Theo dõi Báo Tây Ninh trên
HLV của Sài Gòn FC, Vũ Tiến Thành cho rằng VFF nên cân nhắc khả năng dùng đội trẻ dự AFF Cup, còn đội tuyển tập trung cho vòng loại World Cup 2022.
Ông Vũ Tiến Thành chỉ đạo các cầu thủ Sài Gòn trong trận giao hữu với Long An hôm qua 6/5. Ảnh: Đức Đồng.
- Các giải đấu của bóng đá Việt Nam đang rục rịch trở lại, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về các phương án tổ chức. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi đã nghe nhiều đề xuất từ VPF rồi các chuyên gia, HLV... Gần nhất HLV Chung Hae-soung của CLB TP HCM cho rằng các đội có thể đá hết một vòng sau đó phân hạng: bảy đội nhóm trên đá vòng tròn một lượt tranh chức vô địch, bảy đội nhóm dưới đá trụ hạng. Với phương án này, trừ hai vòng đã đá, V-League sẽ chỉ còn lại bảy vòng và kéo dài gần hai tháng.
Nói chung, đa số các đề xuất đều nhằm rút ngắn thời gian, để V-League kết thúc trước tháng 10 cho đội tuyển Việt Nam tập trung đá vòng loại World Cup rồi AFF Cup. Nếu làm như thế, tôi cho rằng V-League sẽ không còn giá trị, thậm chí dễ dẫn đến tiêu cực. Ví dụ, nhiều đội bóng biết thực lực của họ, không chơi hết mình và đá giữ sức để tìm lợi thế khi phân nhóm. Hoặc nhiều đội khi đã đủ điểm để vào nhóm tranh vô địch cũng sẽ không chơi hết mình... Như vậy, các trận đấu sẽ không có sức hút, thiếu công bằng và bất lợi cho nhiều đội bóng khác.
Tôi vẫn luôn đồng tình với phương án tổ chức hai lượt, sân nhà - sân khách, và thời gian nghỉ giữa các trận là một tuần như các mùa trước đây.
- Nhưng nếu tổ chức như thế sẽ kéo dài thời gian, khó tập trung sức lực cho đội tuyển quốc gia?
- Để nhìn nhận một nền bóng đá phải đánh giá hai yếu tố, đó là hệ thống giải vô địch quốc gia (gồm V-League và hạng Nhất) và đội tuyển quốc gia.
Nếu chúng ta đưa ra giới hạn rằng V-League phải kết thúc trước tháng 10 thì sẽ khiến cho giải đấu không còn giá trị. Các nhà đầu tư cũng như người hâm mộ luôn muốn V-League phải mạnh mẽ thực sự. Tức là phải tổ chức nhà nghề, quy củ chứ không phải giải pháp tình thế, làm cho có. V-League còn 24 vòng, và đội nào vào chung kết Cup Quốc gia thì phải đá ít nhất bảy trận nữa. Có nghĩa là một đội phải tham dự khoảng 30 trận một mùa. Nếu đưa ra giới hạn kết thúc sớm mùa giải sẽ không hợp lý, lịch thi đấu sẽ dày đặc khiến cầu thủ quá tải rồi chấn thương...
Còn với đội tuyển quốc gia, chúng ta đang có cơ hội lớn nhất từ xưa đến nay ở vòng loại World Cup. Do đó, chúng ta phải xem lại, không thể cùng một thời điểm đem quân đi tham dự hai giải. Đó là điều bất khả thi.
- Vậy giải pháp của ông là gì?
- Như tôi đã nói, mục tiêu lớn nhất của Việt Nam là vòng loại World Cup khi đang đứng đầu bảng G và có cơ hội lớn để tiến vào vòng loại cuối cùng, cũng đồng nghĩa với tấm vé đến thẳng Asian Cup 2023. Chúng ta phải tập trung tối đa cho chiến dịch này.
Còn với AFF Cup, theo tôi, phải xem lại. Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần kiến nghị với Hội đồng bóng đá Đông Nam Á về thời gian tổ chức AFF Cup, xem nó có thích hợp không? Nếu cần thiết, vì Covid-19, chúng ta có thể cử đội U21 hoặc U23 tham dự AFF Cup. Như vậy, nếu đội tuyển chỉ tập trung cho vòng loại World Cup, V-League có thể kéo dài đến hết tháng 12. Cứ một tuần một vòng sẽ làm cho các trận đấu có chất lượng hơn. Cầu thủ sẽ tránh quá tải, tránh chấn thương và có thể trạng, phong độ tốt nhất cống hiến cho đội tuyển.
Còn nếu tổ chức kiểu giải pháp ngắn hạn sẽ dẫn đến các hệ luỵ và đội tuyển quốc gia cũng bị ảnh hưởng theo. Chúng ta cần mục tiêu rõ ràng, tránh ôm đồm nhiều sân chơi để rồi không sân nào có kết quả tốt. AFF Cup chỉ là giải vô địch Đông Nam Á, không thuộc hệ thống FIFA. Vì vậy, nhiều CLB họ không muốn nhả quân thì VFF cũng không thể làm gì.
Nhìn sang Thái Lan, thứ hạng FIFA dưới Việt Nam nhưng họ đã hoà nhập với thế giới để tổ chức giải VĐQG từ tháng 8 năm nay đến tháng 5 năm sau (tương tự các giải đấu châu Âu). Tức là họ đang tập trung tốt nhất cho Thai League. Chúng ta cũng nên hoạch định như thế, vì V-Legaue có mạnh thì đội tuyển mới mạnh. Nếu tổ chức V-League không tốt, không khoa học sẽ ảnh hưởng đến đội tuyển. Đến lúc đó các nhà đầu tư bóng đá có thể sẽ "bỏ của chạy lấy người".
Nguồn VNE