Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hỗ trợ chứng nhận GAP cho nông dân trồng cây ăn quả
Thứ bảy: 04:45 ngày 01/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020, có 10% diện tích các loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; theo đó, trong năm 2017 sẽ hỗ trợ chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP) cho 9 vùng gồm Tân Biên (5 vùng), Tân Châu (2 vùng), TP. Tây Ninh (1 vùng), Dương Minh Châu (1 vùng) trồng cây ăn quả với diện tích từ 250 - 280 ha.

Kiểm tra quá trình sinh trưởng của dưa lưới tại Trung tâm thực nghiệm sinh học kỹ thuật cao (huyện Châu Thành). Ảnh: Nguyễn Tường

Theo Sở NN&PTNT, thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất một số loại cây ăn quả đặc sản chủ lực đạt như sau: mãng cầu 5.117 ha, chuối 6.000 ha, xoài 3.826 ha, bưởi 1.500 ha, tăng diện tích trồng thơm và một số loại cây ăn quả đặc sản có giá trị cao lên khoảng 3.000 ha. Hiện diện tích trồng chanh dây cũng khá lớn và có xu hướng tăng mạnh do có hợp đồng tiêu thụ và có hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, các thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó có yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi phải sản xuất theo quy trình GAP, ứng dụng công nghệ cao. Từ thực tế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ chứng nhận GAP (VietGAP, Global GAP) cho nông dân trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 và định hướng đến năm 2020.

Mới đây, Sở đã ban hành Kế hoạch số 1405/KH-SNN ngày 26.6.2017 về hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt cho nông dân trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh năm 2017.

Mục tiêu của kế hoạch này là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; hình thành cánh đồng mẫu và thành lập các tổ liên kết sản xuất để cung cấp sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình sản xuất tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng cây ăn quả của tỉnh; hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020, có 10% diện tích các loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; theo đó, trong năm 2017 sẽ hỗ trợ chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP) cho 9 vùng gồm Tân Biên (5 vùng), Tân Châu (2 vùng), TP. Tây Ninh (1 vùng), Dương Minh Châu (1 vùng) trồng cây ăn quả với diện tích từ 250 - 280 ha. Trong đó diện tích chứng nhận GlobalGAP đạt 60 - 80 ha. Các loại cây trồng được chứng nhận gồm chanh dây (130 ha), chuối (60 ha), mãng cầu (50 ha), bưởi (20 ha), xoài (20 ha).

Vườn bưởi da xanh tại thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu (ảnh minh hoạ).

Điều kiện và đối tượng hỗ trợ là nông dân sản xuất các loại cây ăn quả như mãng cầu, bưởi, xoài, chuối, chanh dây... trên địa bàn và cây trồng đang trong chu kỳ bắt đầu làm trái; có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm được ghi trong giấy đăng ký áp dụng GAP và có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn tại địa điểm đăng ký hoặc kế hoạch, dự án đầu tư được sự đồng ý của UBND tỉnh; có diện tích sản xuất tối thiểu 1 ha/hộ và cam kết duy trì sản xuất trong thời gian tối thiểu 2 năm.

Trên cùng một diện tích, người sản xuất chỉ nhận được hỗ trợ chứng nhận một lần (chứng nhận lần đầu hoặc chứng nhận lại).

Mức hỗ trợ gồm: hỗ trợ 100% chi phí phân tích mẫu đất trồng, nước tưới; 100% kinh phí đào tạo, tập huấn thực hiện quy trình GAP và 100% chi phí chứng nhận GAP. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện cho kế hoạch này khoảng 1,1 tỷ đồng.

Từ tháng 5.2017, Sở NN&PTNT đã tiến hành triển khai, chọn điểm và khảo sát, đánh giá điều kiện vùng sản xuất.

TRÚC LY

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục