Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Hộ chiếu” sầu riêng – Nâng tầm nông sản 

Cập nhật ngày: 23/04/2024 - 17:27

BTNO - Khoảng thời gian 1 tháng nữa, hơn 3.000 ha sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ bước vào vụ thu hoạch chính. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, hiện nay ngành chức năng và người dân đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu.

Nông dân thu hoạch sầu riêng

Rộng đường xuất khẩu

Xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu được xem là thủ phủ trồng sầu riêng tại Tây Ninh, với diện tích lên tới 1.500 ha. Để nâng tầm giá trị nông sản và đầu ra ổn định, nhiều nông dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, nhiều vườn đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Bàu Đồn với hơn 40 ha trồng sầu riêng. Từ năm 2021, thành viên HTX đã thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đăng ký vùng trồng, mã QR nhãn hiệu sầu riêng. Đến nay, HTX cây ăn trái Bàu Đồn đã được cấp 3 mã số vùng trồng xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc và hướng đến xuất khẩu tại thị trường Châu Âu.

Bà Phạm Thị Nga, ngụ ấp 1, xã Bàu Đồn là thành viên HTX cây ăn trái Bàu Đồn cho biết: Không chỉ ngon, sạch mà nhờ chăm sóc tốt và áp dụng kỹ thuật hiệu quả nên các vườn sầu riêng đều cho trái đạt yêu cầu, kích cỡ đều, chất lượng không thua nơi nào. Vụ sầu riêng năm 2023, sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP và có mã số vùng trồng, giá bán khá ổn định từ 60.000 – 70.000 đồng/kg.

Tại xã Truông Mít, Huyện Dương Minh Châu cũng có hơn 200 ha cây sầu riêng, trong đó có 27 ha của 22 hộ dân đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Với việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác, ghi chép cẩn thận từ khi cây ra hoa, xả nhụy, buộc dây đánh dấu… nông dân hy vọng vụ sầu riêng năm nay sẽ bán được với mức giá cao, đầu ra ổn định.

Ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Truông Mít khẳng định: “Với những vườn sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ ổn định. Bởi lẽ đã có nguồn gốc xuất xứ, có đơn vị cam kết thu mua, giá thành bảo đảm ổn định suốt trong quá trình thu hoạch của nhà vườn”.

Nông dân thu hoạch sầu riêng

Cần quản lý chặt chẽ “hộ chiếu” xuất khẩu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến tháng 3.2024, toàn tỉnh đã cấp 51 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.200 ha. Trong đó, 19 mã số đã được nước nhập khẩu phê duyệt để xuất khẩu trên các loại trái cây: chuối, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, chanh không hạt; 32 mã số vùng trồng đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt. Toàn tỉnh cũng có 5 cơ sở được cấp mã số xuất khẩu, trong đó 4 mã số đã được nước nhập khẩu (Trung Quốc) phê duyệt.

Thực tế cho thấy, quản lý chặt mã số vùng trồng trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng đang là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay để bảo đảm việc xuất khẩu bền vững. Từ nhiều năm nay, sầu riêng Tây Ninh chủ yếu phân phối và tiêu thụ ở thị trường trong nước. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch là cơ hội tốt cho sầu riêng Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với mục tiêu hướng tới các sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước. 

Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Đồn cho biết HTX đã xây dựng được 3 mã số vùng trồng. Sau khi được cấp mã, HTX quản lý rất chặt chẽ quy trình sản xuất, ghi chép, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua Sở NN&PTNT đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng mã số vùng trồng. Giải pháp này không chỉ giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.

Sầu riêng tại xã Truông Mít được cấp mã số vùng trồng

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Chúng tôi đã cấp được ít nhất là 2 cơ sở chế biến, đóng gói và hàng chục mã cho các cá nhân, hợp tác xã đang trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để bà con nhanh chóng có được mã vùng trồng và được bên phía đối tác công nhận. Mặt khác, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, đảm bảo những người được cấp mã phải làm đúng theo những quy định của Nhà nước cũng như của phía đối tác”.

Có thể khẳng định, việc cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng không chỉ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm.

Vũ Nguyệt