Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh luôn được các ngành chức năng quan tâm, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, không để hoạt động khai thác cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng trở thành điểm “nóng”, tạo dư luận không tốt.
5 tàu khai thác cát lậu bị cơ quan chức năng tỉnh bắt giữ tịch thu vào cuối năm 2021.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Kết quả những năm gần đây, số trường hợp vi phạm của các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng giảm mạnh. Cuối năm 2021, sau khi phát hiện 5 tàu khai thác cát lậu, tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính và tịch thu 5 tàu trên. Các tàu vi phạm bị xử lý là của các doanh nghiệp khai thác cát ở tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, một số trường hợp vi phạm như khai thác cát sai quy định, vượt ngoài phạm vi mỏ, vi phạm khai thác ngoài giờ quy định… cũng được ngành chức năng tỉnh Tây Ninh phát hiện và phối hợp với các tỉnh xử lý theo quy chế.
Từ đó tạo được ý thức chấp hành quy định của các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn Tây Ninh, hạn chế vi phạm. Vấn đề này luôn được tỉnh quan tâm sát sao, không buông lỏng.
Mới đây, chiều 2.6, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi Sở TN&MT tỉnh Bình Dương về việc phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khai thác cát tại vùng giáp ranh hồ Dầu Tiếng.
Theo Sở TN&MT, ngày 1.6, đoàn công tác của Sở kiểm tra hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng. Tại khu vực sông Sài Gòn thuộc ấp Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, đoàn phát hiện 2 tàu đang bơm hút cát gồm: 1 tàu không có số hiệu đã khai thác được khoảng 40m3 cát và 1 tàu số hiệu BD0399 đã khai thác được 10m3 cát. Kết quả đối chiếu toạ độ khai thác của 2 tàu cát trên theo vị trí giấy phép được khai thác, 2 tàu trên đã vượt ngoài ranh giới mỏ 367m. Bước đầu đại diện 2 chủ tàu cho biết, 2 tàu hút cát trên thuộc 1 doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương.
Căn cứ Quy chế 1416/QCPH-TN-BD ngày 25.5.2012 giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Dương về kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng đoạn giáp địa giới hành chính hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh có nội dung “Hành vi vi phạm hoạt động khoáng sản trên địa bàn sông Sài Gòn và lòng hồ Dầu Tiếng của tổ chức, cá nhân thuộc địa phương nào thì cơ quan chủ trì của địa phương đó xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho UBND tỉnh mình xử lý các trường hợp vượt quá thẩm quyền theo quy định pháp luật; cơ quan được chuyển hồ sơ xử lý phải có thông báo kết quả xử lý cho cơ quan bắt giữ đối tượng vi phạm”.
Do đó, Sở TN&MT tiến hành bàn giao toàn bộ hồ sơ, hiện trạng 2 tàu đã khai thác cát tại toạ độ vi phạm cho Sở TN&MT tỉnh Bình Dương, UBND huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xử lý theo thẩm quyền.
Cần có giải pháp nghiêm khắc hơn
Do hồ Dầu Tiếng liên quan đến 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, nên có ý kiến cho rằng, cả 3 địa phương cần ban hành quy chế phối hợp chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng. Trong đó, các tỉnh cần có những biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm như tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn, tước giấy phép đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm nhiều lần.
Đồng thời, sở, ngành có liên quan các tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành mình chủ động kiểm tra đột xuất, xử lý theo thẩm quyền, khi cần thiết thông báo cho tổ liên ngành phối hợp thực hiện. Trong đó, lực lượng Công an có kế hoạch thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Điều quan trọng là các địa phương có mỏ khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng hoạt động cần tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án đang thi công, các bến bãi; thường xuyên phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng công an, thanh tra tài nguyên khoáng sản trong công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi và trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Có hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài không xử lý triệt để.
Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà cùng các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý những tàu khai thác cát không nằm trong danh sách đăng ký của các doanh nghiệp, có biện pháp trục xuất ra khỏi hồ, kiên quyết không để những tàu khai thác cát trên xuất hiện trong hồ Dầu Tiếng để không còn xảy ra tình trạng khai thác cát lậu trong hồ Dầu Tiếng gây thất thoát ngân sách Nhà nước, dư luận bức xúc.
Bên cạnh đó, yêu cầu các tổ chức khai thác cát phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để có được chất lượng ổn định đối với thiết bị định vị hành trình trên tàu và thường xuyên vận hành trạm cân, camera và gửi đường truyền về Sở TN&MT, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh cũng như Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng - Phước Hoà để theo dõi, giám sát. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp khai thác cát không chấp hành tốt các quy định mà cơ quan chức năng yêu cầu.
Có như thế hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng mới không còn “nóng” như thời gian qua.
Thiên Tâm