BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó do đại dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 13/07/2021 - 22:45

BTNO - Ngày 12.7, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2283 về việc triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất làm gia tăng thất nghiệp, mất việc làm, nhất là lao động tự do, lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Người lao động, người sử dụng lao động gặp khó do đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ

Theo Kế hoạch trên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ngày 13.7, trao đổi với Báo Tây Ninh, ông Nguyễn Đức Hạnh- Trưởng Phòng Dạy nghề - Lao động việc làm và An toàn lao động (Sở LĐTB&XH) cho biết, sau khi khẩn trương rà soát, nắm tình hình đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay và thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH đã dự thảo tờ trình UBND tỉnh xem xét để ban hành Quyết định gói hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo ông Hạnh, nội dung dự thảo quyết định theo sát Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ để NLĐ, người sử dụng lao động sớm được tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh xã hội, gồm 11 chính sách: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; ngừng việc; chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ); hỗ trợ bổ sung và trẻ em và hỗ trợ tiền ăn cho người phải điều trị, cách ly Covid-19 (F0, F1)...

Riêng đối với lao động không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Sở LĐ-TB&XH đề xuất mức hỗ trợ một lần 50.000 đồng/người/ngày đối với lao động có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng và 1.500.000 đồng/người đối với lao động nghỉ việc, mất việc làm từ 1 tháng trở lên.

“Mục đích của việc hỗ trợ nhằm nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người dân, NLĐ trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội”- ông Hạnh nói.

Lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác được đề xuất mức hỗ trợ 01 lần 50.000 đồng/người/ngày và 1,5 triệu đồng/người

Theo Sở LĐTB&XH, qua kết quả rà soát, nắm tình hình, NLĐ không có giao kết HĐLĐ cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, làm việc trong lĩnh vực, công việc như: thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hoá; lái xe mô tô 02 bánh chở khách (xe ôm); bán lẻ xổ số lưu động; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khoẻ (massage, xoa bóp y học, châm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu); bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; làm trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gặp khó khăn phải nghỉ việc, mất việc làm do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, số NLĐ không có giao kết HĐLĐ phải nghỉ việc, bị mất việc làm đã được hỗ trợ các đợt dịch bùng phát trước tháng 5.2021 cho thấy, số lượng người bị ảnh hưởng chiếm hơn 97% tổng số NLĐ được hỗ trợ. Ông Hạnh dẫn chứng: “Số lao động tự do trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ là 18.964 người, tổng kinh phí hỗ trợ gần 15,4 tỷ đồng, trong đó người bán lẻ xổ số lưu động có đến 6.328 người. Như vậy, với các mức hỗ trợ được đề xuất, dự kiến kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng này khoảng 12,3 tỷ đồng”.

Tâm Giang