Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển
Thứ tư: 00:10 ngày 27/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm gần đây, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn tỉnh có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hội nghị xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm.

Cần chính sách phù hợp và giải pháp hỗ trợ đủ mạnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6.051 doanh nghiệp, vốn điều lệ đăng ký là 120.630 tỷ đồng. Trong số 6.051 doanh nghiệp có 5.839 DNVVN, chiếm 96,49%.

Thời gian qua, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN; nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như: tăng cường công tác cải cách hành chính; hỗ trợ chính sách khuyến công, tập trung vào hỗ trợ máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, trình diễn kỹ thuật, thiết kế và sản xuất bao bì, sản phẩm; hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp... nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là DNVVN. Các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thương mại còn gặp khó khăn do không đáp ứng được các điều kiện vay như không có hoặc thiếu tài sản bảo đảm.

Các nguồn tài chính khác như Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đã được thành lập, nhưng DNVVN còn gặp khó khăn vướng mắc khi tiếp cận, chưa kể vốn của các quỹ này còn khá hạn hẹp. Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp vẫn mang tính tự phát; chưa có chính sách phù hợp để khuyến khích các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.

DNVVN yếu về nguồn lực và tiếp cận nguồn vốn, do đó, khó khăn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh; năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp, kiến thức pháp lý yếu nên hiệu quả kinh doanh thấp, phương án sản xuất kinh doanh chưa chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh; năng lực kết nối thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp còn yếu, các sản phẩm của doanh nghiệp ít được phân phối qua kênh tiêu thụ của các trung tâm thương mại lớn; hạn chế trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; thiếu thông tin hội nhập, thụ động về các nguyên tắc, cam kết quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư đặc biệt là các cam kết song phương, đa phương; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn phân tán do nhiều cơ quan chủ trì thực hiện ở các sở, ban, ngành, lĩnh vực khác nhau; chưa có cơ quan chủ trì nên chưa tập trung thống nhất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận.

Từ thực trạng nêu trên, nếu có những chính sách phù hợp và giải pháp hỗ trợ đủ mạnh dành cho DNVVN nói chung và DNVVN chuyển đổi từ hộ kinh doanh nói riêng thì sẽ tạo được động lực to lớn để phát triển mạnh mẽ số lượng, chất lượng và quy mô DNVVN trên địa bàn tỉnh; từng bước gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô lớn; hình thành các trục liên kết, các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Tập trung hỗ trợ nhiều nội dung quan trọng

Theo kế hoạch, đến năm 2025, DNVVN hình thành được các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh gồm sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; mía, mì, cao su và các sản phẩm chế biến từ mía, mì, cao su.

Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ các DNVVN thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định DNVVN theo Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26.8.2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNVVN.

Đề án quy định DNVVN do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội theo quy định của pháp luật được hỗ trợ trước. Trường hợp DNVVN đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn một mức hỗ trợ có lợi nhất.

Các DNVVN tham gia quảng bá sản phẩm OCOP tại chợ Suối Dây (huyện Tân Châu).

Đề án tập trung hỗ trợ DNVVN về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tỉnh sẽ công bố, công khai kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để doanh nghiệp có nhu cầu đều nắm được thông tin đầy đủ, chính xác; từ đó, xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 Ngoài ra, tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DNVVN thực hiện các thủ tục về đất đai liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo đúng quy định.

Đề án còn hỗ trợ DNVVN đào tạo nghề, hướng dẫn các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp. Đối tượng áp dụng cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục.

Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Hỗ trợ DNVVN chuyển đổi từ hộ kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện như: trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật; hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 1 năm tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; hỗ trợ lệ phí môn bài; hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán.

Đề án còn hỗ trợ DNVVN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh được hỗ trợ nếu đáp ứng các tiêu chí theo Điều 23, 24 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26.8.2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNVVN được lựa chọn tham gia Đề án.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho DNVVN, bao gồm các DNVVN chuyển đổi từ hộ kinh doanh như: các khoá đào tạo về khởi sự kinh doanh; các chương trình đào tạo hướng dẫn về lập phương án sản xuất kinh doanh cho các DNVVN chuyển đổi từ hộ kinh doanh; quản trị doanh nghiệp và các chương trình hỗ trợ đào tạo theo quy định.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục