Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chùa mới chưa xong nên chùa cũ vẫn còn. Dù bé nhỏ đơn sơ nhưng sau 20 năm cũng tràn đầy kỷ niệm. Ngôi chùa chỉ có mặt bằng 7,5 x 15m chia thành 6 nhịp, ba gian. Cái gò đất đắp nên nền chùa gần vuông, kích thước mỗi chiều gần 20 mét.
Chùa mới Hoà Đông A.
Từ ngã tư trung tâm xã Hoà Hiệp, đi thêm 2km nữa theo ngả về quốc lộ 22 B thì sẽ gặp chùa Hoà Đông A. Mọi khi, phải đến tận cổng chùa, nơi đối diện với Trường tiểu học Hoà Đông A, tôi mới thấy những lô xô mái, tháp chùa tươi ngói đỏ. Còn nay, một ngày giữa tháng 9.2020, ngay từ xa, tôi đã có thể thấy những ngọn tháp vàng nhô lên khỏi những tán cây xanh óng ả quanh chùa.
Đường đã bê tông nhựa với 2 làn xe vạch sơn kẻ giữa đường, cảnh sắc ấy khiến người qua lại phải chậm bánh xe lăn, bởi không khí hội hè như đã tràn vào giữa không gian cây xanh, ngói đỏ. Bên cổng trường, các em đang mê mải học bài nên vắng vẻ, chỉ có các tấm băng-rôn "Chào mừng năm học mới" và "Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường".
Bên sân chùa đã phấp phới những dây cờ hoa giăng từ mọi ngả lên cành me cổ thụ. Ôi cây me! Vừa như một chứng nhân lịch sử, vừa quắc thước hiên ngang như một vị trưởng làng. Thân gốc và cành đã thẫm đen nhưng vẫn toả ra một chiếc vòm xanh sum suê và mát mắt. Như một cây dù che vĩ đại lồng lộng dưới trời xanh.
Dưới bóng cây me ấy đã có biết bao bước chân, vòng tay các cô gái, chàng trai đắm mình vào vòng múa Lâm-thôn truyền thống ở mỗi mùa lễ hội Chol Chnam Thmay (giữa tháng 4 dương lịch) hay lễ Sen Dolta (cuối tháng 8 âm lịch); có biết bao thế hệ trẻ em quần tụ dưới bóng cây chơi các trò chơi Khmer truyền thống.
Cũng đã bao năm, dưới bóng cây còn có một ngôi nhà sàn- sala là nơi bà con Khmer trong ấp đem cơm, thức ăn đến chùa dâng cúng các nhà sư. Chính là vị trí ngôi sala ấy, ngày nay đã vươn lên các dốc mái nhọn tươi đỏ màu ngói mới. Sala đã nhường chỗ cho ngôi chùa mới với ba ngọn tháp vàng cao vút như muốn chạm vào mây trắng.
Hoà Đông A. Chùa cũ vẫn còn đây.
Chùa mới chưa xong nên chùa cũ vẫn còn. Dù bé nhỏ đơn sơ nhưng sau 20 năm cũng tràn đầy kỷ niệm. Ngôi chùa chỉ có mặt bằng 7,5 x 15m chia thành 6 nhịp, ba gian. Cái gò đất đắp nên nền chùa gần vuông, kích thước mỗi chiều gần 20 mét.
Chính là trên cái nền cao bao quanh chùa ấy là nơi dòng người dâng cúng vật phẩm đội thóc gạo và quả phẩm đi vòng quanh 3 lần mỗi mùa lễ hội Khmer. Đấy cũng là nơi bà con đắp lên từng đụn cát, tượng trưng cho núi non vũ trụ theo quan niệm Khmer truyền thống.
Chùa nhỏ nhưng cũng giữ được những nét đặc trưng các ngôi chùa Khmer hệ phái tiểu thừa. Đấy là hệ mái trên khung cột gỗ. Với đặc trưng bộ mái chìa làm 2 dốc, dốc thoải bên dưới xoè ra như thể mái nhà. Dốc nhọn bên trên tạo hình ngọn tháp.
Đỉnh mái và các góc đều có các đầu đao hình đuôi rắn thần Naga. Ở hai nhịp giữa, các tấm mái được nâng cao hơn, vừa tạo hiệu quả sinh động cho kiến trúc, vừa làm cho chùa được thông thoáng hơn nhờ lưu thông gió qua các ô cửa trống ở giữa hai lớp mái.
Điều không thể thiếu nữa là bên trong các bức tường chùa đều được vẽ tranh mô tả hành trình của Đức Phật trên con đường giác ngộ. Điều mới nhất trong ngôi chùa cũ là nền chùa nay đã được lót gạch men trắng sáng.
Còn tất cả vẫn như xưa, hồi chùa mới xây xong năm 2001. Cột gỗ nâu, ngói đó, những bức tranh tường sặc sỡ. Tất cả tạo dựng một không gian ấm áp gần gũi với con người.
Lễ Sen Dolta là mùa lễ cúng ông bà hay cúng tổ tiên- một trong hai lễ hội Khmer lớn nhất trong năm. Trong dịp này, người Khmer sẽ làm rất nhiều bánh nếp nhân đậu hoặc dừa luộc nước dừa tươi dâng cúng ông bà và cùng nhau ăn tết tại chùa vào ngày cuối mùa lễ hội.
Năm nay do có dịch Covid- 19, mọi người thực hiện “5k”, trong đó có việc không tụ tập đông người trong lễ hội hoặc các nơi công cộng. Vậy nên, Sen Dolta ở Hoà Hiệp năm nay cũng khác.
Chùa mới chưa xây xong nên còn ngổn ngang vài “kiêu” gạch, vài đống cát. Cột và tường cũng còn chưa tô trát và trang trí các tượng người trên kiến trúc và các hoa văn.
Nhưng người ta đã “ưu tiên” hoàn thiện các phần chùa cao nhất. Đấy là những dốc mái phức tạp (thoải và dốc) cùng ba ngọn tháp vuông bốn mặt, từ những nóc mái màu đỏ son vút lên rực rỡ nhũ vàng.
Bao giờ hoàn thành? Một vị sư trẻ trả lời: - Có lẽ sang năm 2021. Khi ấy ngôi chùa cũ cũng được 20 tuổi. Cho đến nay, đây là ngôi chùa lầu Nam tông duy nhất ở Tây Ninh. Tầng trệt sẽ thay thế cho ngôi sala, còn tầng lầu mới là chùa.
Vậy cũng có thể coi là chùa được đặt trên một gò cao theo truyền thống. Tây Ninh từng có vài ngôi chùa Khmer lớn và đẹp. Như ở Khedol (TP. Tây Ninh) hay Kà Ốt (Tân Châu). Nhưng tới đây, chùa Hoà Đông A- Hoà Hiệp mới là ngôi lớn nhất.
Chùa có kích thước mặt bằng chữ nhật là: 15,2 mét rộng và dài 32,4 mét. Hai lối bậc thềm cửa trước, sau theo hướng Đông - Tây và một sảnh giữa bên hông làm lối ra vào. Các ngọn tháp tương ứng với các vị trí tiền sảnh ấy. Vậy mới thành 3 ngọn tháp, vượt lên những ngọn thốt nốt, ngọn dừa, vòm me mà kiêu hãnh với mây trắng trời xanh.
Nhớ những Sen Dolta xưa, sau khi thăm hỏi các sư sãi và bà con ở chùa xong là các cán bộ tỉnh, huyện, xã lại được mời về nhà riêng già làng Đoóc Sóc Kha.
Chủ mời khách vài món ăn dân dã Khmer, trong đó không thể thiếu món canh xiêm-lo vàng rực, thơm lừng mùi nghệ. Trước xóm nhà Khmer cũng thơm lừng ngọn gió nhờ cánh đồng miên man xanh 3 vụ lúa. Dòng kênh đưa nước lòng hồ về “phum sóc” vùng cao này cũng đã từ lâu.
Nước kênh leo lẻo xanh trong, bờ kênh mịn màng đất đỏ. Sen Dolta năm nay xin lỗi hẹn với già làng cùng bà con Khmer Hoà Hiệp rất mực chân thành và thân thiện. Để đến năm sau, "giặc" Covid tan, chùa mới xây xong mọi người sẽ lại gặp nhau trong lễ hội tưng bừng.
TRẦN VŨ