Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Hình tượng chim phượng trong nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam
2012-06-17 12:15:00

Trong nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam, chim phượng là hình ảnh quen thuộc, có mặt hầu khắp mọi nơi, thường được sử dụng như một yếu tố trang trí trên kiến trúc, trên các đồ dùng trong nghi lễ và thờ cúng…

Thời chế độ quân chủ phong kiến tồn tại nhiều thế kỷ, người Việt đã rất quen thuộc với hình tượng chim phượng và coi chim phượng là một biểu trưng của vương quyền, ước vọng đó đã đưa chim phượng trở thành hình tượng điển hình trong nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam.

Ảnh minh hoạ

Hoa văn hình chim phượng được trang trí từ thời Đinh và Tiền Lê (cuối thế kỷ X), trên những viên gạch nền vuông to của thời Đinh – Tiền Lê tìm thấy tại khu vực đền thờ vua Đinh, vua Lê ở Trường Yên, Ninh Bình.

Đến thời Lý, hình chim phượng được trang trí khá nhiều trên các di tích của tầng lớp quý tộc, dấu tích còn đến hôm nay trên thành bậc của hai ngôi chùa: chùa Bà Tấm và chùa Hương Lãng ở vườn Bách Thảo, Hà Nội; trên bia đá chùa Diên Phúc, Hưng Yên; ở tháp Chương Sơn và ở thành Thăng Long xưa.

Sang thời Trần, hoa văn hình chim phượng tiếp tục chạm, trang trí rộng rãi. Đó là hình chim phượng trên bia ở chùa Thiệu Long, chim phượng đang bay, chở các nhạc công thiên thần ở chùa Thái Lạc, hoặc đôi chim phượng ngậm hoa đang bay chầu mặt trời ở chùa Bối Khê. Hình chim phượng được khắc ở bệ đá chùa Thanh Sam, chùa Long Đẩu, chùa Ngọc Khánh; hoa văn hinh chim phượng trên đất nung ở chùa Hang.

Thời Lê Sơ, trang trí hình chim phượng lại được chạm khắc trên bia đá. Các hình chim phượng này có trên một số bia mộ thời Hồng Đức như: bia lăng bà Kính Phi họ Nguyễn (1485); bia lăng Đường Vương, con trai vua Lê Thánh Tông (1492); bia lăng Cẩm Vinh, con gái vua Lê Thánh Tông (1498).

Chim phượng là đặc trưng tiêu biểu của hoàng hậu, vương phi, gắn với hình ảnh của nữ giới. Vì vậy, chim phượng thường được trang trí ở các bức bình phong, trên nóc mái ngói của các chùa dành riêng cho nữ. Chim phượng dùng trang trí trên khung bia dành cho các công chúa, trên hộp đựng con dấu, và trên một số đồ vật dành riêng cho phụ nữ.

Những thời kỳ sau, chim phượng không chỉ được chạm nhiều ở đền, chùa, lăng tẩm mà còn đ­ược trang trí rất phổ biến ở đình làng. Thời Mạc, đó là các hình chim phượng bay chầu trong mây, chạm gỗ trên nóc đình Tây Đằng (Hà Tây cũ); chim phượng trên chạm gỗ đình Thổ Hà, đình Lỗ Hạnh, Bắc Giang. Thời Lê Trung Hưng, là hình chim phượng chầu mặt trời, chạm đá trên bia đình Đôn Lương, Hải Phòng; hình chim phượng ngậm hoa, tiên nữ cưỡi chim phượng, chạm gỗ ở đình Phong Cốc, Quảng Ninh; hình chim phượng múa, chạm gỗ ở đình Chu Quyến (Hà Tây cũ). Thời Lê-Mạc là hình chim phượng bay ngậm cành hoa, tiên nữ cưỡi chim phượng thổi sáo. Truyền thuyết kể nhiều chuyện về chim phượng thường bay chở những bậc thánh nhân, hiền triết, những người tu hành, những ẩn sĩ của Đạo giáo lên chỗ thiên đình xa xôi, nơi ở của những người bất tử. Chim phượng còn là sứ giả của các tiên nữ trên trời. Các tiên nữ cưỡi chim phượng bay xuống hạ giới tìm gặp những người hiền tài. Chính vì vậy, trong nghệ thuật chạm khắc cổ, chim phượng thường xuất hiện cùng với hình ảnh tiên nữ, nhạc công, thiên thần, mặt trời, mây…

Và cũng chính vì vậy, không chỉ là nghệ thuật, hình tượng chim phượng trong chạm khắc cổ còn mang một ý nghĩa tinh thần sâu sắc đối với người Việt xưa.

Theo CPV

 

Từ khóa:
Tin liên quan