BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hồ Dầu Tiếng: Vẫn còn bao chiếm, bán mặt nước và đánh cá theo lối huỷ diệt

Cập nhật ngày: 01/04/2010 - 05:32

Đánh bắt thuỷ sản trên hồ Dầu Tiếng

Liên tục từ năm 2005 đến nay UBND tỉnh Tây Ninh đã trích ngân sách gần 3 tỷ đồng, tổ chức 5 đợt thả bổ sung hơn 6 triệu con cá giống các loại xuống hồ Dầu Tiếng. Các loài cá được chọn thả bổ sung vào hồ gồm nhiều chủng loại, trong đó có những loài thuộc nhóm cá đặc sản có giá trị kinh tế rất cao như: cá tra dầu, cá  hô, cá lăng nha, cá thác lác cườm… nhiều loài cá có sự phát triển rất tốt như cá rô phi, cá trắm cỏ, cá trôi, cá chép. Qua khảo sát trong năm 2009, sản lượng đánh bắt tăng vượt trội so với các năm trước, đạt hơn 2.000 tấn và có khả năng tăng cao hơn nữa vào những năm tới. Bằng phương pháp đánh bắt thủ công truyền thống (lưới bén, đặt lợp, câu) một người trong một ngày, đêm lao động cũng có thu nhập khoảng trên dưới 150.000 đồng. Sau Tết Nguyên đán Canh Dần, một chủ ghe lưới cào (loại lưới bị cấm) trong một mẻ lưới đã kéo được một bầy cá chốt sọc cân được tới 1.614 kg…

Việc quản lý khai thác thuỷ sản còn nhiều bất cập

“Biển báo” xác định chủ quyền  “ao nuôi cá” (gần bến đò ngã ba bờ hồ)

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có hơn 1.000 phương tiện, hơn 2.000 người sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng; không kể hàng trăm người thường xuyên đến hồ câu cá giải trí. Do địa bàn rộng, lực lượng bảo vệ mỏng, kiểm soát không xuể, một số người vẫn lén lút sử dụng các phương tiện đánh bắt huỷ diệt như dến, lưới cào, đăng chắn… để đánh bắt công khai, tràn lan nhưng không ai bị xử lý. Ngày 22.3.2010 chúng tôi dùng ghe đò đi từ bờ hồ vào đảo Nhím, ngay tại bến đò từ bờ hồ đi đảo đã có vài tấm bảng nhỏ cắm ở sát mí nước, có ghi dòng chữ “ao nuôi cá”. Điều lạ là nước ở “ao” này lại thông với nước hồ (!). Những người dân chờ đi đò cho biết: “Chờ cho nước rút chút nữa,“chủ ao” mới đăng chắn lại, để nước trong vùng bị đăng chắn cạn là bắt cá hồ, chứ có ai nuôi thả gì đâu”(?). Một hố bom ở hóc cò trên đảo Nhím, khi nước hồ dâng lên, dùng chà (cây mì, nhánh cây rừng) ủ kín, giữ không cho ai đánh bắt (kể cả câu), khi nước rút cạn có thể cho thu hoạch tới 100 kg cá, chủ yếu là cá trê, cá lóc. Dọc theo các dải đất trong hồ, nước rút tới đâu là có đăng dến dày đặc theo triền nước rút, bất kỳ nơi nào có thể đăng dến được là có dến đăng, chỉ cách mí nước bờ hồ vài ba mét. Dọc theo bờ cù lao bến Quỷnh (đối diện với cống số 2) dến đăng dài liên tục chừng 5 km ven bờ, phải cho ghe chạy gần bờ mới phát hiện được “hàng rào ma mị” của dến. Điều day dứt nhất hiện nay là một số vùng, trảng, hầm cạp đều đã có chủ (!?). Ngay từ khi nước lên cho tới khi nước rút cạn đã có người “xí phần”; họ công khai nói với những người đánh bắt trong hồ là “đã mua”, rồi dùng mọi phương thức đánh bắt kể cả đánh bắt theo lối huỷ diệt”. Lực lượng bảo vệ có chứng kiến tận mắt những người này dùng các phương thức đánh bắt đã bị cấm, nhưng cũng không ai nói gì. Những trảng, hầm khi “chủ mua” thu hoạch xong hầu như không còn bất kỳ loài thuỷ sản nào sinh sống, kể cả cua, ốc.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản  trong hồ tỏ ra rất bức xúc với nạn “cát cứ” mua bán mặt nước. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đảnh, tạm trú trên đảo Nhím xác nhận: “Năm nay gia đình tôi phải nộp 300.000 đồng để hùn vốn cùng một số người “mua lại” của ông Lê Minh Dương (người dân quen gọi là ông Xum), ngụ tại ấp Đồng Kèn (khu tái định cư) một bãi (mặt nước) để ủ chà, đánh bắt. Vì ông Dương đã “mua toàn bộ hơn 700 ha mặt nước” tại khu vực phía Tây Nam đảo Nhím với giá 8 triệu đồng; nay ông Dương chia ra từng khu vực nhỏ bán lại cho ngư dân kiếm lời, ông chỉ giữ lại vùng có nhiều cá nhất để tự mình khai thác. Do ngăn cản, hù doạ, chửi bới thậm tệ những người “dám cả gan” đánh bắt trong khu vực mình đã mua, một đêm trung tuần tháng 3.2010, ông Dương bị một nhóm người hành hung, đánh đập rồi xô ông té xuống hố bom, tưởng ông Dương đã chết, nhóm người nọ bỏ đi. Công an xã Suối Đá vào cuộc nhưng chưa xác minh được danh tánh nhóm người manh động kia.

Lộ diện bản “hợp đồng ma”

“Bùa" của ông Dương.

Theo báo cáo của cơ quan chủ quản hồ nước “sau một năm thông báo nhưng không có ngư dân nào đến đăng ký phương tiện đánh bắt, nên việc thu phí đánh bắt trong hồ rất khó thực hiện”. (Báo Tây Ninh số ra ngày 29.12.2009 có đăng bài “Kế hoạch thu phí đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng” của Bảo Tâm).

Sau khi thuyết phục một người dân đã bỏ tiền hùn vốn cùng nhiều người khác, để mua bãi (mặt nước) đánh bắt ở khu vực “Hóc xe tăng” ven đảo Nhím, chúng tôi có được một tờ “giấy xác nhận” nội dung dưới danh nghĩa: “BCH Hội Cựu chiến binh Công ty (?) thống nhất với BCH Đoàn thanh niên (?) giao nhiệm vụ cho ông Bế Văn Tuỳ là hội viên cơ sở kênh Tây có nhiệm vụ quản lý, khai thác cá trong mùa nước giật năm 2010. Các hầm, ao trong lòng hồ được phép tổ chức liên doanh, liên kết bảo vệ quản lý, khai thác cá trong khu vực được giao. Trừ những khu vực đã giao cho đơn vị khác…”(???). Ông Bế Văn Tuỳ đã dùng mẫu “giấy xác nhận” này để ký xác nhận tiếp cho người khác: “giao cho ông Lê Minh Dương, sinh năm 1977, địa chỉ ấp Đồng Kèn, xã Tân Thành, được phép bảo vệ, quản lý, khai thác cá trong khu vực: Hóc cò+ Hóc xe tăng+Hóc miên+Bàu bà Tư Lần”. Tổng diện tích mặt nước khu vực này khoảng 700 ha. Có được “giấy xác nhận” này, ông Lê Minh Dương đã chia thành nhiều khu vực nhỏ bán cho người có nhu cầu đánh bắt. Tuy tờ “giấy xác nhận” này không hề có dấu mộc, mà chỉ có chữ ký của 2 người, gồm “người quản lý khai thác” là ông Lê Minh Dương và “người xác nhận” là ông Bế Văn Tuỳ (!). Thế mà tờ “giấy xác nhận” này lại trở thành “lá bùa hộ mệnh” cho người có được nó để tự cho mình quyền bao chiếm, mua bán mặt nước ở khu vực ghi rõ địa danh trong giấy.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi trích dẫn tiếp lời khẳng định của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đảnh, một ngư dân nghèo tạm trú trên đảo Nhím: “Nạn mua bán mặt nước đã tồn tại trong nhiều năm qua, năm nào chúng tôi cũng phải đóng tiền cho “chủ bãi” mới được đánh bắt. Dù biết là Nhà nước không thu phí đánh bắt, nhưng muốn được đánh bắt thì ngư dân chúng tôi vẫn phải ngậm bồ hòn móc túi ra đóng tiền mới có chỗ mà làm ăn, kiếm sống”.

NGUYỄN TRẦN VĂN