Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hóa giải mâu thuẫn, gắn kết tình cảm nhờ công tác hòa giải 

Cập nhật ngày: 24/02/2022 - 14:27

BTNO - Những năm qua, vai trò của tổ hòa giải ở cơ sở đã phát huy mạnh mẽ, giải quyết được nhiều vụ việc, mâu thuẫn trong nhân dân, góp phần ổn định tình hình ANTT, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân.

Bà Đào Thị Anh Tuyết- Phó trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp cho biết, hòa giải cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện.

Để nâng cao vai trò của các hòa giải viên, ngành Tư pháp chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trao đổi nghiệp vụ cho đội ngũ này. Cụ thể, năm 2021 Sở Tư pháp biên soạn, in ấn và phát hành 1.330 bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ hòa giải; huyện Tân Biên biên soạn, in ấn và phát hành 438 bộ tài liệu nghiệp vụ hòa giải; huyện Châu Thành, TP. Tây Ninh tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn; thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, Tân Biên, Dương Minh Châu... tổ chức hội thi Hòa giải viên giỏi ở cơ sở cấp huyện.

Thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”, tiếp tục kiện toàn đội ngũ tập huấn viên ở 2 cấp tỉnh và huyện (gồm 4 tập huấn viên cấp tỉnh, 44 tập huấn viên cấp huyện), tăng cường thực hiện chỉ đạo điểm việc thực hiện Đề án tại 8 phường, xã (gồm xã Thạnh Tân, Bình Minh - TP. Tây Ninh; xã Trường Hòa, phường Hiệp Tân - thị xã Hòa Thành; xã Thanh Phước, Phước Thạnh - huyện Gò Dầu; xã Tân Hội, Tân Thành - huyện Tân Châu).

“Sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (CTCPL) là hết sức cần thiết để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt các mặt công tác này. Gắn công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở, xây dựng cấp xã đạt CTCPL với nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị; nơi nào nhận được nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ có trình độ, năng lực nghiệp vụ, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm với công việc thì kết quả đạt được càng cao”, Phó Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp chia sẻ.

Xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành) có 4 tổ hoà giải, với 28 hoà giải viên. Số lượng hoà giải viên luôn được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng trong công tác hoà giải ở cơ sở. Hoà giải viên ở cơ sở đa phần là những người có uy tín, kinh nghiệm, có khả năng vận động, thuyết phục, tương đối am hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư. 

Trong năm 2021, UBND xã Long Vĩnh triển khai Luật Hoà giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành luật; củng cố, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện đề án Năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022 và Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải ở cơ sở cho hoà giải viên.

 Hòa giải viên trao đổi kinh nghiệm với nhau.

“Với sự vào cuộc của tổ hòa giải, nhiều vụ việc được giải quyết ổn thỏa, hợp tình, hợp lý, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn xã giảm nhiều. Với mỗi vụ việc hòa giải, các hòa giải viên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vụ việc, ý kiến của mọi người, nguyện vọng của các bên mâu thuẫn, văn bản pháp luật để có phương án hòa giải phù hợp. Nhờ đó, trong năm 2021, xã đã giải quyết thành công 4 vụ việc”, một lãnh đạo xã Long Vĩnh chia sẻ.

Ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi (huyện Châu Thành) có 530 hộ với 2.300 nhân khẩu, đa số người dân sinh sống bằng nghề nông, buôn bán nhỏ lẻ. Ấp có 6 hòa giải viên, gồm 5 hòa giải viên nam, 1 hòa giải viên nữ. Trong năm 2021, tổ hòa giải thụ lý 4 vụ tranh chấp với tỷ lệ hòa giải thành công đạt 100%.

“Công tác hòa giải đã tạo ra niềm vui cho chính bản thân người hòa giải khi các mâu thuẫn, tranh chấp được hóa giải, chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không, tình làng nghĩa xóm trở nên khăng khít. Để hòa giải thành, trước hết hòa giải viên cần nắm rõ kiến thức về pháp luật, chủ trương của Đảng và đường lối của Nhà nước. Khi đó, mình sẽ vận dụng khéo léo, mềm dẻo trong hòa giải, phân tích đúng lý, đúng tình và đưa ra được yếu tố thuyết phục cả đôi bên. Ngoài ra, làm công tác hòa giải cần phải có cái tâm và sự kiên trì, luôn phải công tâm, công bằng, đặc biệt cần phải đặt mình vào vị trí của các bên để mình lắng nghe, thấu hiểu được nỗi lòng, mong muốn của họ”, một hòa giải viên của ấp Chòm Dừa cho hay.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, thời gian tới, Hội đồng Phối hợp PBGDPL sẽ thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên theo quy định; tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên theo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”; kịp thời khen thưởng đối với tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở.

BOX: Toàn tỉnh có 561 tổ hòa giải với 3.771 hòa giải viên. Trong năm 2021, các tổ hòa giải ở cơ sở thụ lý 478 vụ tranh chấp, đã đưa ra hòa giải 477 vụ, trong đó số vụ hòa giải thành 423 vụ, chiếm tỷ lệ 88.7% (tăng so với năm 2020 là 2,28%); số vụ hòa giải không thành hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 54 vụ, chiếm 11.3%; rút đơn 1 vụ.

Thiên Di