Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông Vương Hữu Toại- Phó Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh kiêm phụ trách Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Hoà Thành cho biết, một trong những hoạt động được ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân từ “bao cấp, miễn phí” sang “sử dụng dịch vụ và trả phí” các PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Cán bộ DS-KHHGĐ xã Long Thành Bắc (bìa trái) tư vấn biện pháp tránh thai cho khách hàng.
Thực hiện Đề án Xã hội hoá (XHH) cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 2015-2020 của Bộ Y tế (gọi tắt là Đề án 818), ngay từ đầu năm 2019,Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Hoà Thành đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành các thủ tục tuyển chọn PTTT, hàng hoá SKSS đủ điều kiện tiêu chuẩn, chất lượng đưa vào phân phối theo thị trường xã hội hoá.
Theo đó, Trung tâm tập trung tiếp thị, hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống phân phối sản phẩm cho đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ của các địa bàn tại 8 xã, thị trấn gồm các nhóm sản phẩm hàng hoá KHHGĐ: viên uống tránh thai, bao cao su; nhóm sản phẩm, hàng hoá hỗ trợ KHHGĐ, chăm sóc SKSS: viên bổ sung vi chất dinh dưỡng, dung dịch vệ sinh đa năng, gel bôi trơn, bột bổ sung canxi.
Từ đầu năm 2019 đến nay, đội ngũ viên chức và cộng tác viên DS- KHHGĐ của huyện Hoà Thành đã cung cấp hơn 1.800 chiếc bao cao su và 800 vỉ thuốc uống tránh thai Night Happy cho các cá nhân và cặp vợ chồng theo hình thức tiếp thị xã hội có trợ giá của nhà nước.
Để đẩy mạnh xã hội hoá cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS khi toàn tỉnh thực hiện chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển, ông Vương Hữu Toại- Phó Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh kiêm phụ trách Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Hoà Thành cho biết, một trong những hoạt động được ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân từ “bao cấp, miễn phí” sang “sử dụng dịch vụ và trả phí” các PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
KIM HƯỜNG