Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách khoa học công nghệ
Thứ bảy: 00:14 ngày 29/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tỉnh đã hỗ trợ 40 lượt tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; sản phẩm chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn với tổng kinh phí khoảng 1,9 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ. Qua đó, góp phần tạo động lực, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp trên địa bàn.

Một gian hàng tại hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh.

Các chính sách gồm: Hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ.

Cụ thể, Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi thực hiện chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2022-2030; Nghị quyết số 42/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030...

Giai đoạn 2013-2022, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp”. Chương trình được thực hiện nhằm tạo dựng và nâng cao nhận thức về năng suất, chất lượng sản phẩm và hàng hoá cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ quan, ban, ngành có liên quan và cộng đồng trong tỉnh; thực hiện sâu rộng các nội dung cải tiến năng suất chất lượng của các doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tỉnh đã hỗ trợ 40 lượt tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; sản phẩm chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn với tổng kinh phí khoảng 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ khen thưởng 16 lượt doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia với tổng kinh phí 370 triệu đồng, tạo động lực, khuyến khích nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tham gia.

Về sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1100/KH-UBND ngày 14.4.2023 về triển khai thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục về sở hữu trí tuệ.

Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN phối hợp các ngành, đơn vị liên quan triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy quá trình hình thành các thành phần của hệ sinh thái.

Sở KH&CN nhận định, do đặc thù của lĩnh vực khoa học và công nghệ, việc triển khai các chính sách về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2023-2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 còn gặp khó khăn.

Các doanh nghiệp của tỉnh đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu sản xuất thủ công với khả năng tài chính, trình độ quản lý còn thấp; nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết trong nâng cao năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ còn hạn chế... dẫn đến sự tham gia thụ hưởng chính sách chưa nhiều, còn tâm lý e ngại thủ tục pháp lý. Mặt khác, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đã từng bước hình thành, tuy nhiên, còn ở mức sơ khai, các thành phần cơ bản của hệ sinh thái còn thiếu và yếu, chưa đủ cơ sở để tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Để triển khai có hiệu quả các chính sách, thời gian tới, Sở KH&CN tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nội dung các chính sách khoa học và công nghệ đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2023-2030.

Bên cạnh đó, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các hội, hiệp hội doanh nghiệp vận động doanh nghiệp thuộc ngành quản lý tham gia các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo, tập huấn các nội dung về năng suất, chất lượng; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật... cho các doanh nghiệp và cán bộ của các cơ quan quản lý chức năng.

Phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát trực tiếp tại các cơ sở, doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên khảo sát trực tiếp tại các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đã được chứng nhận sản phẩm OCOP để tuyên truyền, giới thiệu các chính sách về phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh; vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (có nhu cầu) đăng ký tham gia chính sách về hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ.

Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng. Các chính sách KH&CN đã được ban hành đều hướng đến mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục