Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Dầu Tiếng: Việc tưới luân phiên trong vụ đông xuân 2010-2011 cũng rất khó
Chủ nhật: 09:44 ngày 12/12/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, ngay từ đầu vụ đông xuân 2010-2011 Công ty đã phải áp dụng phương pháp tưới luân phiên do hồ Dầu Tiếng tích mức nước thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Mực nước hồ Dầu Tiếng thấp hơn cùng kỳ khoảng 1,5 mét

Theo Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, ngay từ đầu vụ đông xuân 2010-2011 Công ty đã phải áp dụng phương pháp tưới luân phiên do hồ Dầu Tiếng tích mức nước thấp hơn nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, ngay cả việc tưới luân phiên năm nay cũng khó khăn hơn nhiều so với những năm trước.

Năm 2009, khi chấm dứt mùa mưa thì hồ Dầu Tiếng đã tích nước được đến cao trình thiết kế là 24,4 mét- tương đương với dung tích tích được là hơn 1,5 tỷ mét khối. Thế nhưng, thời điểm chấm dứt mùa mưa năm nay, mực nước trong hồ Dầu Tiếng chỉ đạt cao trình chưa đến 23 mét- thấp hơn cùng kỳ đến gần 1,5 mét. Với mức tích nước này, hồ Dầu Tiếng chỉ tích được khoảng 1,26 tỷ m3 nước, ít hơn năm trước đến trên 300 triệu m3. Về nguyên nhân hồ Dầu Tiếng tích thiếu nước, theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Tây Ninh là do mùa mưa năm nay lượng mưa ở Tây Ninh thấp hơn trung bình nhiều năm. Lượng mưa trung bình nhiều năm ở Tây Ninh dao động từ 1.800- 2.000mm. Năm nay, đến cuối tháng 11 lượng mưa chỉ đạt có 1.600mm, do vậy hồ Dầu Tiếng tích nước không đạt cao trình thiết kế.

Ông Lê Thành Công- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, tình hình hồ Dầu Tiếng tích thiếu nước buộc ngành thuỷ nông phải áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm nước tưới ngay từ đầu vụ đông xuân 2010-2011. Nếu không sớm áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước tưới thì đến thời điểm kết thúc vụ đông xuân vào tháng 3.2011, lượng nước trong hồ sẽ xuống đến mực “nước chết”. Để có thể đảm bảo nước tưới cho tới vụ hè thu năm sau, trước tiên Công ty TNHH TMV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh chỉ đạo các đơn vị thuỷ nông trực thuộc triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế lượng nước dư thừa, thất thoát. Công ty cho ngưng hoạt động toàn bộ các cửa tràn bên và tràn cuối để nước không bị thất thoát theo hệ thống tràn, đồng thời đắp các kênh tiêu lớn để giữ nước lại, hạn chế lượng nước thất thoát ra sông. Ngoài ra, Công ty còn tập trung nạo vét kênh nội đồng, tạo dòng chảy thông thoáng để nước không ứ đọng đoạn trên tràn bờ gây thất thoát. Các biện pháp sẽ góp phần đáng kể cho việc tiết kiệm nước tưới.

Trong tình hình nguồn nước trong hồ quá thiếu, ngoài các biện pháp nêu trên, ngay từ đầu vụ đông xuân 2010-2011 Công ty còn áp dụng cả biện pháp tưới luân phiên. Đây là biện pháp tiết kiệm nước tưới rất hiệu quả, nhưng thực hiện không đơn giản- đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Theo tính toán thì giải pháp tưới luân phiên sẽ tiết kiệm nước tưới đến hàng trăm triệu mét khối trong vụ đông xuân. Tuy nhiên, cán bộ nhân viên thuỷ nông và cả nông dân sẽ phải vất vả hơn trong việc tập trung cấp nước và lấy nước. Trong những ngày mở nước, cán bộ thuỷ nông phải có mặt ngày đêm để điều tiết nước và nông dân cũng phải túc trực ngày đêm để lấy đủ nước vào ruộng. Theo đánh giá của Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh thì vụ đông xuân năm nay việc thực hiện lịch tưới luân phiên sẽ khó khăn hơn nhiều so với những năm trước. Bởi vì lịch mở và đóng nước năm nay vừa đảm bảo tiết kiệm được nước tưới đến vụ hè thu năm sau, vừa đảm bảo nông dân lấy đủ nước cho đồng ruộng, lại vừa phải vận dụng sao cho các nhà thầu có thời gian tranh thủ thi công để kịp hoàn thành nâng cấp các tuyến kênh trong thời gian cho phép.

Còn một số tuyến kênh phải vận dụng biện pháp tưới luân phiên để tiếp tục thi công

Hiện nay, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đã chỉ đạo các xí nghiệp thuỷ nông trực thuộc khẩn trương phổ biến tình hình thiếu nước tưới, phổ biến các biện pháp tiết kiệm nước tưới, công bố lịch tưới luân phiên từng khu vực để bà con nông dân nắm rõ và hợp tác lấy nước đạt hiệu quả, đồng thời rà soát lại những diện tích đất gò cao có khả năng không thể cung cấp đủ nước tưới để khuyến cáo bà con nông dân chuyển sang các loại cây trồng cạn, tránh bị thiệt hại do tình hình thiếu nước tưới gây ra.

Sơn Trần

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục