Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hiện nay, trên giấy CNQSDĐ, ông Phụng có 2 phần đất liền kề nhưng thể hiện đến hai con hẻm 2m, trong khi thực tế hiện nay không còn con hẻm nào hết.

(BTN)- Ông Võ Thanh Phụng, ngụ thị trấn Hoà Thành gửi đơn đến Toà soạn Báo Tây Ninh khiếu nại về trường hợp chính quyền đã “dời” con hẻm 2m công cộng vào phần đất của ông đang ở.
Hẻm 2 mét bị mất
Ông Phụng cho biết, ngày 13.12.1999, ông sang nhượng của bà Lê Kim Luông (khu phố 1, thị trấn Hoà Thành) một phần đất có diện tích 96m2, số thửa 1030, thuộc tờ bản đồ số 5. Sơ đồ bản vẽ trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất (QSDĐ) do ông Phụng đứng tên, được UBND tỉnh cấp ngày 6.12.2000 (lúc này là thửa số 28) ghi rất rõ phía Nam giáp con hẻm công cộng 2m, phía Bắc giáp thửa 1031. Tuy nhiên, sau này, khi ông Phụng sang nhượng phần đất kế bên (nằm ở phía Bắc, số thửa 1031 theo bản đồ cũ, thửa số 209 theo bản đồ mới) của bà Phạm Thị Cẩn thì ngày 19.10.2011, UBND huyện Hoà Thành cấp giấy CNQSDĐ cho ông Phụng, trong đó sơ đồ bản vẽ thể hiện phần đất này phía Nam có con hẻm 2m, mặc dù thực tế không có con hẻm tại vị trí này. Như vậy, nếu theo sơ đồ trong giấy CNQSDĐ con lộ 2m đã nằm trên phần đất lúc trước ông đã sang nhượng của bà Luông. Trong khi đó, phần đất của bà Cẩn trong giấy CNQSDĐ mà UBND huyện Hoà Thành cấp, bản vẽ sơ đồ thể hiện không có hẻm 2m.
Như vậy, hiện nay, trên giấy CNQSDĐ, ông Phụng có 2 phần đất liền kề nhưng thể hiện đến hai con hẻm 2m, trong khi thực tế hiện nay không còn con hẻm nào hết.
![]() |
Nhà ông Phụng và ông Phát (hình do ông Phụng cung cấp và ghi chú). |
Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết, trong hồ sơ sang nhượng đất từ bà Luông sang ông Phụng vào năm 1999, bản vẽ sơ đồ đất của Phòng Địa chính Hoà Thành (hiện nay là Phòng TN&MT) do ông Phạm Thanh Phong lập, ông Phạm Thành Công kiểm tra, được ông Huỳnh Ngọc Mỹ (lúc này là Phó Trưởng phòng Địa chính) ký thể hiện phần đất bà Luông phía Nam, giáp hẻm 2m. Trong hồ sơ có các giấy tờ như giấy xác nhận của Phòng Địa chính, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Luông và ông Phụng (có xác nhận của UBND thị trấn Hoà Thành) đều thể hiện con hẻm 2m ở phía Nam thửa đất của bà Luông.
Vì sao đến nay con hẻm 2m này biến mất? Theo ông Phụng, khi ông làm hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ từ bà Cẩn sang ông, thì cùng thời gian này, ông Lê Văn Phát (chủ hộ phần đất kế bên) cũng đang làm thủ tục hợp thửa 3 thửa đất, trong đó có 1 phần đất là con hẻm 2m ông Phát chiếm sử dụng. Vì vậy, khi ông Phụng làm thủ tục chuyển nhượng đất, Phòng TN&MT huyện trả hồ sơ, vì cho rằng cạnh phần đất của bà Cẩn có hẻm. Ông Phụng đã cung cấp toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng đất từ bà Luông sang ông Phụng, thể hiện có hẻm ở phía Nam (chứ không phải đất bà Cẩn có hẻm) nên hồ sơ hợp thửa của ông Phát bị trả lại. Tuy nhiên, không hiểu sao, gần 1 năm sau, khi được cấp giấy CNQSDĐ (sang nhượng từ bà Cẩn sang ông Phụng) sơ đồ bản vẽ lại thể hiện đất ông Phụng có hẻm 2m. Như vậy, con hẻm này tự nhiên “mọc ra” giữa hai phần đất liền kề không có hẻm. Khi thắc mắc, ông Phụng được trả lời rằng, nếu không ghi lộ 2m trên giấy CNQSDĐ của ông Phụng thì cán bộ địa chính Thị trấn không ký(?). Những vấn đề nghi vấn trên được ông Phụng làm đơn khiếu nại và trình bày tại buổi đối thoại do Phòng TN&MT Hoà Thành tổ chức vừa qua và ông Phụng đề nghị ngành chức năng cần làm rõ, xử lý nghiêm nếu có tiêu cực?
Ngược lại với ý kiến ông Phụng, ông Phát cho chúng tôi biết, ông đang sử dụng 3 thửa đất, trên đất ông không có hẻm. Khu đất này trước năm 1975, ông sang nhượng từ bà Phan Thị Chiên. Ông Phát cho rằng, con hẻm thực chất nằm trên phần đất của ông Phụng mà ông Phụng đã sang nhượng từ bà Luông. Bởi vì trước đây, khu đất này, ông Phát đã cắt 1 phần sang nhượng cho 1 người cháu, trong đó có con hẻm. Sau này, cháu của ông đã sang nhượng lại cho bà Luông. Qua tìm hiểu, mặc dù ông Phát có 3 thửa đất rất rộng cho thuê (quán cà phê Nguyệt) nhưng ông Phát lại cất một căn nhà diện tích rất chật hẹp (chiều ngang khoảng 2m) sát vách nhà ông Phụng – nơi mà ông Phụng cho là con hẻm 2m bị biến mất!
Khiếu nại lấn hẻm 2 mét, không được giải quyết
Không giống như trường hợp lộ 2m bị “biến mất” ở khu nhà ông Phụng, khu đất bà Huỳnh Thị Tăng sinh sống ở thị trấn Hoà Thành tuy có hẻm 2m trên giấy nhưng thực tế nó chỉ còn 1m (cuối hẻm) và 1,3m (đầu hẻm). Khác với ông Phụng, trong thời gian con hẻm chuẩn bị “biến mất”, bà Tăng đã có đơn khiếu nại gửi đến chính quyền nhưng không được xem xét, giải quyết.
Sự việc tranh chấp con hẻm 2m của bà Tăng bắt đầu “nóng” khi tháng 3.2011, bà Huỳnh Ngọc Lệ được UBND huyện Hoà Thành cấp phép xây dựng căn nhà 3 tầng trên phần đất của bà Lệ, với diện tích 60m2 (4m x 15m), bản vẽ trong sơ đồ cấp phép thể hiện cạnh nhà bà Lệ là con hẻm 2m. Trong quá trình xây dựng, đến giai đoạn sắp hoàn thành, bà Tăng đã gặp bà Lệ yêu cầu thợ hồ lau chùi, sơn bê lại vách tường và cửa sổ nhà bà thì bị con gái bà Lệ là bà Hồng đuổi đánh, cho nên bà đã làm đơn yêu cầu chính quyền giải quyết. Bà Tăng khiếu nại cho rằng bà Lệ xây nhà lấn chiếm hẻm công cộng 2m (lấn chiếm 1m), đồng thời yêu cầu xử lý hành vi đánh người của bà Hồng. Tuy nhiên, tại buổi hoà giải ngày 25.8.2011, UBND Thị trấn cho biết, bà Lệ xây dựng có giấy phép, nhưng không trả lời việc có lấn chiếm hẻm hay không. Ngày 3.9.2011, bà Tăng tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện, Thanh tra huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoà Thành có khá nhiều hẻm công cộng (lộ 4m, 2m). Tuy nhiên, việc quản lý những con hẻm này hầu như chưa được các cấp chính quyền chú ý. Vì thế, những con hẻm trên dần dần “biến dạng teo lại”. Nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp, chính quyền không biết giải quyết thế nào, thông thường là yêu cầu “giữ nguyên hiện trạng chờ chủ trương”, dẫn đến chuyện mất tình làng nghĩa xóm, thậm chí có vụ đánh nhau, gây mất ANTT. |
Vụ việc sau đó được chuyển đến UBND Thị trấn giải quyết. Ngày 12.10.2011, UBND Thị trấn tổ chức cuộc họp mời bà Tăng, bà Lệ đến giải quyết “tranh chấp lộ hẻm”. Tại biên bản giải quyết này, UBND Thị trấn xác định: “Qua xác minh thực tế, bên bà Lệ xây dựng đúng nội dung giấy phép được cấp. Phần lộ hẻm 1m, bên bà Lệ chỉ còn hành lang đi lại…phía trước còn 1,3m, phía sau 1m. Xin ý kiến huyện xem xét xử lý”. Bà Tăng không đồng ý ký tên biên bản nêu trên. Ngày 19.10.2011, bà Tăng tiếp tục có đơn gửi Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành và Chánh Thanh tra huyện yêu cầu giải quyết khiếu nại.
