định: “Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tuỳ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp”. Do đó, trong trường hợp này, người bị kết án hình phạt “phạt tiền” là đảng viên thì sẽ không bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Đức An

(thực hiện)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục