BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoa bằng lăng đi đâu?

Cập nhật ngày: 18/10/2019 - 09:06

BTN - Giữa tháng 10, đi trên phố Tây Ninh, tôi có cảm giác thiếu vắng cái gì đó thân thuộc lắm! Ðến khi tới phố Trần Quốc Toản, qua cầu Mới ù ập gió, tôi mới nhận ra là thiếu hoa tím bằng lăng.

Chẳng là tôi cứ hay theo con đường này mỗi khi cần sang khu bến xe và chợ. Nhớ các năm trước đây, có lúc nào mà tôi không gặp hoa bằng lăng nở, cả hai bên cầu đều có những chùm hoa phất phơ trước gió. Có cây hoa hai sắc tím hồng chen nhau, có cây tím đậm đà như màu áo dài cô gái Huế, lại có cây bông trắng phớt hồng như sắc đào phai.

Nhưng mà cây có hoa tươi mởn nhất lại ở trước Khu di tích Khám đường. Dường như ở gần bên những gì cũ xưa, các sinh vật lại càng bừng bừng sức sống. Vậy mà một ngày giữa tháng 10 này đi qua cầu, tịnh không bóng dáng một cành hoa, chỉ còn lại những chùm trái quắt queo, đen đúa giương lên trên tán lá.

Hoa bằng lăng của tôi đi đâu?

Tôi bỗng nhớ lại vài con đường bằng lăng tôi đã từng qua, từng trầm trồ tán thưởng. Gần nhất là đường Nguyễn Chí Thanh. Nơi tôi nhớ như in những buổi tan trường của học sinh THPT Trần Ðại Nghĩa. Mấy cô học trò áo dài trắng đứng dưới gốc bằng lăng xao xuyến quá. Họ ôm cặp, bồn chồn ngó trước trông sau đợi người thân đến đón về. Rồi từng nhóm bạn đạp xe hoặc lướt trên xe máy điện tà tà dưới bóng bằng lăng mát rượi.

Tôi cũng đã ghi nhớ cây hoa đẹp nhất. Nó lại không ở trước cổng vài ngôi trường học mà là cây trước Hội trường Thành uỷ thành phố Tây Ninh. Quay lại đường này, tôi thấy vẫn còn sót lại vài cành hoa bé, nhưng dường như chúng cũng xơ xác đi sau một ngày mưa. Về cơ bản, vẫn là thiếu vắng bóng hoa bằng lăng trên phố.

Hay là đường Nguyễn Thái Học và Võ Thị Sáu, đoạn qua mấy ngôi trường tiểu học Kim Ðồng, cao đẳng Nghề hay tiểu học Võ Thị Sáu. Nhớ, vì nhiều cây bị cắt ngọn thành ra tán lá xoè ngang như những chiếc dù che. Và những cành hoa tươi tắn ấy cứ la đà ngay trước mũi xe qua.

Có lần không cầm lòng được, tôi đã ngắt một cành về tính ngắm chơi cho thoả. Ai ngờ, dù đã cắm vào lọ nước mà hoa vẫn nhanh chóng héo rũ. Thứ hoa này chỉ tươi nở giữa thiên nhiên, dù đứng bên là đường gió bụi nhưng vẫn còn được đứng dưới trời xanh mây trắng. Ðường này, vào giữa tháng 10 cũng không sót lại một chùm hoa nào cả.

Hoa bằng lăng! Em đã đi đâu?

Lên tới ngã tư Ao Hồ, tạt ngang đường Lạc Long Quân lại thấy loe hoe vài chùm bông tim tím bằng lăng trên cây trước trụ sở UBND huyện cũ, nhưng chủ đạo vẫn là các chùm trái khô queo, cứng ngắc trên cành. Con đường này mới thật sự là đường bằng lăng, thưa bạn. Ðộ qua xuân, sang hè, cả con đường dài 3-4 cây số này rực rỡ sắc hoa.

Hoa nhiều đến nỗi, các chủ tiệm bán đồ gỗ sáng nào cũng phải quét cánh hoa rơi. Chúng phủ đầy như một tấm thảm trước nhà khi ta mở cửa. Biết, vì tôi có một người bạn ở đó. Tuần nào chẳng đến nhâm nhi chén trà và ngắm hoa bằng lăng rung rinh trước cửa. Vậy mà nay chỉ có trà suông, thoảng mùi ốc nướng từ quán nhỏ bên đường.

Mấy tháng nay, nghe tin thời sự toàn chuyện “động trời”. Nào lở đất bờ sông ở miền Tây, biển tiến ở Cà Mau. Rồi triều cường kỷ lục ở Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng lẽ là biến đổi khí hậu đã lên cả miền sông Gấm- Vàm Cỏ Ðông và núi Bà Ðen? Còn nhớ, dạo đầu năm tôi theo thói quen đi tìm ngắm bông sao mà năm trước nở tưng bừng. Bây giờ rất ít cây sao ra hoa, không còn cảnh người công nhân đi quét cả tấn bông sao rơi đầy trên các phố. Như là năm nay đã mất một mùa hoa?

Cũng chưa chắc, vì nhiều loài hoa khác vẫn bừng bừng nở. Như hoa móng bò, còn gọi là hoa ban dọc các công viên ven rạch Tây Ninh. Giữa tháng 10, chúng vẫn như một cành đào khổng lồ, chen đầy những bông hoa màu hồng tím, hay vài cây giá tỵ trước trụ sở Tỉnh đoàn đang bung nở những chùm hoa có màu vàng xôi đậu. Phố Tây Ninh vẫn còn rất nhiều hoa. Nào muồng vàng rực, nào bông chuối đỏ, chuối vàng, bông giấy và bông sứ… Cả những loài hoa “khuê các” như tường vi nay cũng tủm tỉm cười duyên trên dải phân cách đường Cách Mạng Tháng Tám…

Nhưng mà tôi vẫn nhớ! Và nhắc lại câu hỏi này:- Hoa bằng lăng đã đi đâu?

NGUYỄN