Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Hoạ sĩ Võ Đồng Minh: Hoàn thành ước nguyện vẽ 79 tranh chân dung Bác Hồ kính yêu
Thứ hai: 09:04 ngày 19/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngắm lại toàn bộ 79 bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ kính yêu đã hoàn thành, hoạ sĩ Võ Đồng Minh cảm thấy niềm hạnh phúc dâng trào. “Tâm nguyện của người con miền Nam trước tin Bác mất, đến nay mới hoàn thành”- hoạ sĩ 85 tuổi, ngụ thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, nói khẽ như tâm sự với chính mình.

Ngắm lại toàn bộ 79 bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ kính yêu đã hoàn thành, hoạ sĩ Võ Đồng Minh cảm thấy niềm hạnh phúc dâng trào. “Tâm nguyện của người con miền Nam trước tin Bác mất, đến nay mới hoàn thành”- hoạ sĩ 85 tuổi, ngụ thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, nói khẽ như tâm sự với chính mình.

Lời hứa của người con miền Nam

Nhớ lại quãng thời gian hơn 50 năm trước, hoạ sĩ Võ Đồng Minh kể, năm 1969, khi đơn vị của ông đang học Nghị quyết số 9 thì nhận được tin Bác mất. Lúc đó ai cũng đau buồn. Sau khi học nghị quyết, ông Tư Văn- Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ chỉ đạo làm đền thờ để thờ Bác.

Các học sinh Trường Hoàng Lê Kha đào đất, nhồi đất nén thành gạch sống xây đền thờ trong một khu rừng. Ban Tuyên huấn cử ông Võ Đồng Minh và hoạ sĩ Ba Trắng (Tam Bạch) vẽ chân dung Bác Hồ đặt trên bàn thờ để làm lễ truy điệu.

Hoạ sĩ Võ Đồng Minh vẽ tranh chân dung Bác Hồ kính yêu bằng bút sắt với màu đen trắng.

Trước vong linh của Bác, ông Võ Đồng Minh có hứa xong cuộc chiến tranh này nếu còn sống sẽ vẽ 79 ảnh chân dung của Bác, vì đồng bào miền Nam chưa được thấy Bác và luôn khao khát được gặp Bác; ngược lại, khi sinh thời, Bác cũng ao ước được vào thăm đồng bào miền Nam. Chính vì vậy, ông quyết tâm vẽ 79 bức tranh chân dung Bác Hồ với nhiều tư thế khác nhau để cho người dân Tây Ninh nói riêng, đồng bào miền Nam nói chung được biết rõ hơn về Bác.

“Thời đó in ấn còn lạc hậu lắm, tranh ảnh Bác đăng trên báo không nhìn rõ lắm. Nên tôi muốn dùng nghệ thuật hội hoạ vẽ cho rõ hơn, để sau ngày giải phóng phục vụ cho đồng bào miền Nam xem Bác”, hoạ sĩ Võ Đồng Minh tâm sự.

Theo lời hoạ sĩ cao niên, mặc dù những năm sau này khoa học kỹ thuật tiến bộ, có nhiều tranh ảnh về Bác, nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện lời hứa của mình với vong linh của Bác. Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất 30.4.1975, hoạ sĩ Võ Đồng Minh được giữ chức vụ Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tân Biên. Sau đó, ông chuyển về công tác ở Bảo tàng Tây Ninh và chuyển sang làm Phó chánh Văn phòng Huyện uỷ Tân Biên.

Mặc dù luôn bận việc cơ quan, nhưng mỗi năm, vào dịp sinh nhật Bác ông đều dành thời gian vẽ một ảnh chân dung Bác. Do những năm đầu miền Nam mới giải phóng, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, hoạ sĩ không có điều kiện mua sắm vật tư hội hoạ nên ông chọn phương pháp bút sắt để thể hiện hình ảnh Bác Hồ.

Hoạ sĩ Võ Đồng Minh vừa hoàn thành tranh chân dung Lênin và Bác Hồ.

Đến năm 1996, ông nghỉ hưu sớm, nhưng thời gian này, chuyện cơm áo gạo tiền và nhiều thứ khác đã khiến ông không dành được nhiều thời gian, toàn tâm, toàn ý để thực hiện ước mơ của mình. Mãi đến những năm gần đây, khi các con của vợ chồng ông đều đã trưởng thành, yên bề gia thất, ông mới có điều kiện thực hiện điều đã nung nấu từ thời còn trai trẻ.

Ông Võ Đồng Minh nhớ lại, ban đầu ông vẽ chân dung Bác Hồ trên giấy caro, khổ nhỏ. Sau khi gần hoàn thành 79 bức tranh, ông nhận thấy, vẽ trên khổ giấy nhỏ như thế, không xứng với tầm vóc và không thể hiện hết sự uy nghi của Bác. Từ đó, ông chuyển vẽ chân dung Bác Hồ trên giấy roki với kích thước lớn khoảng 80 cm x 110 cm. Mỗi một nét vẽ bằng bút sắt chỉ to hơn đầu sợi tóc một chút. Do vậy, nếu vẽ ròng rã phải mất khoảng 2 tháng ông mới hoàn chỉnh một bức chân dung trên giấy roki khổ lớn. Trung bình phải mất khoảng 3 tháng ông mới hoàn tất một ảnh chân dung Bác.

