Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoà Hiệp - Miền cội rễ của Tân Biên 

Cập nhật ngày: 30/09/2020 - 07:56

BTN - Hoà Hiệp là một xã của huyện Tân Biên thì người Tây Ninh đều biết. Tuy vậy cũng cần nhắc lại một địa danh để cán bộ, chiến sĩ từng chiến đấu ở Tân Biên trong kháng chiến chống Mỹ dễ nhận ra, đấy là tên Lò Gò - Xóm Giữa. Bởi cái tên này đã nằm trong vùng thương nhớ của nhiều người.

Khúc sông qua xã Hoà Hiệp.

Nói đến Hoà Hiệp, người ta thường nhắc đến chùa Chàng Rục, nay ở ấp Hoà Đông A. Người Khmer ở đây gắn bó kết đoàn với người Việt để làm ăn sinh sống, rồi chung lưng chiến đấu bảo vệ quê hương.

Bà con Khmer ở đây đến nay vẫn nhớ, xưa trên vùng này có hai “sóc” Khmer, một là Sóc Thiết, hai là Sóc Chàng Rục. Chùa xưa nằm ở Sóc Thiết. Sau hoà bình, đất chùa cũ trở nên chật hẹp, chùa được chính quyền xã bố trí trên khu đất rộng hơn, chính là chùa Chàng Rục ngày nay.

Người Khmer Hoà Hiệp có truyền thống gắn bó chung thuỷ với cách mạng trong những năm chống Mỹ. Trong những năm “chiến tranh một phía” thì Sóc Thiết từng được coi là “Chiến khu của Việt cộng”, địch càn quét thường chỉ dám tới Xóm Giữa mà không dám vào sâu trong các Sóc Chàng Rục và Sóc Thiết.

Cũng chính nơi đây là nơi “ém quân” của một đại đội đặc công của bộ đội Miền trước khi tiến đánh Tua Hai. Mọi bí mật được giữ cho đến phút trước giờ nổ súng. Đấy là trận đầu chiến thắng vang dội của bộ đội Miền và quân dân Tây Ninh đánh căn cứ Tua Hai đêm 25 rạng 26 tháng 1.1960.

Ngay sau chiến thắng Tua Hai: “Khắp nơi trên đất Tân Biên vang tiếng súng, tiếng mõ tre, thùng thiếc… Đâu đâu cũng nổi dậy xuống đường diệt ác phá kìm, tổ chức biểu tình xé cờ ba que, xé ảnh Ngô Đình Diệm, căng cờ biểu ngữ cách mạng, bao vây đồn bót địch…”.

Đồn địch ở Hoà Hiệp bị xoá sổ đầu tiên. Sau đó, du kích xã lại phối hợp với du kích Phước Vinh đánh sập cầu Phước Vinh, dựng nhiều chướng ngại vật, không cho địch rút chạy về Thị xã (theo 30 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Biên anh hùng (1945-1975), Ban Tuyên giáo Huyện uỷ xuất bản 1997).

Vào những năm 1963-1964, địch tăng cường “Chia nhuyễn địa bàn, xé nát vùng căn cứ lớn của ta… cho lực lượng chủ lực cùng xe ủi và công binh nâng cấp lộ Đồng Pan - Cần Đăng, lộ 20, Lò Gò, Thiện Ngôn, mở đường Xa Mát - Kà Tum, chốt lại các đồn bót trên cát lộ 22, lộ 4…”, thì: “Nhiều gia đình bị giặc đốt nhà 5 đến 7 lần như các xã Hoà Hiệp, Kà Tum vẫn kiên trì bám trụ bám đất bám làng…” (sđd).

Và, do vậy mà: “Trong vùng Hoà Hiệp, Lò Gò, các trường đào tạo cán bộ quân sự, cán bộ Đảng, Trường lục quân vẫn liên tục mở lớp. Hàng nghìn chiến sĩ cán bộ từ các tỉnh Đông, Tây Nam bộ về đây tham dự.

Bộ Chỉ huy Miền đã giúp quân khu Sài Gòn- Gia Định xây dựng một trung tâm huấn luyện bí mật ở Lò Gò, lấy mật danh là Đoàn 165A (thành lập tháng 1 năm 1965, cho kế hoạch nội thành mật danh A). Các tiểu đoàn “mũi nhọn” được huấn luyện tại đây…” (Sđd, trang 123).

Sau cuộc càn quét phản công chiến lược mùa khô trước năm 1967 của Mỹ, nguỵ vào các vùng giải phóng Tân Biên và Dương Minh Châu bất thành; Trung ương Cục đã tổ chức lại các lực lượng cách mạng trên vùng căn cứ địa.

Trên vùng đất Tân Biên được chia thành 6 huyện căn cứ, trong đó Hoà Hiệp có 2 huyện là Xóm Giữa - Đồi Thơ và huyện Lò Gò - Bến Ra. Văn phòng các cơ quan Dân y và Tuyên huấn của Trung ương Cục lãnh đạo cùng quân dân Hoà Hiệp chuẩn bị bày binh bố trận để trực tiếp đánh khi địch càn vào căn cứ.

