Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoà bình giá bao nhiêu ?
Thứ sáu: 06:24 ngày 29/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 7.1.1979, quân tình nguyện Việt Nam - “đội quân nhà Phật” giải phóng Phnom Penh, đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Nhưng ở Xa Mát, đến tháng 6.1980 vẫn còn chiến sĩ Biên phòng hy sinh vì bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến.

Những ngày cuối tháng bảy, chợt nhớ, ở gần vị trí Đồn Biên phòng Xa Mát cũ, không đợi đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mà gần như ngày nào cũng vậy, trước tấm bia “Tổ quốc ghi công” đặt cạnh gốc đa lớn, tàng phủ rộng, luôn toả hương trầm tưởng nhớ những chiến sĩ Công an vũ trang năm xưa - tiền thân của Bộ đội Biên phòng ngày nay đã ngã xuống trong kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Ngày 7.1.1979, quân tình nguyện Việt Nam - “đội quân nhà Phật” giải phóng Phnom Penh, đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Nhưng ở Xa Mát, đến tháng 6.1980 vẫn còn chiến sĩ Biên phòng hy sinh vì bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến.

Các cựu chiến binh Công an vũ trang năm xưa, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ngày nay, từng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới đều không thể nào quên những ngày “chết chóc” cuối năm 1977, đầu năm 1978. Dù ta đã biết trước âm mưu của Khmer Đỏ, và trên toàn tuyến biên giới, lực lượng Công an vũ trang cùng các đồn, trạm biên phòng khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, nhưng chúng đã huy động một lực lượng quân sự quy mô lớn hàng sư đoàn, có pháo binh yểm trợ, đồng loạt tấn công các Đồn BP Xa Mát, Chàng Riệc, Tân Phú và Long Phước vào đêm 24, rạng 25.9.1977.

“Chiến địa” ác liệt nhất là ở khu vực Đồn BP Xa Mát. Ròng rã 5 ngày đêm, 39 cán bộ - chiến sĩ, ròng rã 5 ngày đêm đã đẩy lui 22 lần tấn công của hơn 2 tiểu đoàn địch, ngăn không cho địch tiến quân theo trục lộ 22, diệt 114 tên địch, thu 22 súng các loại. Đến 6 giờ sáng ngày 29.9, Trung  đoàn 1 của Sư đoàn 9, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 4 thuộc Sư đoàn 5 cùng Trung đoàn 201 đồng loạt tiến công địch, giải toả tuyến trục lộ 22, đồn mới được bổ sung đạn dược, thực phẩm tiếp tục chống trả các cuộc tấn công của địch. Phải đến ngày 5.10, các đơn vị vũ trang mới đẩy địch ra khỏi khu vực Xa Mát, Bảy Bàu, Đập Đá, đồn mới được giải toả hoàn toàn.

Một tháng sau đó, đêm 16, rạng ngày 17.11, địch huy động 2 trung đoàn của Sư đoàn 221 đánh vào đồn Phước Tân. Trong suốt 7 ngày đêm, cán bộ chiến sĩ của đồn bền bỉ chiến đấu ác liệt trong hầm hào, công sự ngập nước, số hy sinh, bị thương lên tới 50% quân số.

Đồng chí Lê Hải Quỳnh một mình bắn 82 quả đạn ĐK82 trong 5 ngày, đồng chí Phùng Bá Sinh kiên cường đặt súng đại liên lên nóc hầm kèo, ghìm đầu địch xuống mỗi khi chúng tấn công, khi đồng chí bị thương một tay, tay còn lại vẫn ném lựu đạn tiêu diệt địch… Sau 3 ngày đêm đầu tiên, Đồn Phước Tân bị bao vây, tấn công, Đại đội cơ động C1 mới vào được đến đồn, lúc này mới đưa được 16 cán bộ chiến sĩ hy sinh về tuyến sau…

Ngày 27.7, lên Đồi 82, lặng người tưởng niệm trước hàng hàng ngôi mộ liệt sĩ. Không ít lần đến đây, nhưng phải đến dịp này, mới nhận ra rằng: Rất nhiều liệt sĩ hy sinh khi chỉ mười tám, đôi mươi. Thậm chí có hàng mộ, người lớn tuổi nhất, cũng chỉ mới 25... Họ ngã xuống vào các tháng 5, 6, 7, 8 năm 1978 - giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam trước sự xâm lấn của bè lũ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Rồi tự hỏi, trong bao nhiêu liệt sĩ ấy, ngã xuống vào lúc tuổi xuân nhiệt huyết nhất, có mấy người đã được cầm tay con gái, có mấy người run rẩy với nụ hôn đầu?

Những ngày trước khi mẹ tôi qua đời, cũng là tháng bảy, bà vẫn day dứt vì không tìm được hài cốt người đồng đội quê gốc Quảng Bình, hy sinh thời đánh Mỹ, thi thể nằm lại ở đâu đó miệt Thạnh Đức, tìm mãi không được. Cách đây 10 năm, bà lặn lội từ Tây Ninh ra tận Quảng Bình, tìm đến tận nhà người đồng đội ấy, chỉ để trao bức ảnh mà bà còn giữ được. Có ai ngờ đó là bức chân dung duy nhất của người liệt sĩ.

Tháng bảy, chợt nhớ câu thơ:

“Em có biết hoà bình giá bao nhiêu?

Là đánh đổi vô vàn giọt nước mắt

Máu cha ông nhuộm đỏ từng tấc đất

Tiễn chồng con tóc mẹ bạc trắng đầu.

(Họ ngã xuống cho yên bình đất nước - Hà Anh)

Đ.H.T

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh