Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hoa hồng nở muộn
Thứ hai: 06:28 ngày 12/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ba bỏ đi khi tôi vừa tròn sáu tuổi. Mẹ mím môi thật chặt nắm tay tôi đứng ngay bậc cửa, không trả lời ba cũng không rơi nước mắt khi ba chào rồi bước thẳng. Nắng chiều nghiêng hết cả khoảng sân có cụm bông mào gà đỏ bầm như ụ máu khô cong. Chuyện người lớn nên mẹ chỉ nói ngắn gọn: “Ba có công việc đi xa mẹ con mình một thời gian”.

Tôi im lặng nhưng lờ mờ hiểu từ nay sẽ chẳng còn dịp nào cho tôi được ép mặt vào lưng ba nóng ấm mỗi khi ba cõng để ru tôi ngủ; hay khi tôi nhõng nhẽo vì ho gà hay sổ mũi nhèo nhẹo ba suốt đêm thức trắng canh chừng. Còn lại một mình, mẹ phải gò lưng trên máy may nhiều giờ hơn để kịp thời hạn giao đồ cho khách, cho tôi kịp đóng học phí, cho tôi chiếc áo dài trắng tinh khôi, cho tôi ngày mai đàng hoàng bước vào cổng trường đại học.

Có những đêm chợt tỉnh giấc, tôi thấy mẹ còn cặm cụi ngồi may, tiếng đạp máy rè rè, tiếng vạc sành kêu hiu hắt, buồn như muốn vỡ lồng ngực. Sau này tôi còn biết thêm những khi đó, mẹ chờ tôi ngủ say mới khóc thương cho phận mình bạc phước. Nén chặt trong lòng bao uất ức, mẹ không muốn tôi buồn lòng mà sa sút học hành. Nỗi hờn ghen đàn bà cứ gặm nhấm tuổi thanh xuân của mẹ nên trông mẹ già hơn tuổi thật rất nhiều. Vết chân chim trên khoé mắt mẹ như hằn sâu thêm nỗi giận ba trong lòng tôi. Tôi quyết tâm học thật giỏi để có thể chăm sóc mẹ sau này và chứng tỏ cho ba thấy “con gái không hề vô dụng, con gái cũng làm được những chuyện mà con trai có thể làm”.

Ba đi theo người đàn bà ấy vì đứa con trai ba mong mỏi đã tượng hình trong bụng bà ta. Và vì mẹ không còn khả năng sinh nở sau căn bệnh phụ khoa bất ngờ. Lúc đó, ba vừa mất việc làm, thường hay ra quán cà phê đầu ngõ, ngồi buồn nên cô chủ quán mới ngỏ lời hỏi han, an ủi. Ba ngã lòng và dần dần xa rời vòng tay gia đình khi cô chủ quán báo tin về cái bào thai ba tháng. Biết là con trai ba càng mừng vui phấn khởi.

Ba về chia tay mẹ êm ái rồi ra đi không một lần ngoái lại, mẹ giận hờn và tủi thân nhưng cũng đành gạt nước mắt mà đau, đứa con gái lên sáu ngoan ngoãn cũng không giữ được ba cho mẹ. Mẹ hy sinh tất cả tuổi xuân cho tôi, dồn hết tình thương vào tôi. Cũng có vài người đàn ông muốn gá nghĩa cùng mẹ nhưng mẹ từ chối hết, tình yêu đầu đời của mẹ đã trao trọn cho người chồng phản bội vì tư tưởng cổ hủ “trọng nam khinh nữ” lạc thời.

Tôi quyết tâm thi vào đại học Y vì sức khoẻ của mẹ sau bao năm lao lực đã giảm sút rất nhiều. Mỗi khi trời trở gió là mẹ than đau lưng, nhức mỏi vai gáy. Ngồi may lâu ngày, cột sống của mẹ bị thoái hoá, vò võ canh thâu nên mẹ gầy ốm lắm. Mẹ là thợ may nhưng không dám may áo mới cho mình. Mẹ thường hay nói dối là ăn rồi khi mâm cơm dọn lên chỉ có khúc cá hay miếng thịt nhỏ cho tôi ăn đủ chất. Mẹ xót tôi đang dần thành thiếu nữ mà cơ thể không phổng phao bằng chúng bạn, làn da xanh xao vì tàn dư của sự suy dinh dưỡng dạng thấp còi khi còn bé.

Những khi ấy, ba còn mải mê nâng niu, bồng bế con trai của ba. Ba làm ngựa cho em cưỡi lên cười khanh khách. Ba lo từng ly sữa, chén cơm cho em để em cao lớn, thông minh. Lâu lâu ba cũng có ghé qua nhà nhìn tôi một chút rồi đi, tôi không biết ba nói với mẹ những gì vì tôi chán ghét nên hay tìm cớ lảng tránh qua nhà bạn chơi. Những ngày sau đó, tôi thấy mẹ có thêm một chút sinh khí sau bao ngày lặng lẽ như cái bóng. Mẹ mỏi mòn chờ đợi ba hồi tâm quay về. Ngày tháng vô tình cứ trút lên tóc mẹ màu mây trắng mông lung. Ba như lãng khách phiêu du theo những chuyến đi vô định, theo nỗi lo cơm áo gạo tiền oằn trên vai áo sờn phai.

Nghe đâu, người đàn bà ấy đã bỏ ba khi em trai lên năm tuổi vì một người đàn ông khác giàu có hơn ba. Ba ngậm ngùi đưa con trai về bên ngoại của em dưỡng nuôi. Em lớn lên không có sự dạy dỗ của ba và tình thương của mẹ nên thành một đứa ngổ ngáo, bất cần đời. Ba mải mê vì cuộc sống mưu sinh và những cuộc tình phù phiếm nên cũng dần xao lãng sự quan tâm cho em khi em đang tuổi dậy thì với nhiều khó khăn trong tâm sinh lý.

Bà ngoại của em đã già nên cũng không thể hiểu hết những tâm tư của đứa cháu trai mới lớn. Cậu dì của em thì ai cũng có gia đình với những nỗi lo riêng. May sao tôi còn có mẹ nên không mấy ngỡ ngàng, hoảng hốt khi lần đầu hành kinh, khi thấy cơ thể dần thay đổi vì trên mỗi bước đường đời luôn có mẹ thấu hiểu, cận kề và chỉ dạy mọi điều.

Sau khi ra trường, tôi được vào làm tại một bệnh viện lớn của thành phố vì kết quả tốt nghiệp loại giỏi và vì có sự nâng đỡ của anh - người bác sĩ đã tận tâm dìu dắt khi tôi xin vào thực tập trong bệnh viện. Anh là bác sĩ rất giỏi về chuyên môn và hết lòng vì bệnh nhân, mải học tập nên dù đã hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình. Nhưng không vì thế mà tôi yêu nếu không có lần chứng kiến cảnh anh đưa người bệnh vào cấp cứu.

Trong cơn mưa chiều tầm tã, anh vừa từ bệnh viện ra về thì khoảng ba mươi phút sau lại thấy anh bế xốc đứa bé còm cõi trên tay lao nhanh vào phòng cấp cứu. Anh thăm khám và hô hấp cho em mau lấy lại nhịp tim nhưng vết thương quá nặng nên em đã qua đời. Nhìn anh bất lực vò đầu trong im lặng mới thấu hiểu hết những nỗi niềm. Sau đó, tôi nghe anh kể lại trên đường về nhà thì trời mưa to, anh trú tạm ở một mái hiên, vô tình chứng kiến em bé bán vé số bị tai nạn khi băng qua đường để bán cho kịp giờ xổ số.

Anh đã chạy ra tiếp cứu. Hai cha con người bán vé số từ Quảng Bình lặn lội vào Sài Gòn mưu sinh, khi gặp nạn không có lấy một trăm ngàn đồng về quê nên anh đã bỏ tiền thuê xe đưa thi hài em bé và người cha khốn khổ về tận nhà. “Xót xa lắm em khi chứng kiến cảnh khổ của người mà mình thì bất lực. Ba của thằng bé cứ quỳ xuống lạy để tạ ơn. Anh càng thấy mình phải cố hơn nữa trong chuyên môn vì những mảnh đời nhỏ nhoi cần giúp đỡ”.

Cảm phục anh, tôi dần yêu anh mà không hay, yêu trong sự ngưỡng mộ và tôn thờ, yêu quý một tấm lòng nhân hậu. Khi thành vợ chồng, tôi hỏi: “Sao anh lại chọn em khi em nhỏ bé và không có gì nổi bật?”. Anh búng mũi tôi và dịu dàng trả lời: “Vì cô thực tập sinh nhỏ nhắn đã không ngần ngại máu thấm ướt hết cả áo mà cùng anh cấp cứu cho cậu nhỏ bán vé số ngày xưa”. Tôi dụi đầu vào anh hạnh phúc, vòng tay ấm áp này sẽ mãi mãi che chở cho tôi trước phong ba bão táp cuộc đời.

Mẹ tôi đã không còn là thợ may mấy năm rồi vì mắt mẹ mờ và tay không còn khéo léo như trước nữa. Mẹ vui tuổi già bên hai đứa cháu trai ngày ngày quấn quýt cạnh bên đòi bà kể chuyện, pha sữa và gãi lưng khi ngủ.

Ba tôi, sau một cơn tai biến và bị té ngoài đường, người ta đưa ba vào viện cấp cứu. Lục trong túi thấy địa chỉ và số điện thoại của mẹ nên bệnh viện gọi về, mẹ lại tức tốc vào viện chăm sóc ba. Sau cả tháng dài điều trị, ba đã xuất viện về nhà. Mẹ phải bận rộn vì hai đứa cháu, nay lại phải chăm thêm ba nên công việc cứ xoay tít cả ngày. Mẹ nói: “Thôi con ạ, hết tình thì còn nghĩa, giờ ba trở về rồi, con đừng giận ba nữa, tội nghiệp cho ổng, tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho chính mình đó con. Dù sao cũng là ba của con, dòng máu trong con là nhờ ba truyền cho, dù không dưỡng nhưng công sinh cũng cao như trời bể.

Mẹ đã không giận thì con cũng nên cởi bỏ cho nhẹ lòng nghen con”. Mẹ vẫn bao dung như lòng mẹ thuỷ chung dù bao bạc bẽo người đời dành cho mẹ. Tôi đã có tình mẹ vô bờ bến và tình yêu chân thành của chồng, sự ngoan ngoãn của các con thì sự giận hờn nông nổi của ngày xưa cũ cũng dần tan biến. Ba ơi, ba vẫn là người cha ngày nào thức hát ru con trong đêm dài thinh vắng nghen ba! Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi mùa Vu Lan tháng bảy này tôi được trân trọng cài lên ngực mình bông hồng đỏ thắm.

Ngoài sân nhỏ, cụm hồng tỉ muội khoe sắc hồng tươi, chúm chím như nụ cười em thơ hồn nhiên, vô tư lự. Nắng tràn lên giàn mướp mẹ trồng đang đong đưa những trái dài lúc lỉu, có chú bướm nhỏ xinh xoè đôi cánh tung bay.

N.H.V

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục