Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ nông nghiệp
Thứ bảy: 17:08 ngày 07/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện tại, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở các dịch vụ buôn bán vật tư nông nghiệp và làm đất, tưới nước, thu hoạch, vận chuyển vật tư sản phẩm…

Nhìn chung, hình thức dịch vụ nông nghiệp ở Tây Ninh phát triển chưa tương xứng với các ngành sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở các dịch vụ buôn bán vật tư nông nghiệp và các loại hình dịch vụ khác như làm đất, tưới nước, thu hoạch, vận chuyển vật tư sản phẩm…

 Các loại hình dịch vụ mới, hiệu quả như: bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, dịch vụ tài chính, tư vấn kỹ thuật, thị trường đầu ra… chưa được phổ biến rộng rãi.

Nông dân Bến Cầu chăm sóc khổ qua.

Hơn nữa, lực lượng lao động tham gia các hoạt động dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất mỏng và chưa hội đủ các điều kiện như trình độ chuyên môn sâu rộng, nguồn thông tin đa dạng, đa chiều, được cập nhật thường xuyên, vốn đầu tư, phương tiện hoạt động và đặc biệt là cơ chế hoạt động

Những năm qua, vai trò quản lý nhà nước đã có tác động khá lớn đối với phát triển nông nghiệp nói chung và lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp nói riêng; trong đó đáng kể là các hoạt động cung ứng dịch vụ công, xây dựng các chính sách tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động dịch vụ nông nghiệp; đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các hoạt động khuyến nông…

Tuy nhiên, vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều điều bất cập. Hoạt động cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra chưa quản lý chặt chẽ, dẫn đến chất lượng vật tư có nơi không bảo đảm, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm; không tạo động lực để liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm ít có cơ hội được nâng cấp; tình trạng “được mùa – mất giá” vẫn diễn ra thường xuyên.

Thu hoạch lúa.

Đồng thời, hình thức dịch vụ nông nghiệp chưa có chính sách thỏa đáng để khuyến khích các hoạt động tư vấn nông nghiệp (tư vấn về khoa học kỹ thật, tư vấn về thị trường…).

Các hoạt động về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và xây dựng mạng lưới thông tin mặc dù đã và đang được thực hiện nhưng hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế.

Các chính sách khác về đất đai, tín dụng, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, khuyến khích các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp (trong đó có dịch vụ nông nghiệp) luôn ở mức thấp so với yêu cầu phát triển.

Nền nông nghiệp của tỉnh đang hướng đến sản xuất quy mô lớn, tập trung, áp dụng khoa học – kỹ thuật. Vì vậy, các loại hình dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cần khuyến khích phát triển bao gồm: Dịch vụ sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi; dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; dịch vụ cơ khí, vận tải nông thôn; các dịch vụ khuyến nông, thú y và tư vấn nông nghiệp; dịch vụ về thị trường và tiêu thụ sản phẩm...

Dự tính tốc độ tăng trưởng bình quân dịch vụ nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là 7 - 8%/năm. Tỷ trọng dịch vụ trong ngành nông nghiệp năm 2020 là 9,18%.

Nông dân chăm sóc hành lá.

Xu thế sản xuất mới hiện nay là khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, có 2 loại hình tổ chức sản xuất cần được tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng, đó là các hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nông nghiệp; trong đó, cần lưu ý hài hòa cả hai loại doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và tạo việc làm tại địa phương là việc làm cần thiết; đơn giản hóa các thủ tục, chi phí liên quan tới việc đăng ký, thành lập doanh nghiệp tại địa phương; thực hiện ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại chỗ, ký hợp đồng lao động dài hạn, có đào tạo, dạy nghề cho lao động sau khi tuyển dụng; ưu tiên phát triển nhóm doanh nghiệp làm dịch vụ nông nghiệp (doanh nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, cung ứng vật tư nông nghiệp, du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp...) và doanh nghiệp chế biến nông sản, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm phụ của nông nghiệp, các ngành hàng có lợi thế tại địa phương.

Đây là hướng đi đúng, cần được khuyến khích, không chỉ đối với các doanh nghiệp hiện có mà cả đối với các nhà đầu tư trong tương lai muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhi Trần

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục