Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau những ngày đầu buôn bán nhộn nhịp, chợ đêm thị xã Tây Ninh rơi vào cảnh ngày càng thưa thớt dần, rồi thực sự ế ẩm.
Sau những ngày đầu buôn bán nhộn nhịp, chợ đêm thị xã Tây Ninh (khai trương ngày 2.9.2011, trên đường Đặng Ngọc Chinh, khu phố 1, phường 3, Thị xã) rơi vào cảnh ngày càng thưa thớt dần, rồi thực sự ế ẩm. Từ hơn 80 quầy, đến nay, chỉ còn 18 quầy thực bán. Vì sao mô hình kinh doanh mới, lạ này lại rơi vào cảnh hiu hắt như vậy? Chúng tôi đã tìm gặp một số tiểu thương và người có trách nhiệm để tìm câu trả lời.
Bỏ chợ
Một nữ tiểu thương (yêu cầu không nêu tên), ở phường 1, cho biết chị không chịu đựng nổi cảnh tối nào cũng lỗ nên đã phải chia tay với chợ đêm từ hơn một tháng nay. Chị nói: “Ban đầu tôi bán nước giải khát, sau đó ế quá, chuyển sang bán khô, trứng vịt lộn. Nhưng rồi tình hình cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Tôi và hai đứa con chiều nào cũng ra chợ, bán tới khuya mới về mà cũng không đủ tiền đóng thuế. Tức mình, chồng tôi thử cùng ra bán xem sao. Đêm đó, bán đến 22 giờ, chỉ được có 3 trứng vịt lộn. Chán quá, chồng tôi kêu nghỉ bán tới nay”. Theo lời chị này, một trong những nguyên nhân dẫn đến chợ ế ẩm là vì khách hàng bị buộc phải gửi xe vào bãi chứ không được chạy vào chợ, mặc dù đường Đặng Ngọc Chinh là con đường giao thông rộng lớn. Đã vậy giá giữ xe lại đắt, trong khi cùng nằm trên địa bàn phường 3 nhưng siêu thị Co.opMart Tây Ninh giữ xe chỉ có 1.000 đồng/lượt, thì ở chợ đêm, giá mắc hơn gấp đôi (cộng với tiền giữ nón bảo hiểm 1.000 đồng/cái). Hai vợ chồng chỉ cần chở theo một đứa con đi chợ, chưa kịp mua gì đã tốn 5.000 đồng tiền giữ xe, giữ nón. Rõ là không hứng thú gì để đến với chợ đêm. Những ngày ít khách, Ban quản lý chợ cũng cho khách hàng chạy xe mô tô vào chợ, nhưng vì quá ít khách nên tình hình buôn bán cũng chẳng khá bao nhiêu.
Chợ đêm ế ẩm |
Một nữ tiểu thương khác ở phường 3, đang bán nước mía ở chợ đêm kể rằng: thời gian đầu chợ mới khai trương, buôn bán cũng khá khá, đêm nào bán nhiều nhất cũng kiếm được hơn 100.000 đồng, nhưng rồi chợ ngày càng ế ẩm. Những ngày gần đây, có đêm chị không bán được ly nước mía nào. Trong khi đó, chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng, mỗi đêm phải đóng gần 36.000 đồng, chưa kể, còn phải tốn tiền thuê nhân viên bảo vệ đẩy xe nước mía vào- ra từ nhà kho đến nơi bán và ngược lại, mỗi tháng 200.000 đồng. Chị than thở: “Ế ẩm quá, tôi đã nộp đơn xin nghỉ tạm thời, chờ đến Tết Nguyên đán bán lại nhưng Công ty TNHH Dương Phước Hùng- đơn vị chủ đầu tư chợ đêm không cho”. Theo lời chị này, trong thời gian qua, Công ty Dương Phước Hùng cũng có những nỗ lực để tạo điều kiện cho tiểu thương “sống được với chợ”, như tháng đầu tiên mưa dầm, buôn bán khó khăn, Công ty có giảm bớt tiền thuê mặt bằng, xây dựng nhà kho cất giữ hàng hoá, cấp thẻ giữ xe miễn phí cho tiểu thương, tổ chức ca nhạc để thu hút khách hàng...
Một anh nhà ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành, người đã “bỏ chạy” khỏi chợ đêm gần hai tháng nay, cho biết lúc trước anh có đăng ký bán các món nhậu hải sản ở chợ đêm. Những ngày đầu công việc làm ăn không đến nỗi tệ, có đêm anh kiếm được 1,8 triệu đồng, nhưng sau đó giảm dần xuống chỉ còn vài trăm ngàn đồng, rồi ngày một tệ hơn, có khi cả đêm bán chỉ được một gói thuốc, thậm chí chẳng được đồng nào. Trong khi đó, anh vẫn phải tốn chi phí mặt bằng, xăng xe đi lại nên bị lỗ nặng. Anh đã đề nghị Công ty Dương Phước Hùng sang lại mặt bằng cho người khác nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Nản quá, anh chở đồ nghề về nhà vì “Càng đu theo chợ đêm càng chết thêm”- anh buồn bã nói. Cũng theo anh, sở dĩ chợ đêm Thị xã ế ẩm là do công tác quảng bá còn yếu. Nhiều người dân ở huyện Hoà Thành hiện vẫn không hay biết gì đến hoạt động chợ đêm Thị xã lấy gì đi mua sắm? Cùng thời điểm những ngày lễ lớn, trong khi các đơn vị khác như khu du lịch Long Điền Sơn chẳng hạn, tổ chức văn nghệ và quảng cáo rôm rả đến tận các chợ xã, thì chợ đêm Thị xã vẫn cứ “bình chân như vại”.
Ở chợ đêm Thị xã còn có một số điểm chưa làm hài lòng khách hàng. Như các quầy buôn bán chưa niêm yết giá, tạo tâm lý e ngại bị “chặt chém” nơi khách hàng. Chợ có 2 nhà vệ sinh công cộng nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động cũng là điều khiến nhiều người cảm thấy quá bất tiện khi giải quyết nhu cầu. Một số xe bán thức ăn lưu động được vào bán trong chợ đêm, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tiểu thương. Đèn thắp sáng trên các trụ “ngà voi”- biểu tượng của chợ đêm- bị tắt gần hết, khiến cho chợ đêm càng thêm vẻ đìu hiu…
Tìm cách vực dậy
Trao đổi với chúng tôi xung quanh tình hình hoạt động của chợ đêm, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Phước Hùng, nói: Dự án chợ đêm có 120 quầy, ngày khai trương có hơn 80 quầy bán và hiện nay còn 65 hộ kinh doanh. (Theo quan sát thực tế của chúng tôi, tối ngày thứ bảy, 10.12.2011, chỉ có 18 quầy thực bán). Chợ đêm thưa dần là do bị những tác động như sau: thời gian qua mưa gió liên tục, không thuận lợi cho việc buôn bán. Siêu thị Co.opMart Tây Ninh khai trương, thu hút bớt lượng khách hàng. Mặt khác, chính quyền địa phương chưa quan tâm…
Về những thắc mắc của tiểu thương, ông Hùng giải thích: Việc cấm xe lưu thông trong chợ đêm là cần thiết. Vì nếu lỡ để xảy ra tai nạn giao thông, chợ sẽ bị đóng cửa. Nhà vệ sinh lưu động đã có nhưng vì thấy trong thời gian qua, chợ không đông lắm nên Công ty chưa xin phép chính quyền địa phương đào nơi xả thải xuống cống. Dự kiến tháng 12.2011 Công ty sẽ tiến hành việc này.
Ông Hùng cho biết thêm: để chia sẻ khó khăn với tiểu thương, Công ty Dương Phước Hùng đã giảm chi phí mặt bằng, như tháng 9, giảm 40%, tháng 10 tiếp tục giảm 30%, tháng 11 thu phí bình thường và bắt đầu từ tháng 12 đến hết 2 năm, Công ty sẽ giảm hẳn 10%. Theo cam kết trong dự án chợ đêm, chủ đầu tư sẽ tổ chức sự kiện 4 lần/năm để thu hút khách hàng. Từ ngày khai trương đến nay, Công ty đã 3 lần tổ chức sự kiện, gồm ngày khai trương chợ đêm 2.9, Ngày phụ nữ Việt Nam 20.10, Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11. Hiện nay, Công ty đang chuẩn bị tổ chức sự kiện nhân đêm Noel 24.12.
Trường Sơn