Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo Cục Thuế Tây Ninh, đến nay, có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được ngành áp dụng vào công tác quản lý thuế.
Về đăng ký thuế đối với doanh nghiệp, Cục Thuế đã kết nối liên thông với Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận dữ liệu tự động về Cục Thuế; Cục Thuế cập nhật thêm thông tin, các loại thuế phải nộp và cơ quan Thuế tự động cấp mã số, đồng thời tự động truyền dữ liệu về đăng ký thuế qua Sở Kế hoạch và Đầu tư kèm mã số cơ quan Thuế vừa cấp gọi chung là mã số doanh nghiệp.
Về kê khai thuế, hiện nay, Cục Thuế và Chi cục Thuế khu vực thực hiện khai thuế điện tử, kết quả đến ngày 28.2.2022, số lượng doanh nghiệp được cấp tài khoản: 4.348 doanh nghiệp/4.386 doanh nghiệp do Cục Thuế, Chi cục Thuế quản lý- đạt 99,13%.
Về nộp thuế điện tử, đến ngày 28.2.2022, số lượng doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử đạt 95,17%.
Ngoài ra, ngành Thuế đã triển khai vận hành hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại- từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế đến hoàn thuế. Đến nay, ngành Thuế đã triển khai 22 ứng dụng quản lý thuế và ứng dụng phục vụ người nộp thuế, đã hoàn thành nâng cấp hơn 78 phiên bản nâng cấp các ứng dụng. Việc nâng cấp các phiên bản này nhằm giúp người nộp thuế giảm chi phí thủ tục hành chính, kê khai và nộp thuế bằng điện tử mọi lúc, mọi nơi; người nộp thuế không phải đến cơ quan Thuế và không tiếp xúc với nhân viên cơ quan Thuế; các chính sách thuế hỗ trợ kịp thời đến với người nộp thuế.
Theo đó, người dân, doanh nghiệp được trực tiếp hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thực hiện nghĩa vụ nộp thuế qua mạng, không phải trực tiếp đến cơ quan Thuế cũng như các cơ quan liên quan.
Để hỗ trợ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh triển khai hoá đơn điện tử, ngành Thuế tăng cường tuyên truyền đến hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai lợi ích sử dụng hoá đơn điện tử giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hoá đơn điện tử do người bán cung cấp, giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hoá đơn, giảm rủi ro việc làm mất hoá đơn, chống làm giả hoá đơn.
Đồng thời, ngành Thuế bố trí đội ngũ công chức kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn khi người nộp thuế gặp vướng mắc trong quá trình sử dụng hoá đơn điện tử. Phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử để hướng dẫn đến từng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tiếp cận thuận tiện nhất phần mềm hoá đơn điện tử dễ dàng nắm bắt và sử dụng, nếu có vướng mắc sẽ có đội ngũ Thuế hỗ trợ ngay.
Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, có thể gây khó khăn cho thu ngân sách, nhưng ngành Thuế kỳ vọng đây là năm sẽ có sự đột phá trong chuyển đổi số, khi hoá đơn điện tử được áp dụng rộng rãi từ ngày 1.7.2022. Theo đó, ngành Thuế nâng cấp, phát triển các hệ thống quản lý thuế điện tử theo lộ trình được phê duyệt tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thuế giai đoạn 2021-2030, chú trọng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ qua hình thức điện tử, tăng cường cung cấp các dịch vụ thuế điện tử đến tất cả người nộp thuế.
Hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử Tổng cục Thuế: 100% các thủ tục hành chính cần thiết được xây dựng thành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Tài chính. Hỗ trợ 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tài chính được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính.
Xây dựng các kênh tương tác trực tuyến để người dân, doanh nghiệp tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Thuế.
Mặt khác, ngành Thuế tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong tiến trình chuyển đổi số của ngành theo hướng hiện đại, minh bạch. Cùng với đó, tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 và tiếp tục thực hiện các giải pháp theo lộ trình ngắn và dài hạn của đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Nhi Trần