Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ba mất năm tôi lên mười. Cái tuổi đủ lớn để hiểu rằng nhà mình nghèo. Mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ tiền trả nợ. Cơm ngày hai bữa chỉ có muối quẹt và rau tập tàng.
Trong một lần leo lên mái chuồng gà chống dột, mẹ không may trượt chân té, bị lún xương sống, gãy hai xương sườn, phải nằm một chỗ. May mắn cuộc phẫu thuật thành công. Sau ba tháng nẹp cố định, mẹ đi lại bình thường. Nợ cũ chưa trả xong, lại chồng thêm nợ mới.
Mẹ thủ thỉ: “Học xong lớp 12, con lên Sài Gòn đi làm với chị. Hai chữ “đại học” đối với nhà mình, nghe xa lạ lắm con ơi!”.
Nhưng mẹ thừa biết đứa con gái út cứng đầu vẫn lén mẹ nộp đơn thi. May mắn mỉm cười, tôi đỗ vào Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày nhập học, mẹ nhét vội vào tay tôi bảy trăm ngàn, tiền dành dụm từ việc cạo vỏ hạt điều, tôi quay lưng lau vội những giọt nước mắt.
Ðể có tiền trang trải việc học, tôi làm thêm nhiều nghề như phục vụ, rửa chén, nhân công thời vụ, phát tờ rơi, gia sư, nhân viên khảo sát thị trường… Ban ngày đi học, chiều tối phụ quán cháo cá gần cổng ký túc xá đến 10 giờ đêm. Quán ế ẩm đóng cửa, tôi chuyển sang rửa chén quán cơm sinh viên.
Nghỉ tết gần một tháng, tôi xin được việc dán tem sản phẩm, có ngày dán từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối được 5.000 sản phẩm, làm đến hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
Ba tháng hè, tôi xin làm nhân công thời vụ công ty lắp ráp linh kiện điện tử của Nhật. Ngày làm 12 tiếng, công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, cách tuần đổi ca một lần. Phải đứng làm việc cả ngày, máu dồn xuống hai chân sưng phù. Tan ca là toàn thân rã rời, nhưng bù lại sau 3 tháng tôi được khoản tiền kha khá đủ đóng học phí năm sau.
Vượt mọi khó khăn, thử thách, tôi bước vào năm 3 đại học.
Nhưng cuộc đời như một “ván bài lật ngửa”. Người ta bảo ai cũng phải trải qua cái “đốt”, qua được thì khoẻ mạnh, bình an. Cái “đốt” đến với tôi trong ngỡ ngàng. Buổi sáng thức dậy, tôi thấy tay chân đau buốt, tê cứng, ngồi xuống thì không còn sức đứng lên. Trên da nổi những đốm đỏ kỳ lạ, người vừa nóng vừa lạnh như đang sốt. Hôm trước tôi vẫn khoẻ mạnh, không có biểu hiện của bệnh tật, vậy mà sau một đêm, tôi không thể đứng vững trên đôi chân của mình.
Vội vã đón xe buýt đến bệnh viện, tôi lê những bước chân khó nhọc đến cổng ký túc xá, nhờ anh lơ xe đỡ lên giúp vì hai tay không còn sức để bám và hai chân không trụ vững.
Khi xuống xe, tôi phát hiện số tiền dành dụm bao năm mang theo để khám bệnh đã không cánh mà bay. Thấy chị gái quanh năm cực khổ, tích góp từng đồng gửi về quê, tôi không muốn chị phải lo lắng thêm, vậy mà…
Bác sĩ kết luận tôi bị viêm đa khớp dạng thấp, loại bệnh mãn tính, cho thuốc uống, 7 ngày sau tái khám. Tôi lên mạng tra thông tin về căn bệnh này, được biết đây là căn bệnh có thể khiến tay chân biến dạng, nặng thì trở thành người tàn phế.
Cho phép bản thân chỉ được khóc một ngày, sau đó tôi lau sạch nước mắt để tiếp tục đến trường và chiến đấu với bệnh tật. Khi uống liều thuốc đầu tiên, tôi cảm thấy đỡ đau, nhưng hết thuốc bệnh lại tái phát.
Có những đêm, hai chân đau nhức, nhức tận xương tuỷ. Mỗi lúc như thế tôi nghĩ đến ba, ba cũng từng cắn răng chịu đựng căn bệnh ung thư gan quái ác, nhưng ba không một lời than vãn hay oán trách số phận.
Mẹ hay tin, vội lên ký túc xá thăm tôi, hai mẹ con ôm nhau khóc cạn nước mắt. Mẹ khuyên tôi nên nghỉ học để trị bệnh. Tôi năn nỉ mẹ để mình tiếp tục đến trường, bao năm qua tôi làm mọi thứ để được bước chân lên giảng đường.
Tôi kiên trì uống thuốc đúng giờ, tái khám đúng hẹn, bác sĩ dặn dò, khuyên bảo ra sao thì làm y vậy. Những tô mì gói được thay bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Sau 5 tháng sống với thuốc, khớp tay, khớp chân của tôi không còn đau nhức. Tôi chính thức khỏi bệnh.
Ngày tốt nghiệp đại học, mẹ và chị tặng tôi bó hoa cúc dại thật to. Loài hoa mà tôi yêu thích.
Ra trường tôi xin việc dễ dàng, nhờ những kinh nghiệm tích luỹ từ thời sinh viên. Trải qua nhiều môi trường làm việc, tôi quyết định về quê và chọn một công việc ổn định để tiện chăm sóc mẹ.
Chị tôi sau bao năm oằn lưng trả nợ cho gia đình, cũng vừa tốt nghiệp đại học tại chức ngành kế toán và giúp chồng quản lý cơ sở kinh doanh riêng.
Tôi thầm cảm ơn cuộc đời, nếu không có biến cố liên tục xảy ra, thì tôi đã không đủ mạnh mẽ, không đủ động lực để vượt qua.
Hy vọng câu chuyện của tôi sẽ phần nào truyền cảm hứng cho những bạn trẻ, dám ước mơ và biến ước mơ thành sự thật. Sống mạnh mẽ như cỏ dại ven đường, dù cuộc đời có “vùi dập” cũng phải dũng cảm cắm rễ và vươn lên!
Yến Nhi