Ngày 20.10.2011, ông Phạm Thanh Phong, Phó Chánh văn phòng HĐND – UBND huyện Hoà Thành cùng các cán bộ Phòng TN&MT, Phòng Công thương và cán bộ Thị trấn đến nhà tiến hành đo đạc hiện trạng sử dụng đất thửa số 208 (đất của bà Tăng) thể hiện “hướng Bắc giáp hẻm hiện trạng dài 3,95m” (giấy CNQSDĐ của bà Tăng thể hiện dài 4,15m).
Ngày 27.2.2012, bà Tăng tiếp tục có đơn gửi Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành, Chánh Thanh tra huyện Hoà Thành khiếu nại “về việc không được cơ quan chức năng trả lời kết quả Thanh tra theo đơn yêu cầu giải quyết ngày 3.9.2011”.
Được biết, do không giải quyết rốt ráo khiếu nại, nên đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa gia đình bà Tăng và gia đình bà Lệ, buộc Công an Thị trấn phải can thiệp (về trường hợp bà Lệ xây bức tường trên lộ 2m).
Quan sát tại hiện trường, chúng tôi thấy, con hẻm (1m phía sau, 1,3m phía ngoài) đã được bà Lệ rào kín không có đường vào. Vách tường phía sau nhà bà Tăng hiện trạng có 2 cửa sổ bằng lam xi măng và 1 cửa cái thông ra hẻm. Tuy nhiên, trao đổi về vụ việc trên, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Thị trấn cho biết, vách phía sau nhà bà Tăng không có cửa cái, bà Tăng vừa phá vách để làm cửa thông ra phía sau, nhưng UBND Thị trấn yêu cầu bà Tăng giữ nguyên hiện trạng. UBND Thị trấn cũng đã yêu cầu bà Lệ ngưng xây vách tường (kể cả mái che gắn trùm lên hẻm 1m còn lại). Đối với phần còn lại của hẻm, ông Tuấn yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng. Còn việc bà Lệ rào phía đầu hẻm, theo ông Tuấn là để bảo đảm ANTT, vì hẻm này bà Lệ đã chiếm sử dụng từ trước, không có người sử dụng. Theo quan điểm của UBND Thị trấn, việc bà Lệ xây dựng bức tường sát vách nhà bà Tăng là xây theo “dấu tường cũ”, sau khi căn nhà cũ được dỡ ra nên UBND Thị trấn không xử lý. Trong khi đó, theo bà Tăng việc xây bức tường mới này cần phải xử lý, vì đã xây dựng mới trên hẻm công cộng, chứ không thể nói “theo dấu cũ” để được lấn chiếm đất hẻm công cộng.
Cần có biện pháp giải quyết tình trạng lấn chiếm hẻm công cộng
Ở Hoà Thành không chỉ 2 con hẻm công cộng trên bị lấn chiếm và xảy ra tranh chấp. Trước đây, Báo Tây Ninh cũng từng nêu trường hợp người dân khiếu nại lộ 4m bị lấn chiếm ở xã Hiệp Tân, xã Long Thành Bắc nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Qua tìm hiểu thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý “lấy lại lộ hẻm 4m hoặc 2m” là không khả thi. Trong khi đó, việc quản lý những con lộ này đối với chính quyền cấp xã là không xuể. Nên chăng, Hoà Thành cần tiến hành điều tra, thống kê, dạng hẻm (4m hoặc 2m) nếu còn hữu ích thì giữ lại, còn lộ (4m hoặc 2m) đã bị lấn chiếm, thì có thể giao luôn cho dân, thu tiền sử dụng đất?
Đức Tiến