Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực nông thôn 

Cập nhật ngày: 30/06/2020 - 09:18

BTNO - Hiện nay, toàn tỉnh có gần 9.000 cơ sở công nghiệp đang hoạt động (cơ sở kinh tế cá thể chiếm trên 92%), tạo việc làm cho trên 163.000 lao động. Thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hoạt động khuyến công của tỉnh thời gian qua đã được tổ chức triển khai đến các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn.

Giai đoạn 2014-2020, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 46 đề án về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí thực hiện trên 8 tỷ đồng.

Cụ thể: chương trình khuyến công quốc gia thực hiện 10 đề án với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng; khuyến công địa phương thực hiện 36 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất với tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng.

Chương trình khuyến công quốc gia còn hỗ trợ trên 1 tỷ đồng các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020; hỗ trợ 3 tỷ đồng cho một cụm công nghiệp đầu tư hệ thống xử nước thải tập trung.

Chương trình khuyến công địa phương đã tổ chức các đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp huyện và cấp tỉnh. Kết quả: 100 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện; 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.

Theo Sở Công thương, tổng nguồn vốn thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn giai đoạn 2014 – 2020 là trên 75,9 tỷ đồng, trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 7,3 tỷ đồng; ngân sách địa phương hỗ trợ khoảng 7,3 tỷ đồng; vốn tự có của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên 61,3 tỷ đồng.

Chính sách khuyến công (giai đoạn 2014 – 2020) đã động viên và hỗ trợ cho 46 tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Việc sử dụng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đa phần các cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững và dần từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế (chi phí giá thành sản phẩm giảm) do đã đầu tư trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến, mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu nhập.

Công nghệ tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa tại một Nhà máy sản xuất mì trên địa bàn xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

Tuy nhiên, hoạt động khuyến công thời gian qua còn những hạn chế. Phần lớn các cơ sở công nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa nên năng lực cạnh tranh còn hạn chế do thiếu vốn đổi mới, thay thế máy móc thiết bị sản xuất (doanh nghiệp có quy mô lớn tập trung chủ yếu ở khu vực FDI). Số lượng các đề án (cơ sở) được hỗ trợ còn ít so với tổng số cơ sở sản xuất trên địa bàn, mức hỗ trợ còn thấp.

Trong giai đoạn 2021–2025, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công trên cơ sở Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, kế thừa có chọn lọc thành tựu của công tác khuyến công trong giai đoạn trước. Tiếp tục hướng đến hỗ trợ đối tượng là các cơ sở công nghiệp nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2021–2025, mục tiêu của tỉnh Tây Ninh là sẽ có trên 250 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ chương trình khuyến công (quốc gia, địa phương). Trong đó, hỗ trợ cho khoảng 150 doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp…

Giang Hà