Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
HỘ KINH DOANH LÊN DOANH NGHIỆP:
Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ
Thứ hai: 22:21 ngày 01/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Muốn khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp (DN), Nhà nước cần đưa ra những chính sách hỗ trợ dài hạn, tạo cơ sở cho các DN này lớn mạnh chứ không phải là những “mồi câu” ngắn hạn.

Các diễn giả trong phần thảo luận Tháo gỡ những nút thắt về chính sách thuế hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại diễn đàn “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ, đồng thời cho biết nên có thể chế riêng với những DN siêu nhỏ, DN vừa và nhỏ thay vì có chính sách chung cho tất cả các loại hình DN, bất kể quy mô lớn hay nhỏ.

Ông Phan Đức Hiếu 
(viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Không nên 
dùng mệnh lệnh hành chính

Trong quá trình thúc đẩy hộ kinh doanh lên DN, Nhà nước không thể dùng các “mồi câu” ngắn hạn, càng không thể dùng mệnh lệnh hành chính bắt buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi. Thay vào đó, cần một tư duy dài hơi, tổng quát mang tính chất bền vững hơn trong việc giải quyết chính sách thuế và kế toán cho mô hình kinh tế hộ.

Các hộ kinh doanh vẫn đang rất băn khoăn liệu mình có phải “lên” DN hay không. Đây là những vấn đề mà Nhà nước, cơ quan quản lý cần quan tâm, cân nhắc.

Nếu bỏ qua yếu tố này, vội vàng ban hành các chính sách thiên về ép buộc hành chính, dù có đưa ra các hỗ trợ ban đầu trong việc chuyển đổi lên DN, tôi e rằng chỉ có tác dụng trong một thời hạn nhất định, sau đó họ trở về làm lại hộ kinh doanh.

Đằng sau câu chuyện chuyển hộ kinh doanh lên DN không phải là hình thức pháp lý, mà là cởi trói tất cả hạn chế, với mục tiêu cao nhất là các loại hình kinh doanh có cơ hội phát huy tất cả tiềm năng, bình đẳng.

Bà Nguyễn Thị Cúc 
(chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN):

Sợ nộp thuế 
nhiều hơn

Dù việc xác định doanh thu khoán có sự phối hợp với hội đồng tư vấn xã phường, nhưng do quản lý chưa tốt nên giữa doanh thu thực tế của các hộ kinh doanh với doanh thu khoán vẫn còn khoảng cách, dẫn đến nhiều trường hợp nộp thuế khoán thấp hơn nộp thuế theo kê khai, tạo ra tâm lý không muốn chuyển đổi lên DN vì sợ thuế cao, sợ phải nộp nhiều hơn.

Chuyển sang DN là phải nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế thu nhập DN theo phương pháp kê khai, phải giữ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định...

Trong khi chính sách thuế đang thiếu sự đồng bộ, rõ ràng trong việc xác định thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, chi phí hợp lệ, hợp lý được chấp nhận khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập DN.

Ngoài ra, các DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực có trình độ am hiểu về kế toán, công nghệ thông tin... để có thể tự kê khai, tự nộp thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai, chưa kể chi phí sẽ tăng trong khi hộ kinh doanh chưa thấy được lợi ích gì khi lên DN.

Ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN):

Cần thể chế mới cho mô hình doanh nghiệp mới

Quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN gắn liền với một khái niệm rất mới đối với nền kinh tế VN, đó là mô hình DN siêu nhỏ. Do đó, rất cần có một thiết kế về thể chế, chính sách sao cho phù hợp với mô hình này. Những DN này không thể chịu gánh nặng hành chính như quy định tại Luật DN hiện nay, nhưng cũng không thể quá lỏng như đang áp dụng đối với kinh tế hộ.

Theo tôi, DN siêu nhỏ sẽ là hướng đi cho hộ kinh doanh. Chỉ cần Nhà nước thiết kế được mô hình tổ chức, với chế độ kế toán, thuế và các quy định pháp luật khác để hộ kinh doanh có thể lựa chọn chuyển sang mô hình DN.

Mặt khác, bên cạnh việc sửa đổi hàng loạt vướng mắc còn liên quan đến chính sách thuế, kế toán, Nhà nước cũng phải tạo ra được một môi trường kinh doanh mà các DN siêu nhỏ này cảm nhận được sự an toàn, được tôn trọng, chịu ít rủi ro nhất, chi phí thấp nhất...

Có như vậy, từ những DN siêu nhỏ, các DN vừa và nhỏ, nền kinh tế VN mới mong có được các DN lớn mạnh thực thụ, có khả năng phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Thành Nhân 
(Tổng giám đốc Saigon Co.op):

“Lên” DN mới dễ tham gia 
vào chuỗi cung ứng bán lẻ

Nếu vẫn giữ mô hình hộ kinh doanh sẽ rất khó tiếp cận được vào chuỗi cung ứng bán lẻ hiện đại.

Chẳng hạn, khi các hộ kinh doanh vận chuyển hàng hóa đến các trung tâm phân phối của các nhà bán lẻ, rồi nhà bán lẻ mới vận chuyển đến điểm bán của mình, chi phí vận chuyển mà nhà bán lẻ tính với hộ kinh doanh phải xuất hóa đơn, nhưng hộ kinh doanh lại không khấu trừ được thuế.

Khi xuất trả lại sản phẩm lỗi của hộ kinh doanh, nhà bán lẻ cũng phải tính thuế, nhưng hộ kinh doanh vẫn không khấu trừ lại được phần thuế này. Như vậy, hộ kinh doanh gặp rất nhiều bất lợi, thiệt thòi nếu muốn tiếp cận vào chuỗi bán lẻ quy mô lớn.

Khi chuyển sang mô hình hoạt động DN, ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ, những nhà bán lẻ như Saigon Co.op cũng có thêm các hỗ trợ khác cho sự chuyển đổi này, từ khâu đánh giá, thẩm định chất lượng hàng hóa đầu vào cho đến kế hoạch hỗ trợ trưng bày sản phẩm, chính sách giá bán phần nào sẽ thuận lợi hơn.

Với mô hình nhượng quyền “Co.op Smile” (cửa hàng tạp hóa hiện đại) mà Saigon Co.op sắp triển khai, các hộ kinh doanh chuyển sang DN sẽ rất thuận lợi cho cả đôi bên trong quá trình hợp tác, bởi chúng tôi đang hướng tới nhượng quyền cho các DN chứ không phải hộ kinh doanh cá thể.

Nguồn TTO

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Quang Huy thiết kế bếp nhà hàng và thi công trọn gói
Tin cùng chuyên mục