Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số
Thứ sáu: 00:41 ngày 15/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn tỉnh tham gia chuyển đổi số (CĐS) để tối ưu hoá hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực quản trị doanh nghiệp (DN), gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Trung tâm Điều hành chỉ số kinh tế, xã hội.

Để doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển mình từ chuyển đổi số

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là thành tựu từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa doanh nghiệp nước ta vào cuộc chuyển mình lớn mang tên CÐS. Tuy nhiên, do hạn chế về vốn, nhân lực, kỹ năng quản trị trong môi trường số… nên nhiều DN, đặc biệt là DNVVN gặp khó khăn trong hành trình số hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6.051 doanh nghiệp, vốn điều lệ đăng ký là 120.630 tỷ đồng. Trong số 6.051 doanh nghiệp có 5.839 DNVVN, chiếm 96,49%. Các doanh nghiệp phục vụ cho đời sống hằng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra của cải ngày càng nhiều cho xã hội, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách và là những thành viên tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước.

Tuy nhiên, đa số DNVVN còn hạn chế trong quản trị và điều hành doanh nghiệp, nguồn lực tài chính yếu, số lượng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể còn nhiều; đối với hộ kinh doanh còn hạn chế nhiều mặt: quy mô, trình độ quản lý, ứng dụng kỹ thuật công nghệ, thị trường.

Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là doanh nghiệp SMEs) thông qua việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc do Chương trình hỗ trợ DNVVN chuyển đổi số lựa chọn; các hoạt động của Chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp SMEs tối ưu hoá hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đối số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; các doanh nghiệp nền tảng số, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện, trường có các công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có nền tảng số tham gia chương trình có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của chương trình; thực hiện nghiêm túc các chính sách ưu đãi và chăm sóc, hỗ trợ doanh nghiệp SMEs sử dụng, khai thác nền tảng số để chuyển đổi số theo thoả thuận đã ký kết với chương trình; nỗ lực quảng bá, thu hút tối đa các doanh nghiệp SMEs đăng ký tham gia chương trình để sử dụng các nền tảng số của mình nhằm thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp; phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp nền tảng số khác để triển khai hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc hỗ trợ DNVVN tham gia CĐS là một nội dung quan trọng trong các chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm giúp DN giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng trong thời gian dài, quản lý dễ dàng và tối ưu hoá được năng suất công việc, từ đó làm tăng tính hiệu quả trong hoạt động cũng như sự cạnh tranh của DN được nâng cao. Trong năm 2022, Sở tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số cho cộng đồng DNVVN; hỗ trợ, vận động DNVVN tham gia và sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông; tổ chức hội thảo, đào tạo tập huấn về chuyển đổi số cho các DNVVN.

Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ DNVVN tham gia CĐS tỉnh tập trung hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh (không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa).

Hỗ trợ 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hoá, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh (không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa).

Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp (không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp).

Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp (không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp).

Chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng

Ngày 4.4.2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 848/QĐ-UBND về chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Tây Ninh năm 2022.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trong năm 2021, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, quyết định làm cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, chương trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh bước đầu hoàn thành một số mục tiêu đề ra theo lộ trình của kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã làm gián đoạn việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong năm 2021. Ngoài ra, còn một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc đề ra chương trình, kế hoạch chuyển đổi số cho ngành, địa phương mình mà chủ yếu trông chờ vào tỉnh. Đặc biệt là việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và chia sẻ, tích hợp lên Trung tâm Giám sát điều hành tập trung và liên thông với các bộ, ngành, chia sẻ cho người dân, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế số còn rất hạn chế.

Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hệ thống nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành- nhất là các ngành được lựa chọn ưu tiên chuyển đổi số trước.

Xây dựng nền tảng đô thị thông minh phát triển bền vững đi đôi với tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển theo hướng bền vững phục vụ người dân, xã hội ngày một tốt hơn, nâng cao sự hài lòng, chất lượng cuộc sống của người dân; cung cấp dịch vụ công thuận tiện, tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động chuyển đổi số; cải thiện chỉ số chuyển đổi số của tỉnh, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý của tỉnh về chuyển đổi số, đặc biệt là chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp- nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp truyền thống trên địa bàn tỉnh; rà soát, cập nhật, bổ sung các quy định, quy chế về an toàn thông tin, sử dụng chữ ký số, các giải pháp thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Ngoài ra, tỉnh duy trì và phát triển hoạt động bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp gồm: kiện toàn lực lượng tại chỗ; lựa chọn tối thiểu một tổ chức, doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá độc lập; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, mức độ giám sát và bảo vệ cho 100% hệ thống thông tin của cơ quan.

Đồng thời, xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án phát triển doanh nghiệp công nghệ số; ban hành các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử; triển khai công nghệ nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục