Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
HLV Miura và triết lý thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam
Thứ bảy: 12:00 ngày 04/04/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chưa gặt hái được những danh hiệu cụ thể, nhưng các đội bóng Việt Nam dưới trướng HLV người Nhật Bản đều thể hiện bộ mặt giàu sinh khí.

HLV Toshiya Miura nhận lời dẫn dắt tuyển Việt Nam vào tháng 5/2014. Bản lí lịch nghèo nàn cùng tỷ lệ thắng trận khi cầm quân chỉ là 25% khiến nhiều người không tin vào khả năng của ông. "VFF lại ham rẻ", "Bóng đá Việt Nam chuyển sang đào tạo huấn luyện viên tiềm năng", "Ông ta sẽ sớm bị sa thải thôi" là những ví dụ trong vô số nhận định bi quan về Miura lúc bấy giờ.

Chưa đầy một năm sau, Toshiya Miura đã là cái tên được đông đảo CĐV Việt Nam biết đến, cùng với sự quý mến và ngưỡng mộ trước những gì ông đã làm được. Sự ngờ vực và coi nhẹ đã phai nhạt.

Dấu ấn của ông thầy người Nhật trong dáng vẻ thư sinh để lại cho bóng đá Việt Nam rõ rệt qua ba giải đấu Asiad 17, AFF Cup 2014 và vòng loại U23 châu Á. Những triết lý bóng đá của người Nhật sau 20 năm học hỏi bóng đá Brazil và Đức đã được ông Miura áp dụng tại Việt Nam.

DONG8520-1426640611-660x0-6682-142796137

HLV Miura ít cười và hành xử chuyên nghiệp khi dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.

Điểm đầu tiên trong triết lý của HLV Miura là tư duy chơi bóng hiện đại. Bóng đá ngày nay không phải là sân khấu của những cá nhân ham biểu diễn kỹ thuật và thích rê dắt. Triết lý này được ông thổ lộ trong một bài phỏng vấn trên báo Nhật: "Đặc trưng của cầu thủ ở Đông Nam Á có lẽ là ghét chạy, ghét phòng ngự. Những cầu thủ giỏi ở đây cũng chỉ giống như cầu thủ giỏi ở Nhật Bản 30 năm trước, chỉ giỏi khi giữ bóng. Với bóng đá chuyên nghiệp, điều này là tối kỵ".

Đó là lý do trong những ngày đầu tiên nắm tuyển Olympic Việt Nam tham dự ASIAD 17 (2014), HLV Miura gò cầu thủ vào triết lý của ông. Trong các buổi tập, yêu cầu các cầu thủ chỉ chơi bóng với một hoặc hai chạm. Ngay khi có cầu thủ nào chạm bóng ba chạm, ông lập tức quát nạt và cho dừng bóng.

"Tôi biết việc chơi bóng với chỉ một, hai chạm là rất khó khăn nhưng các cầu thủ buộc phải thực hiện. Ở Nhật Bản hiện tại, các cầu thủ đều chơi như vậy. Bóng đá hiện đại không cho phép cầu thủ cầm bóng quá lâu", HLV Miura từng chia sẻ với VnExpress.

Nhờ thế, tại Asiad 17, Olympic Việt Nam thi đấu đầy tự tin trước những đối thủ mạnh. Các cầu thủ trẻ còn gây bất ngờ khi đánh bại Olympic Iran với tỷ số 4-1 và lọt vào vòng 1/8 của giải.

Lối chơi này tiếp tục được áp dụng cho các tuyển thủ quốc gia. Kết quả là ở AFF Cup 2014, tuyển Việt Nam được đánh giá là đội bóng chơi tấn công cống hiến nhất, lối chơi hiện đại nhất. Màn trình diễn của các tuyển thủ quốc gia làm nức lòng người hâm mộ, dù trận thua ở bán kết lượt về trước Malaysia là một cú sốc lớn.

DONG8882-1407818470-660x0-1669-142796137

HLV Miura thường chạy 20 vòng sân trong các buổi tập khiến các học trò khâm phục. Ảnh: Đức Đồng.

Triết lý hiện đại của HLV Miura còn thể hiện rõ qua vấn đề nâng cao thể lực. HLV Miura đã yêu cầu VFF thuê chuyên gia thể lực người Nhật để hỗ trợ các cầu thủ. Các cầu thủ cũng phải chịu những bài tập nặng. Ở vòng loại U23 châu Á, nhiều cầu thủ gặp chấn thương, vì các bài tập thể lực ở cường độ cao của HLV Miura. Thậm chí nhiều chuyên gia đã chỉ trích ông thầy người Nhật.

Tuy nhiên, bất chấp sức ép nặng nề từ dư luận, màn trình diễn của đội Olympic tại Malaysia đã chứng minh sự đúng đắn của HLV Miura. Sau cùng, kết quả mới là điều quan trọng. Olympic Việt Nam chạy khỏe hơn cả các cầu thủ chủ nhà Olympic Malaysia vốn sung mãn về thể lực. Mật độ hai ngày một trận không ảnh hưởng các cầu thủ trẻ, nhờ trước đó họ đã quen với cường độ luyện tập.

Tuyển thủ Công Vinh từng ca ngợi triết lý của HLV Miura với VnExpresssau thành công của Olympic Việt Nam tại Asiad 17: "Các cầu thủ Olympic Việt Nam đá tốt một phần nhờ thể lực được cải thiện. Họ chạy mà không biết mệt, duy trì cường độ vận động cao từ đầu cho đến khi kết thúc trận đấu. Có được điều đó, một phần quan trọng nhờ huấn luyện viên Miura áp dụng kịp thời giáo án tập thể lực rất khoa học và linh động".

'Bóng đá là môn thể thao của tập thể' là triết lý được HLV Miura quán triệt cho các cầu thủ suốt một năm qua. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất mà các CĐV Việt Nam mong muốn thấy khi đội tuyển quốc gia có một người Nhật Bản dẫn dắt. "Một người Việt giỏi hơn một người Nhật. Ba người Việt thì không bằng ba người Nhật" là câu nói từ xưa để chỉ sự đoàn kết của người Nhật là tốt đến thế nào. 

6-1427299683-660x0-3967-1427961376.jpg

Sau áp lực, nụ cười đã đến với ông thầy người Nhật. Ảnh: Đức Đồng.

Đó là lý do khi truyền thông Việt Nam ca tụng Công Vinh hay gần nhất là Công Phượng đều bị HLV Miura tỏ ra khó chịu. “Tại sao các bạn cứ hỏi tôi về Công Phượng. Hôm nay cậu ấy chơi tốt, di chuyển nhiều và nhạy bén trong khâu ghi bàn. Nhưng chiến thắng hôm nay là chiến công của toàn đội chứ không riêng gì Công Phượng”. HLV Miura nổi nóng khi trả lời một câu hỏi phỏng vấn sau trận thắng Olympic Malaysia 2-1 ở vòng loại U23 châu Á.

Vào vòng 1/8 Asiad 17 với thành tích hạ Olympic Iran 4-1. Vào bán kết AFF Cup với lối chơi cống hiến. Lọt vào vòng chung kết U23 châu Á 2016. Đó là ba thành tích mà HLV Miura mang lại cho bóng đá Việt sau gần một năm dẫn dắt. Việt Nam vẫn chưa có chức vô địch nào, nhưng diện mạo của bóng đá Việt Nam đang thay đổi theo hướng tích cực nhờ sự xuất hiện của ông thầy người Nhật. 

"Sau 300 ngày làm việc tại Việt Nam, tôi thấy nơi đây thật tuyệt. Con người chân thành và tình cảm. Tôi hy vọng mình có thể gắn bó với dải đất này lâu dài", HLV Miura thổ lộ tình yêu với mảnh đất Việt Nam.

Theo VNE

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục