BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học lái xe ô tô ngày càng khó 

Cập nhật ngày: 15/02/2023 - 06:02

BTN - Nhiều khả năng, trong thời gian tới, mức học phí sẽ tiếp tục tăng, do chương trình học có thêm các nội dung thực hành lái xe, luyện tập lái xe trên cabin mô phỏng...

Sân tập lái tại Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt

Những năm gần đây, nhu cầu học lái xe ô tô ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, phí đào tạo tại các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe liên tục tăng, việc học lái xe cũng ngày càng khó sau khi Bộ Giao thông Vận tải ra nhiều quy định mới.

Học phí tăng cao

Điều người học lái xe ô tô quan tâm nhất chính là chi phí phải bỏ ra để hoàn thành khoá học và được cấp giấy phép điều khiển phương tiện. Theo phản ánh của nhiều người có nhu cầu học và thi giấy phép lái xe, hiện nay, học phí tại các trung tâm trên địa bàn tăng cao. Chi phí khoá học lái xe bằng B1, B2 và C lên tới hơn 20 triệu đồng- tăng hơn 5 triệu đồng so với trước.

Đang theo học khoá đào tạo lái xe hạng B2 tại một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe ở huyện Châu Thành, anh Toàn- ngụ xã Ninh Điền, huyện Châu Thành cho biết, trước khi đăng ký khoá học, anh đã cất công tìm hiểu mức học phí của nhiều nơi. Ban đầu, gọi điện đến các trung tâm, anh không khỏi giật mình với mức học phí được thông báo đều trên 20 triệu đồng (chưa bao gồm lệ phí thi và sát hạch).

Ngoài ra, nhân viên tư vấn của các trung tâm cho biết, với các quy định mới được áp dụng theo Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT, việc đào tạo và sát hạch sẽ ngày càng chặt chẽ, người được cấp giấy phép lái xe bảo đảm hiểu biết cặn kẽ về pháp luật giao thông cũng như những kỹ năng cần thiết khi điều khiển phương tiện, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Nhiều khả năng, trong thời gian tới, mức học phí sẽ tiếp tục tăng, do chương trình học có thêm các nội dung thực hành lái xe, luyện tập lái xe trên cabin mô phỏng (quy định tối thiểu 3 giờ) theo Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT (gọi tắt là Thông tư 04) sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải và giá xăng dầu tăng.

Theo chị Trang, ngụ xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, năm 2021, chồng chị có đăng ký học và thi sát hạch giấy phép lái xe, mức đóng trọn gói (gồm phí đào tạo và lệ phí thi, sát hạch) khoảng 16 triệu đồng.

“Tôi đang định đăng ký học bằng lái B1 để điều khiển ô tô của gia đình đưa đón con đi học, về quê ngoại hoặc đi rước chồng những lúc anh ấy phải uống rượu bia, tiếp khách, không thể lái xe. Tuy nhiên, sau khi được các cơ sở đào tạo thông báo mức phí trọn gói lên đến hơn 23 triệu đồng, tôi băn khoăn vì đây là số tiền lớn”- chị Trang chia sẻ thêm.

Giáo viên tại Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt hướng dẫn lái trên mô hình mô phỏng tình huống giao thông

Tăng giá do nhiều nguyên nhân

Việc học phí tăng cao được các trung tâm đào tạo lái xe lý giải là do phải đầu tư thêm nhiều trang thiết bị như: xe tập lái mới, toàn bộ thiết bị DAT trên các phương tiện (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe, được lắp trên xe ô tô để ghi, lưu trữ, xác thực và truyền nhận các thông tin bắt buộc liên quan trong quá trình dạy và thực hành lái xe), cabin điện tử, máy tính học mô phỏng tình huống giao thông.

Ông Nguyễn Sắc Lệnh- Trưởng Phòng đào tạo tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Tây Ninh cho biết, mức học phí bằng lái xe hạng B1, B2 và C tại Trung tâm hiện dao động từ 20-21,7 triệu đồng (chưa bao gồm lệ phí thi và sát hạch cuối khoá). So với năm 2021, mức học phí được điều chỉnh tăng khoảng 5 triệu đồng.

Theo ông Lệnh, Thông tư 04 quy định các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe sẽ phải giám sát việc học lái xe cả lý thuyết và thực hành của học viên bằng thiết bị điểm danh bằng vân tay, camera giám sát trực tuyến và thiết bị luyện tập lái, xử lý tình huống trên cabin mô phỏng tình huống giao thông. Các học viên phải bảo đảm đủ số giờ học quy định, nếu không đủ, sẽ không được phép đăng ký thi sát hạch.

Kỹ thuật viên tại Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt ghi nhận số liệu từ mô hình mô phỏng tình huống giao thông.

Bên cạnh đó, hằng năm, Trung tâm đều phải đầu tư các loại xe tập lái mới thay thế xe cũ, đồng thời gắn các bộ thiết bị giám sát hành trình DAT để truyền tải dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 2.2023, Trung tâm sẽ lắp đặt 2 bộ cabin điện tử, đầu tư máy tính cho học viên học 120 tình huống mô phỏng thực tế. Việc quy định thời gian học thực hành lái xe thực tế với quãng đường thực tế lên đến 825km cho bằng C và 810km cho bằng B1 và B2, nếu chiếu theo số giờ học quy định nhân với đơn giá xăng dầu cùng nhiều khoản khác, chi phí cơ bản cho một khoá học lái xe gần hết phần thu học phí của đơn vị.

Ông Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt cho biết, đầu tháng 1.2023, Trung tâm đầu tư gần 1 tỷ đồng để trang bị 2 bộ cabin mô phỏng tình huống giao thông, đồng thời lắp đặt bộ thiết bị giám sát hành trình trực tuyến cho tất cả các xe đào tạo và sát hạch của Trung tâm theo quy định của Thông tư 04.

Theo ông Thành, ngoài việc lắp đặt bộ thiết bị giám sát hành trình trực tuyến, phía Trung tâm còn phải trang bị sim 4G để tải dữ liệu liên tục truyền từ máy chủ của Trung tâm, kết nối về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ông Thành nhẩm tính, chi phí xăng dầu mỗi xe chạy thực hành đường trường đủ 825km cho người học lái xe hạng C và 810km cho người học lái hạng B1, B2 đã chiếm hơn 1/3 số tiền học phí. Để đáp ứng quy định theo Thông tư 04, Trung tâm Thành Đạt đã đầu tư hàng loạt thiết bị, phương tiện mới.

Mức thu học phí như hiện nay chỉ đủ để Trung tâm trang trải chi phí hoạt động và khấu hao tài sản chứ chưa nói đến lợi nhuận. Do đó, từ năm 2023, học phần thực hành lái xe ô tô trên cabin mô phỏng được đưa vào giảng dạy, dự kiến Trung tâm sẽ tiếp tục tăng học phí để bảo đảm hoạt động.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành kế hoạch, tổ chức 3 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe của 63 sở GTVT trên cả nước. Việc kiểm tra tại Tây Ninh do đoàn kiểm tra số 3 - Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì thực hiện.

Theo Bộ GTVT, kiểm tra nhằm phát hiện bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe (nếu có) để kiến nghị biện pháp khắc phục, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và phòng ngừa tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe. Đồng thời, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các sở GTVT trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe; phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có); hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Phạm vi kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe của Sở GTVT gồm các nội dung: công tác quản lý đào tạo lái xe; công tác quản lý và tổ chức sát hạch; công tác cấp, đổi bằng lái xe.

Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra trực tiếp tại đơn vị được kiểm tra; kiểm tra xác suất hồ sơ, tài liệu do đối tượng kiểm tra cung cấp và hồ sơ, tài liệu khác có liên quan (nếu có). Trường hợp cần thiết, các đoàn kiểm tra có thể làm việc với cơ quan, đơn vị liên quan để thu thập, đối chiếu thông tin, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra. Bộ GTVT yêu cầu, việc thanh, kiểm tra phải hoàn thành trước ngày 15.4.2023.

Được biết, năm 2022, toàn tỉnh tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) 123 kỳ (51 kỳ mô tô, 72 kỳ ô tô); cấp mới, cấp đổi GPLX các hạng 29.154 giấy phép (15.079 GPLX mô tô, 13.412 GPLX ô tô); đăng ký cấp mới, cấp lại xe máy chuyên dùng: 205 phương tiện; đăng ký phương tiện thuỷ nội địa: 6 phương tiện.

HẢI ĐĂNG

Minh Dương - Phương Thảo