Để tìm được những ảnh chân dung của Bác, hoạ sĩ vùng biên này phải tốn nhiều công sức đi khắp nơi tìm kiếm, sưu tầm ảnh Bác từ những bức ảnh lịch sử khác nhau với nhiều góc độ khác nhau. “Có những bức ảnh chụp tập thể, trong đó, ảnh Bác nhỏ hơn móng tay út. Tôi phải copy lại ảnh tư liệu, sau đó dùng bút phác vẽ to lên”, ông Minh kể.

Hơn 10 năm trước, khi đến thăm, tôi thấy hoạ sĩ Võ Đồng Minh đã hoàn thành được gần 20 bức tranh chân dung Bác, còn gần 60 bức tranh nữa đang chờ vẽ. Ông lo lắng không biết có còn đủ thời gian và sức lực để thực hiện cho tròn ước mơ hay không. Lo sợ tuổi già sẽ gây cản trở hoàn thành tâm nguyện của mình, những năm qua, hoạ sĩ sinh năm 1942 luôn dành hết thời gian để vẽ. Có những lúc hai, ba giờ sáng, ông đã thức dậy ngồi bên giá vẽ.

Hoạ sĩ Võ Đồng Minh vẽ tranh chân dung Bác Hồ với màu trắng đỏ.

Hoàn thành công trình lớn nhất của đời mình

Sau nhiều năm miệt mài, năm 2023, ông Võ Đồng Minh đã hoàn thành công trình lớn nhất của đời mình. Hiện nay, 79 bức tranh chân dung Bác Hồ kính yêu được ông lộng trong khung kính hoặc bọc trong những túi nylon, bảo quản cẩn thận. Tuy nhiên, đến nay, cả công trình tốn bao công sức này vẫn còn nằm im lìm trong nhà, chứ chưa được người dân Tây Ninh nói riêng, đồng bào miền Nam nói chung biết đến như ông từng mong ước.

Hoạ sĩ kể, những năm trước đây, khi mới vẽ xong vài chục bức tranh, huyện Tân Biên có đem đến Cung Văn hoá thiếu nhi huyện và xã Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) triển lãm một vài lần. Năm ngoái có người đến thương lượng, định đem toàn bộ 79 bức tranh chân dung Bác Hồ đi triển lãm ở tỉnh Nghệ An, quê hương của Bác, nhưng ông không đồng ý. Vì đơn vị này trưng bày, triển lãm trong không gian sân vườn, khiến ông lo sợ ánh nắng mặt trời sẽ làm ảnh hưởng đến các bức tranh.

Hoạ sĩ Võ Đồng Minh cho biết thêm, những năm qua, có một người ở Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần tìm đến gia đình, hỏi mua toàn bộ 79 bức tranh chân dung Bác Hồ nhưng ông không bán. Vì ông muốn những bức tranh này phục vụ người dân Tây Ninh nói riêng, đồng bào miền Nam như tâm nguyện của mình.

Tranh chân dung Lenin và Bác Hồ kính yêu trang trọng lộng trong khung.

Hoạ sĩ Võ Đồng Minh tên thật là Nguyễn Văn Lắm, sinh năm 1942, quê ở tỉnh Long An. Năm 1950, khi còn là một cậu bé, ông theo cha mẹ lên Tây Ninh lập nghiệp. Mười năm sau, ông bắt đầu theo một hoạ sĩ ở huyện Toà Thánh (thị xã Hoà Thành ngày nay) học vẽ. Sau đó, ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, học được một năm, ông nghỉ học, theo tiếng gọi non sông, tham gia hoạt động cách mạng.

Với cây bút làm vũ khí, ông theo chân các chiến sĩ cách mạng, xông xáo ở khắp nơi trên chiến trường. Ông vẽ rất nhiều đề tài về kháng chiến như: thực dân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, đế quốc Mỹ xua quân chiến trường Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm là tay sai, Mỹ dùng vũ lực để chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, bộ đội chống xuồng qua sông… Tranh của ông được vẽ rất sống động, toát lên không khí kháng chiến mạnh mẽ của quân, dân ta, lột trần được bản chất xâm lược của kẻ thù và bọn tay sai bán nước.

Hoạ sĩ Võ Đồng Minh đạt Giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần thứ I.2013

Khoảng thời gian này, hoạ sĩ vùng biên vẫn tiếp tục dùng tài năng của mình phê phán những tệ nạn xã hội như đua xe trái phép, tham ô giữa doanh nghiệp quốc doanh với bọn gian thương, sinh con không có kế hoạch, dẫn đến đói nghèo, bất hạnh… Tranh của ông với những bút danh Võ Đồng Minh, Nguyễn Đông Minh được đăng tải trên một số tờ báo như Báo Quân Đội, Báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ Cười, Báo Tây Ninh… Ông từng được giải thưởng tại cuộc thi vẽ tranh cổ động và biếm hoạ toàn quốc năm 1996; đạt Giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần thứ I.2013.

Do chạy đua với thời gian, tập trung sức lực nhiều cho việc vẽ tranh Bác, đôi mắt của hoạ sĩ Võ Đồng Minh bị mờ dần và không còn nhìn thấy màu sắc rõ nét. Năm 2024, lão hoạ sĩ 85 tuổi đến bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật. Đến nay, ông chưa thể tiếp tục nghiệp hội hoạ, vì đôi mắt chưa bình phục. Hiện ông rất sốt ruột, vì còn dự án vẽ toàn bộ chân dung hội viên Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh đang dang dở.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục