Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hộ dân hợp đồng trồng rừng: Góp phần bảo vệ “lá phổi xanh”
Thứ bảy: 00:05 ngày 20/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không chỉ riêng những người hợp đồng trồng rừng mới cảm thấy yêu “lá phổi xanh”của thiên nhiên, mà nhiều người dân địa phương đều ý thức được trách nhiệm bảo vệ rừng xanh.

Nối nghiệp gia đình, anh Toàn tiếp tục hợp đồng trồng rừng để góp phần phủ màu xanh trên đất lâm nghiệp.

Hiện nay, nguy cơ cháy rừng đang ở mức độ V- mức cực kỳ nguy hiểm, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) ở khu rừng phòng hộ (RPH) Dầu Tiếng (huyện Tân Châu) luôn được các lực lượng chức năng tập trung cao độ; đồng thời huy động các hộ dân hợp đồng trồng rừng và người dân sinh sống ven rừng tham gia công tác bảo vệ rừng, PCCR.

Lan toả tình yêu rừng

Anh Chu Đức Toàn (ngụ ấp 2, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) kể, trước đây, cha của anh có hợp đồng với Ban Quản lý khu RPH Dầu Tiếng trồng hơn 10 ha rừng ở tiểu khu 38, xã Suối Ngô.

Lớn lên trên vùng đất có nhiều cây rừng, nhận thức rõ lợi ích về môi trường và phát triển kinh tế gia đình từ việc trồng rừng, anh Toàn quyết định nối nghiệp trồng rừng của cha.

Anh ký hợp đồng với Ban Quản lý khu RPH Dầu Tiếng trồng hơn 20 ha rừng theo mô hình cây sao, dầu xen canh cao su (DCS), trong đó có những khu rừng mới trồng được 5 năm, và cũng có một số khu rừng đã chăm sóc hơn 20 năm.

Ở những khu rừng mới trồng, anh Toàn để cây cao su và cây rừng cùng sinh trưởng. Đối với khu rừng lâu năm, khi cây rừng đã khép tán, anh thanh lý toàn bộ cao su để nhường không gian cho cây rừng vươn lên.

Hiện tại, nhiều rừng dầu của anh có cây đã cao gần 10m, bề hoành gốc cây hơn 60cm. Theo kế hoạch, khi kết thúc hợp đồng 50 năm trồng rừng cũng là lúc những cây gỗ nhóm I này tới kỳ thu hoạch.   

Hằng năm, vào đầu mùa mưa, anh Toàn bón phân cho cây rừng, đến đầu mùa khô thì cày giữa các hàng cây rừng rồi vùi lớp thực bì xuống đất. Sau một thời gian, những thực bì này sẽ bị hoai mục, tạo phân hữu cơ, giúp đất không bị bạc màu.

Đồng thời, những đường cày này tạo thành những đường băng cản lửa, nếu không may có hoả hoạn sẽ tránh cháy rừng lan ra diện rộng. “Nhờ tích cực trong công tác PCCR, hơn 20 năm nay, những khu rừng của tôi chưa bao giờ xảy ra hoả hoạn”- người đàn ông tự hào khoe.

Bà Lệ cho nhân công dùng động cơ thổi lá ra khỏi gốc cây rừng để PCCR.

Bà Mai Thị Mỹ Lệ (ngụ ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) là giáo viên tiểu học ở địa phương. Năm 2003, bà chia tay nghề giáo, lập gia đình. Thời điểm đó có nhiều hộ dân hợp đồng trồng rừng với Ban Quản lý khu RPH Dầu Tiếng không thể tiếp tục gắn bó với rừng, đang lúc rảnh rỗi, bà Lệ “mua lại” một số hợp đồng trồng rừng của người khác để tạo công ăn việc làm cho mình.

Sau vài năm chăm sóc, những loại cây rừng thân gỗ nhỏ như tràm bông vàng, keo tai tượng, keo lai trưởng thành, tới kỳ thu hoạch. Có lợi nhuận, bà Lệ tiếp tục sang nhượng thêm nhiều hợp đồng trồng rừng của người khác.

Với cách làm tích tiểu thành đa, đến nay, bà Lệ có trong tay 162 ha rừng hợp đồng với nhiều mô hình thâm canh, xen canh khác nhau. Để kiểm tra phòng, chống mất cắp lâm sản và cháy rừng, bà Lệ và người thân thường xuyên dùng xe gắn máy rảo khắp các cánh rừng của mình.

