Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hồ Dầu Tiếng: Vẫn còn nhiều ngư dân đánh bắt cá trong khoảng thời gian cấm  

Cập nhật ngày: 11/11/2023 - 08:04

BTN - Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến có văn bản chỉ đạo về việc nghiêm cấm khai thác thuỷ sản, các hoạt động mua bán, tiêu thụ thuỷ sản có nguồn gốc trong hồ Dầu Tiếng kể từ ngày 26.10 đến hết ngày 26.11.2023.

Dớn dày đặc tại ngọn Mật Cật.

 Do từ ngày 26.10 đến ngày 28.10.2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng.

Việc này nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nước; ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho ngư dân. Trong khoảng thời gian nghiêm cấm nêu trên, các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Qua quan sát tại một số khu vực thuộc hồ Dầu Tiếng vào các ngày 6 và 7.11.2023, tình trạng đánh bắt thuỷ sản bằng ngư cụ cấm vẫn còn diễn ra. Cụ thể, dớn, lưới lồng bát quái nhiều khung và liên kết nhiều cái lại với nhau đang được đặt khá nhiều tại địa bàn ấp 6, xã Suối Dây (ngọn Mật Cật); ấp Tân Hiệp (ngọn B), ấp Đồng Kèn 2, khu vực hạ lưu suối Bà Chiêm, ấp Tà Dơ thuộc địa bàn xã Tân Thành, huyện Tân Châu.

Riêng ghe nhủi cá thường bắt đầu hoạt động từ 17 đến 22 giờ tại địa bàn ấp Tà Dơ, nhiều nhất là tại vùng mặt nước hồ Dầu Tiếng giáp ranh đảo Nhím (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) và ấp Tà Dơ (xã Tân Thành, huyện Tân Châu), vùng mặt nước hồ gần đảo Nhím nói chung. Ngoài ra, ghe nhủi cũng hoạt động nhiều tại sông Sài Gòn và thường tập trung tại khu vực đoạn sông thông ra lòng hồ Dầu Tiếng.

Ông H, một ngư dân có nhiều năm làm nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng (ngụ ấp Tà Dơ) cho biết, những năm gần đây, do lượng cá đánh bắt được trong lòng hồ ngày càng ít, nên gia đình ông đã chuyển sang nghề bán vé số để mưu sinh. Ông H nhận định, cá giống sau khi được Nhà nước thả thường bị sóng nước đẩy dạt vào khu vực gần bờ, cá giống cũng không lặn sâu mà chỉ “lởn vởn” ở tầng nước mặt.

“Sau thời gian khoảng 20 ngày, nếu con cá giống nào còn sống thì coi như đã thích nghi với môi trường sống mới là hồ Dầu Tiếng. Cá dần di chuyển ra xa bờ hồ hoặc ngược lên hướng thượng nguồn tại các nhánh sông, ngọn suối, vùng đất bán ngập rộng lớn trong mùa nước dâng cao. Việc bà con ngư dân dùng ghe nhủi cá ở tầng nước mặt gần bờ; đặt dớn, lợp bát quái, quay cất hàng loạt vó cũng tại vùng nước gần bờ... trong khoảng thời gian mới thả cá sẽ khó tránh khỏi “bắt nhầm” luôn cá giống”- ông H nói.

Minh Dương