Và trận chiến đã diễn ra suốt gần 2 tháng, từ 22.2 đến 15.4.1967 trong cuộc hành quân Junction City với gần 50 ngàn quân, trong đó, 45 ngàn quân Mỹ. Một lực lượng phi pháo khổng lồ được huy động gồm 1.200-1.300 xe tăng và bọc thép; 9 phi đoàn với 162 phản lực và 300 máy bay lên thẳng cùng các phi đoàn vận tải và máy bay trinh sát; pháo binh có 14 tiểu đoàn với 256 khẩu trong đó có nhiều đại bác 175 nòng dài được mệnh danh là "Vua chiến trường".

Đây chính là “cuộc hành quân lớn nhất của đế quốc Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”. (Hoàng Minh- Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa, Nxb Quân đội nhân dân 1975).

Trong cuộc chiến đấu này: “Trung đội du kích Hoà Hiệp và lực lượng du kích của các cơ quan các huyện căn cứ phối hợp cùng lực lượng Miền chiến đấu từ ngày 23.2 đến 28.2 với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí. Trung đội du kích Hoà Hiệp do đồng chí Thành Dô chỉ huy vận động bám sát địch đánh bằng mìn tự tạo phá huỷ 5 xe  M113, M118, diệt 1 trung đội Mỹ.

Tiểu đội du kích dân tộc Khmer Sóc Thiết do đồng chí Son, chỉ huy phục kích bình tĩnh bắt sống một tên Mỹ tại Sóc Thiết thu toàn bộ quân trang giải về trên…” (Sđd). Trận càn Junction City đã thất bại thảm hại. Ngày 15.4.1967, tướng bốn sao Oét-Mo-len mệt mỏi tuyên bố kết thúc cuộc hành quân.

Có một điều rất đặc biệt về “lòng dân” ở xã biên giới như là Hoà Hiệp. Đấy là sự thuỷ chung như nhất, gắn bó cùng cách mạng cả trong những lúc hiểm nguy, khó khăn nhất. Trong một bộ phim tài liệu về Tân Biên do cố nhà văn, đạo diễn Nguyễn Đức Thiện thực hiện, có kể đến chuyện: “Căn cứ địa đi đến đâu thì dân đi theo để bảo vệ vòng ngoài đến đấy”.

Dân là đầu mối cung cấp hậu cần, cũng là nguồn để bổ sung quân, hoặc cung cấp dân công hoả tuyến phục vụ chiến đấu. Như ở trận càn Junction City: “Năm ngày trước và sau khi cuộc càn bắt đầu, xã Hoà Hiệp đã vận động tòng quân bổ sung cho lực lượng vũ trang của trên 180 thanh niên, bao gồm cả người Khmer và người Việt…” (trang 158, Sđd).

Như: “Các xã vùng sâu do Đoàn 180 R quản lý như Kà Tum, Chàng Riệc, Hoà Hiệp, Tầm Phô… suốt quá trình chiến dịch (Mậu Thân 1968) đã huy động trên 20.000 lượt dân công vận chuyển đạn dược vũ khí quân trang vân dụng phục vụ chiến đấu…”.

Như trong cuộc càn Đông Dương vào tháng 4.1970: “Cấp uỷ Hoà Hiệp kinh nghiệm và nhạy bén phán đoán được âm mưu của địch, đã kịp thời quyết định đưa toàn bộ chi bộ và nhân dân rút sâu sang biên giới…”.

Để rồi đến đầu năm 1971, Chi bộ Hoà Hiệp cử một số đồng chí trở về bám địa bàn, khôi phục căn cứ chuẩn bị đưa dân trở về. Một trong những cuộc “di dân” tránh giặc càn ấy được mô tả như sau: “Ròng rã 5 ngày liền đoàn người tay bồng, tay bế dắt nhau đi.

Giặc càn sang nổ súng phía trước, máy bay quần đảo trên đầu, pháo bắn sau lưng, chết chóc chực chờ trong khoảnh khắc… Lương thực cạn dần, nhiều lúc phải chống đói bằng rau quả lá rừng, chống khát bằng hứng từng giọt nước nhỏ ra từ những sợi dây lăng dây chiều…

Đến ngày thứ sáu đoàn mới gặp được một đơn vị Miền bảo bọc giúp đỡ… Hết trận càn không người dân nào bị hy sinh… Dứt trận càn đồng chí Hai Giá đưa số dân này về xã Hoà Hiệp…” (trang 157, sđd).

Ký ức về những ngày “nếm mật nằm gai” gắn bó không rời cách mạng vẫn còn sâu đậm trong lòng người Khmer Hoà Hiệp. Như các già làng Chót Mao và Đóc Sóc Kha; như bà Mon Thêm từng hiến hàng ngàn mét vuông đất cho ngành Giáo dục xây Trường tiểu học Hoà Đông A.

Truyền thống này bắt nguồn từ đâu? Có lẽ từ sâu xa, thời nghĩa quân của Khâm Tấn Tường, Trương Quyền và Pu-Kom-Pô liên quân chống giặc ngay từ những năm đầu ba tỉnh miền Đông rơi vào tay Pháp.

Truyền thống ấy không bao giờ mai một. Như các dòng sông thượng nguồn Vàm Cỏ Đông: sông Vịnh bên phía Đông, sông Cái Bắc ở phía Tây vẫn mài miệt chảy cùng năm tháng.

Trần Vũ (còn tiếp)