Cựu giáo viên này kể, vào tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi vừa kết thúc mùa mưa bà liền cho nhân công điều khiển xe cơ giới vào cày úp những nơi có nhiều bổi (cỏ dại, thực bì) để tránh tình trạng cháy rừng. Sau vài tháng, bà tiếp tục kiểm tra lại, nơi nào lá rừng rụng nhiều, có nguy cơ hoả hoạn thì cho nhân công đến cày úp lần hai.

Vỗ vỗ vào thân cây rừng cao to sừng sững, bà Lệ bộc bạch: “Tuy công việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng có nhiều vất vả, nhưng tôi rất vui. Mỗi lần vào rừng, nhìn thấy những cây này không ngừng lớn lên, cành nhánh của chúng xum xuê, tạo không khí trong lành cho môi trường là tôi quên hết mệt nhọc và thấy yêu rừng nhiều hơn”.

Chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”

Ông Tạ Minh Tuấn, ngụ ấp Tân Trung, xã Tân Thành, huyện Tân Châu không có hợp đồng trồng rừng, kiếm sống bằng nghề làm thuê làm mướn như cày đất, xịt thuốc trừ sâu, giẫy cỏ mì, cỏ mía, thu hoạch lúa, bắp, hoa màu… Ông Tuấn tâm sự, sinh ra, lớn lên trên mảnh đất được bao phủ bởi màu xanh cây rừng nên tình yêu thiên nhiên hình thành trong tim ông từ lúc nào không hay.

Trong quá trình rong ruổi khắp nơi, ông đều ý thức bảo vệ rừng: “Tôi chưa bao giờ chặt phá cây rừng để làm nhà, làm củi, không hút thuốc lá trong rừng, không vào rừng đốt lửa bắt ong. Có lần tôi nhìn thấy khoảnh rừng bị cháy, mặc dù không phải rừng của mình nhưng tôi liền bẻ nhánh cây nhào vô dập lửa.

Nhờ thế đã ngăn chặn đám lửa, không cháy lan sang cánh rừng già bên cạnh. Phát hiện đám cháy lớn, tôi vừa dập lửa vừa gọi điện thoại báo cho Đội bảo vệ rừng để anh em điều động xe chuyên dùng đến chữa cháy”.

Cày úp thực bì là một trong những biện pháp hữu hiệu PCCR.

Khu RPH Dầu Tiếng giáp hồ Dầu Tiếng, tỉnh Bình Phước và biên giới với nước bạn Campuchia có tổng diện tích hơn 31.000 ha, trong đó có 2.348 hợp đồng trồng rừng, chiếm 27,5% tổng diện tích rừng.

Ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đánh giá: người dân làm ăn, sinh sống ven rừng và những hộ nhận khoán trồng rừng ý thức cao trong việc bảo vệ rừng, PCCR.

Theo lời ông Trung, qua kiểm tra công tác PCCR cho thấy, tính đến hiện nay, công tác PCCR của các hộ dân hợp đồng trồng rừng đã đạt 90%. Hiện chỉ còn những địa hình trũng, ngập nước, người dân chưa cày úp để PCCR.

Đối với những hộ dân làm ăn, sinh sống ven rừng và hộ nhận khoán trồng rừng, BQL thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên hệ thống loa phát thanh của huyện, xã; tuyên truyền trực tiếp trong các lần hội nghị và cho ký cam kết không xâm lấn, phá hoại rừng.

Thực tế cho thấy, những vụ cháy rừng xảy ra trong thời gian gần đây đều từ trong rừng cháy lan ra, có khả năng do kẻ xấu cố tình đốt phá rừng, chứ không phải do quá trình sản xuất nông nghiệp gây nên.

Ngày nay, đến tham quan đầu nguồn công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng sẽ dễ dàng bắt gặp những cánh rừng bạt ngàn, xanh tốt quanh năm. Nhiều phần đất trước đây bị người dân bao chiếm, lấn chiếm trái phép đã được xử lý và phủ lên màu xanh cây rừng.

Góp phần tạo nên màu xanh cho vùng đất lâm nghiệp ở đây, ngoài sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cán bộ nhân viên ngành Lâm nghiệp, còn có sự âm thầm góp công, góp sức của nhiều hộ dân hợp đồng trồng rừng và người dân địa phương.

Đại Dương - Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục