Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chỉ còn non tháng nữa là tết, thị trường hoa kiểng đã chuyển động khá mạnh.
Ông Nghiêm với hơn 20 năm trong nghề trồng hoa kiểng.
Ông Võ Văn Nghiêm, 60 tuổi, có thâm niên hơn 20 năm trong nghề trồng cây kiểng ở ngụ khu phố 5, phường 1, thành phố Tây Ninh. Hiện nay, vườn nhà ông có hàng trăm loại hoa kiểng. Trong đó, có nhiều cây mai vàng, hồng ngọc mai khá đẹp và nhiều loại cây ăn trái trồng theo kiểu bonsai như khế, me, sung, táo, ổi, linh sam, hoa giấy… Bên cạnh những loại cây kiểng quen thuộc, ông còn nhập giống hoặc ươm trồng nhiều loại hoa kiểng, cây ăn trái từ Thái Lan.
Ông Nghiêm cho biết, năm nay thời tiết thất thường, nắng nóng xen với mưa to, khiến nhiều cây mai vàng đã ra hoa sớm. Mặc dù vậy, nhiều thương lái đã đến vườn của ông săn lùng những cây mai có dáng đẹp để về xử lý cho ra hoa lại đợt 2 trong dịp tết hoặc dưỡng gốc lại cho năm sau.
Ông Nghiêm hướng dẫn chúng tôi xem một cây mai to, tàng tròn đẹp và cho biết, đã có người trả giá 19 triệu đồng nhưng ông chưa chịu bán. “Tôi có gần 200 chậu kiểng, đến nay đã bán được hơn 100 gốc, thu được vài chục triệu đồng. Số cây kiểng còn lại vẫn tiếp tục có người đến mua” - lão nông chia sẻ.
Ngoài hoa kiểng, lão nông này còn kiếm sống được nhờ sản xuất các tiểu cảnh, thuyền hoa bằng vật liệu xây dựng. Ông Nghiêm tâm sự, những năm trước, khi đại dịch Covid- 19 bùng phát, trong thời gian giãn cách xã hội, ở nhà buồn tay, ông cắt gạch cũ và dùng xi măng sáng tạo một số tiểu cảnh như nhà ngói xưa ở Nam bộ, nhà rông của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên.
Trong đó, ông trồng một số loại cây kiểng giống nhỏ, có thác nước và đàn cá 7 màu bơi lượn. “Tôi làm được 20 bộ tiểu cảnh như thế, đã bán hết 18 bộ, còn 2 bộ này, có người đến hỏi mua với giá 4 triệu đồng nhưng tôi không bán”.
Ông Nghiêm khoe khế Thái Lan do ông ươm trồng.
Cây hồng ngọc mai.
Sáng tạo thuyền hoa.
Những chậu kiểng vừa được bổ sung từ khu vườn phía sau.
Tiểu cảnh nhà ngói xưa ở Nam bộ do ông Nghiêm sản xuất.
Đại Dương