Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn
Hoa nở về đêm
Thứ sáu: 17:00 ngày 12/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ăn trái thanh long đã lâu mà đến giờ tôi mới biết hoa thanh long nở về đêm. Hoa mà tôi tò mò ngắm nghía giữa ban ngày đây chính là hoa đang quá trình tàn. Tàn trong câu “hoa tàn, nguyệt khuyết”.

Ðấy là một đoạn trong bài giảng của bạn nông dân trẻ tên Tân, người ấp Xóm Khách, xã Long Giang, huyện Bến Cầu. Hẳn là bạn nghĩ, tôi cũng đang đi tìm miếng đất lập vườn, nên rất ân cần, tỉ mỉ. Nào là bây giờ giữa mùa mưa, trái thanh long đang ra mùa thuận. Thuận trong câu “thuận theo tự nhiên” mà mấy bữa rày hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Còn một mùa nữa là mùa nghịch, kéo dài từ tháng 8 tới tháng 2 năm sau. Mùa ấy phải thắp điện ban đêm. Tân bảo, lúc ấy tôi sang đây thì tha hồ mà ngắm hoa thanh long nở.

Ôi chà! Hoa đang tàn mà còn đẹp thế kia, nói gì đến lúc vừa xoè nở. Vâng, trước mắt tôi là vườn thanh long ngăn ngắt xanh, điểm những bông hoa thật to chỉ hai sắc trắng, vàng. Cái “tư thế” của các bụi cây cũng hoàn mỹ làm sao! Trụ bê tông cao tới ngang vai. Thân rễ thanh long bám leo lên. Rồi từ đỉnh cột, thân rễ xoè ra những nhánh dài như những cọng xương rồng gân guốc. Nhánh xoãi ra hàng mét rồi từ thân hay ngọn nhánh, những bông hoa to như bắp chuối ấy vẫn gắng gỏi vươn lên, chống lại sự úa tàn. Khách qua đường 786 nhìn vào vẫn luôn thấy đó là một vườn hoa đang nở rung rinh, diễm lệ dưới trời.

Thấy tôi cứ tần ngần muốn biết về hoa thanh long mới nở, anh Tân mới tìm và chỉ cho một búp hoa thanh long sẽ nở đêm nay. Quả nhiên đó là một tuyệt tác của trời ban, thưa các bạn. Từ một gân nhánh cong xuôi xuống, bỗng ngược lên một búp xanh như men ngọc của gốm sứ Bát Tràng. Khối hình nụ hoa y hệt những bàn tay búp măng thiếu nữ úp vào nhau, chỉ những ngọn cánh hoa là vuốt nhọn và cong đỏ chót như móng tay người con gái yểu điệu. Tân bảo từ bảy giờ tối là những ngón tay ấy mới từ từ mở, để những cánh hoa trắng muốt sẽ xoè ra. Liệu có gì liên quan giữa thanh long với loài hoa quỳnh thường được các văn nhân thi sĩ tôn vinh, ca ngợi.

Mùa mưa cũng còn những loại hoa đêm khác. Như cây lộc vừng trong sân vườn một cơ quan tôi biết. Dù bạn có đi khắp những vùng sông nước Tây Ninh cũng chưa chắc gặp được cây lộc vừng to đẹp thế này. Cao lên khỏi tầng lầu hơn 7 mét, tán lá sum suê rủ xuống như thể mái tóc người con gái quê mới gội xong đang hong gió. Vô số những dây hoa buông rủ như tấm mành đầy những nụ xanh. Vậy mà khi nắng chiều vừa tắt, mới chỉ quay đi quay lại đã thấy rèm hoa nở rực hồng. Ðến sáng mai, những cánh rụng rơi như một tấm thảm đỏ trải trên mặt đất. Ngắm thảm xác hoa này, bạn có ngậm ngùi không?

Cách cây lộc vừng một dãy nhà phố lại có một hàng cây hoa ngọc lan. Suốt mùa mưa, cây cũng cho nhiều bông hoa trắng muốt bé bằng ngón tay út. Loại này thì tôi còn chưa chắc chúng có nở về đêm không. Nhưng rõ ràng là chỉ có ban đêm thì hương hoa mới toả lan bát ngát. Nhất là vào những đêm mưa thì làn hương ấy cứ là là bay sát đất, tưởng như ta có thể với tay là nắm được một làn hương.

Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, rằng giữa đêm hôm hoa nở cho ai nhỉ? Tại cứ theo thói thường thì lúc này mọi người đã đi ngủ. Hay là hoa nở để dâng tặng những người công nhân quét dọn rác trên đường. Ở phố tôi, cứ nửa đêm là lại nghe xào xạt tiếng chổi quét rác. Các chị mặc áo phản quang, khẩu trang trùm kín mặt cứ cắm cúi làm. Ðể lại sau lưng từng đoạn phố đã sạch bong, loang loáng vệt đèn đường. Và thỉnh thoảng, còn có những chiếc xe máy vội vàng chạy đi đâu đó.

Và nữa, trong những căn bếp của một vài tiệm quán ăn, ai đó cũng đang nhóm nhen củi lửa. Ðể sáng ra đã có ngay những tô hủ tiếu, phở hoặc bún riêu cua… nóng sốt cho mọi người. Chợt nhớ, cổ nhân có câu: “người là hoa của đất”. Vậy những người cần mẫn trong đêm kia cũng là một loài hoa nở về đêm, thơm và đẹp đến bất ngờ!

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục