BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạ sĩ Đặng Văn Thức: Bền bỉ một đam mê

Cập nhật ngày: 01/09/2011 - 10:53

Như tin đã đưa, tại triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Đông Nam bộ năm nay (do Bình Phước đăng cai tổ chức), hoạ sĩ Đặng Văn Thức với tác phẩm “Phong cảnh” đã “rinh” về cho Tây Ninh giải B.

Năm nay 43 tuổi, Đặng Văn Thức đã có hơn 20 năm gắn bó với hội hoạ. Đam mê nghề từ hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, nhưng mãi đến năm 1989, Thức mới thi vào Trường Trung cấp Mỹ thuật TP.HCM. Sau 3 năm “dùi mài” lấy được bằng tốt nghiệp xong, anh lại thi vào Trường đại học Mỹ thuật, chuyên ngành Đồ hoạ.

Năm 1997, ra trường, Thức trở về quê nhà và được nhận vào làm giáo viên dạy bộ môn Mỹ thuật ở Trường Thực nghiệm Giáo dục phổ thông Tây Ninh. Làm nghề “gõ đầu trẻ” được 2 năm, anh được Công ty Du lịch Tây Ninh mời về phụ trách công tác mỹ thuật. Thế là từ đó anh gắn cuộc đời mình với khu du lịch núi Bà Đen. Suốt 10 năm liền ở núi, Thức có nhiều thời gian để khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên. Có lẽ vì thế mà vẽ phong cảnh luôn là sở trường của anh. Đến nhà Thức ở ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn (thị xã Tây Ninh) chiêm ngưỡng những tác phẩm của anh treo trên tường, càng thấy rõ hơn điều ấy. Hầu hết những đứa con tinh thần của hoạ sĩ đều “dính” đến phong cảnh.

Đặng Văn Thức bên tác phẩm “Phong cảnh” đạt giải B tại triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Đông Nam bộ năm 2011.

Hỏi sao anh chọn đề tài phong cảnh- một đề tài có vẻ đã “xưa như trái đất” và đã có nhiều hoạ sĩ thuộc hàng “cao thủ” từng “đóng đinh” tên tuổi rồi, Thức trả lời mộc mạc như chính tính cách của anh: “Không lý do gì hết, vì yêu quê hương thôi”. Có lẽ vậy, phải yêu quê hương lắm mới nhìn thấy phong cảnh quê mình đâu đâu cũng đẹp. Mà có lẽ cũng phải sẵn một niềm đam mê nghệ thuật mãnh liệt mới có thể vượt qua những khó khăn đời thường để chung thuỷ với nó. Cả hai vợ chồng hoạ sĩ Đặng Văn Thức không ruộng vườn cũng không có khoản thu nhập nào khác. Hằng ngày, anh phải bươn chải kiếm sống với nghề vẽ bảng hiệu, bởi cơm áo không phải chuyện đùa với bất cứ ai. Thỉnh thoảng anh nhận làm sa bàn cho những cơ quan, đơn vị có nhu cầu. Vợ anh kiếm thêm bằng nghề làm bánh kem. Thu nhập của hai vợ chồng cộng lại phải vén khéo lắm mới đủ để lo cho gia đình, lo chuyện học hành cho hai đứa con còn nhỏ dại. Không gian riêng để Thức sáng tác chỉ là một cái gác xép nhỏ bé, diện tích 13 mét vuông. Hằng ngày, sau khi hoàn tất những công việc cơm áo gạo tiền, Thức phải chờ đến 21 giờ, khi các con đã ngủ, anh mới lên căn gác riêng bắt đầu mê mải chìm đắm với những giấy, cọ, bột màu…     

20 năm qua, Tây Ninh đã hai lần tổ chức triển lãm mỹ thuật, cả hai lần hoạ sĩ Thức đều đoạt giải (giải Nhì triển lãm mỹ thuật “Tây Ninh những chặng đường vàng son” năm 1994, giải khuyến khích và giải đặc biệt tại triển lãm mỹ thuật “Uống nước nhớ nguồn” năm 1997), 5 lần có tác phẩm được chọn đi dự giải của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam. Hiện nay, anh vẫn đang ấp ủ ý định vẽ lại toàn bộ phong cảnh các khu di tích lịch sử, đình, chùa của Tây Ninh. “Đây là một công trình khó, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhưng tôi sẽ cố gắng bắt tay vào làm, với mong muốn góp một chút gì đó cho đời”, anh Thức bộc bạch.

ĐẠi Dương