Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Công văn số 1208 về việc tạm ứng kinh phí hỗ trợ học nghề cho thanh niên xuất ngũ từ năm 2017 trở về trước, với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng.
Trong đó, Trung tâm Dạy nghề lái xe Thành Đạt nhận trên 9,7 tỷ đồng; Trung tâm dịch vụ việc làm Tây Ninh hơn 1,1 tỷ đồng và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Hòa Thành khoảng 300 triệu đồng.
Một thanh niên xuất ngũ làm thủ tục nhận chi phí hỗ trợ tại Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt.
Từ cuối năm 2015, kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ được giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) triển khai.
Nhưng phải đến cuối năm 2016, Bộ LĐTB&XH mới có Thông tư số 43 về hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề này đã gây khó khăn không ít cho các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, được Báo Tây Ninh phản ánh vào ngày 20.11.2017.
Ngày 5.6.2018, Sở LĐTB&XH đã có công văn gửi đến 3 trung tâm đào tạo nghề nói trên yêu cầu cung cấp số tài khoản của đơn vị để cấp tiền tạm ứng kinh phí.
Trong đó, Sở đề nghị các trung tâm lập kế hoạch tạm ứng kinh phí với số tạm ứng 50% kinh phí được cấp.
Cụ thể, Trung tâm Dạy nghề lái xe Thành Đạt tạm ứng trước 5 tỷ đồng, Trung tâm dịch vụ việc làm tạm ứng trước 570 triệu đồng và Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hòa Thành là 150 triệu đồng.
Hiện nay, các trung tâm bắt đầu liên lạc với người học để đến làm thủ tục nhận kinh phí. Tuy nhiên, qua một thời gian dài, nhiều học viên đã thay đổi số điện thoại nên việc liên lạc thông báo gặp khó khăn.
Theo ông Trần Quốc Đạt- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Thành Đạt, trung tâm có khoảng 800 học viên là bộ đội xuất ngũ nằm trong danh sách thanh toán chi phí.
Trung tâm bắt đầu thông báo và chi trả cho các học viên từ hôm 9/7. “Vừa qua, bộ phận văn phòng đã liên lạc với 312 trường hợp, nhưng chỉ mới thanh toán được cho 132 trường hợp. Số còn lại có người không liên lạc được, thậm chí có người đã mất, hoặc có trường hợp hiện nay thủ tục chưa đủ nên chưa thể thanh toán”.
Theo như hướng dẫn của Sở, học viên cần có giấy xác nhận tự tạo việc làm sau đào tạo của địa phương. Nhưng qua phản ánh, có một số địa phương không rõ quy định này nên không ký xác nhận, gây khó khăn cho học viên, ông Đạt cho biết thêm.
Tại Trung tâm dịch vụ việc làm Tây Ninh, có khoảng 122 học viên được giải quyết chế độ học nghề nhưng đến nay trung tâm mới chi trả cho khoảng 10 học viên.
Về thủ tục, theo ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, với những trường hợp nào không được địa phương xác nhận, mọi người có thể phản ánh về Phòng LĐTB&XH của huyện, thành phố để được hỗ trợ.
Về 50% kinh phí còn lại, ông Quá cho biết trong tháng 7 này, nếu các trung tâm thanh toán xong, các hồ sơ quyết toán hợp lệ, Sở sẽ tiếp tục chuyển số tền còn lại để thanh toán cho những trường hợp tiếp theo.
N.D