Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả hiệp định EVFTA
Thứ sáu: 19:35 ngày 05/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 5.6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMEs) tổ chức hội nghị trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả hiệp định EVFTA.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có lãnh đạo Sở Công thương, các sở, ban, ngành và đại diện các doanh nghiệp SMEs tỉnh Tây Ninh.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU)- Việt Nam (gọi tắt là EVFTA) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết mạnh mẽ nhất của cả 2 phía về mở cửa thị trường và cải cách thủ tục, thể chế chính sách… Vì vậy, đây có thể coi là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi phát triển thị trường xuất khẩu sang EU và ở chiều ngược lại.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, chiến lược hội nhập của Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước. Ngày 30.3.2020, Hội đồng Châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA. Theo kế hoạch, Quốc hội Việt Nam sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào ngày 8.6.2020.

Hiệp định EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Với hiệp định này, Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới và là quốc gia thứ hai trong ASEAN có hiệp định thương mại tự do với EU-cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới.

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu).

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. 7 năm sau khi thực thi hiệp định, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Bên cạnh đó, hiệp định được ký kết sẽ mang lại cơ hội công ăn việc làm lớn đối với người lao động; người tiêu dùng sẽ được đón nhận các sản phẩm rẻ hơn do được miễn thuế hải quan.

Đối với các doanh nghiệp SMEs, đây là một tín hiệu tích cực, là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản; nhóm ngành chế biến, chế tạo; nhóm ngành dịch vụ.

Trước mắt, với việc thực thi hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Hiệp định EVFTA vừa là cơ hội và cũng là thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa- Ảnh: Công nhân sản xuất giày tại Công ty VMC Hoàng Gia Tây Ninh.

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng góp phần làm cho GDP của Việt Nam tăng lên ở mức bình quân từ 2,18- 3,25% giai đoạn 2019-2023, từ 4,75%- 5,30% giai đoạn 2024-2033. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra những khó khăn thách thức cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về vai trò của chính quyền các cấp ở địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trên địa bàn quán triệt, triển khai thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA; hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ EVFTA; các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU. Theo thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ chiếm đến 70%.

Đối với Tây Ninh, những năm gần đây thị trường EU là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của tỉnh chủ yếu trên các mặt hàng: máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giày... Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến việc xuất khẩu sang thị trường EU gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang lan rộng tại các nước này.

Trong tháng 4.2020,  xuất khẩu sang thị trường EU đạt 21,2 triệu USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới. 

Hiện tại, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, đây đã là khoảng thời gian hai bên ngồi đàm phán cho các đơn hàng cuối năm).

Chính lý do này đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt là EU và Mỹ.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục