Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ho sao lại đắp lá trầu?
Thứ năm: 16:01 ngày 30/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Gần đây do thời tiết thất thường, số ca trẻ em bị viêm hô hấp tăng mạnh. Nhiều người rỉ tai nhau dùng lá trầu nóng trị viêm hô hấp, thông tin này được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Có thật đắp lá trầu có thể khỏi bệnh?

Đắp lá trầu nóng cho trẻ dễ gây phỏng ngực trẻ - Ảnh: Duyên Phan

Cách trị ho, thông đờm bằng đắp lá trầu hơ nóng là phản khoa học. Phụ huynh nên hạn chế tìm cách điều trị bệnh trên mạng vì mỗi bệnh lý đều có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, cần phải có phương pháp chữa phù hợp

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan 

Nhiều bác sĩ khẳng định trị ho thông đờm bằng đắp lá trầu là không nên, có thể gây bỏng, viêm da và làm cho bé bệnh nặng hơn vì không được điều trị ngay, trễ thời gian vàng điều trị.

Phản khoa học

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan - Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - cho biết bản thân lá trầu vốn có tính nóng nhưng phụ huynh lại hơ nóng kết hợp với thoa dầu lên ngực trẻ, điều này có thể làm da trẻ bị kích ứng, gây sưng phồng, nhiễm trùng nếu da mẫn cảm.

Đặc biệt lưu ý với trẻ dưới 1 tuổi, nếu áp dụng phương pháp này có thể gây bỏng vì da trẻ còn rất non, mỏng. Vì trong dầu nóng có thành phần chính là methyl salicylate, một chất rất nóng, nếu thoa không đúng liều lượng có thể làm bỏng da ở người trưởng thành.

BS Ngọc Lan cho hay để chữa bệnh theo Đông y phải xác định nguyên nhân bệnh. Nếu chữa bệnh mà không biết nguyên nhân thì rất thiếu khoa học và dễ mắc phải hai nguy cơ: thứ nhất, làm trễ thời gian "vàng" điều trị; thứ hai là làm bệnh nặng hơn.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhấn mạnh: "Cách trị ho kiểu đắp lá trầu không có căn cứ khoa học và chưa được kiểm chứng tại các viện y học hiện đại, vì thế phụ huynh tuyệt đối không áp dụng chữa ho, thông đờm cho trẻ".

“Muốn áp dụng một phương pháp chữa trị nào đó trước hết phải đảm bảo an toàn, chứ không phải thấy người ta làm thì mình cũng làm mặc dù không biết thông tin có chính xác hay không, đã được y học kiểm định hay chưa

BS Trương Hữu Khanh 

Bắt bệnh, dùng đúng thuốc

Theo DS Lê Kim Phụng, dân gian có những cách chữa viêm phế quản có đờm cũng dùng từ lá trầu bằng cách uống. Chẳng hạn như đun sôi 6-7 lá trầu trong 200ml nước và thêm chút đường, uống 2-3 lần trong ngày, hay lấy một ít lá trầu rửa thật sạch, đun sôi trong 200ml nước, thêm 1 củ gừng băm nhỏ vào và đun thêm 2 phút, lọc và uống trong ngày. Nhưng còn chuyện hơ nóng lá trầu đắp lên ngực thì chưa thấy tài liệu nào ghi, kể cả trong Y học Vệ Đà.

BS Ngọc Lan cho biết thêm trầu không có vị cay nồng, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị; có tính năng hạ khí, chỉ khái (trị ho), tiêu viêm, sát trùng, trừ phong thấp, kích thích tiêu hóa và thần kinh… Để chữa bệnh từ trầu không, thông thường lấy nước cốt uống hoặc nhai giập rồi đắp lên vùng da cần điều trị.

Trên thực tế, lá trầu không độc và có công dụng chữa ho. Tuy nhiên, việc chữa ho cho trẻ bằng cách lấy lá trầu không đã hơ nóng đắp lên ngực trẻ, rồi thêm dầu nóng là hoàn toàn không nên, không khoa học vì chưa xác định được nguyên nhân trẻ ho từ đâu. Đồng thời, biểu hiện bệnh ở trẻ không rõ ràng khiến dễ nhầm lẫn giữa các bệnh khác.

"Ho có nhiều dạng với nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do cảm lạnh hoặc do đường hô hấp nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm phổi... Chẳng hạn trẻ ho do đường hô hấp nhiễm khuẩn mà phụ huynh lại đắp lá trầu, khiến vi khuẩn phát triển, bệnh nặng hơn" - BS Ngọc Lan nói.

Các bác sĩ khuyến cáo tất cả các bệnh đều điều trị trên nguyên tắc, phương pháp y khoa, có kiểm chứng khoa học, không nên thực hiện theo những thông tin thiếu chính thống.

Theo các bác sĩ, khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các phòng khám, bệnh viện uy tín để xác định nguyên nhân bệnh, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp. Phụ huynh có thể chữa bệnh cho con bằng thuốc Tây y, Đông y hay dùng các biện pháp không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt… nhưng hãy đưa con đến bác sĩ. Khi đi khám, các bác sĩ còn có thể tư vấn chế độ ăn hay tập luyện phù hợp.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục