Toàn huyện hiện có đến gần 610 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài gần 450 km.
Từ nhiều năm trước đây, hầu hết các xã của huyện Hoà Thành đều được quy hoạch đường giao thông và các khu dân cư một cách bài bản, theo kiểu “bàn cờ”. Không chỉ ở thị trấn Hoà Thành mà ở hầu hết các xã đường giao thông đều được hình thành theo kiểu đường song song, chia khu dân cư thành các lô đều đặn.
Tuy đã được quy hoạch và hình thành từ rất lâu, nhưng đến nay kiểu quy hoạch này vẫn rất phù hợp với sự phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Riêng khu vực trung tâm thị trấn huyện, từ Trung tâm thương mại Long Hoa đi ra có đến 8 tuyến đường (dân địa phương gọi là “bát quái”) và trên các tuyến đều có nhiều tuyến đường song song, chia các khu dân cư thành các lô như ở những khu đô thị hiện đại. Hiện nay, trung tâm hành chính của huyện được xây dựng tập trung trong một “lô đất” nằm cặp cả 4 mặt đường, càng nâng thêm nét hiện đại của một khu đô thị đang phát triển.
Một trong những tuyến giao thông ở thị trấn Hoà Thành đã được láng nhựa |
Thế nhưng cũng chính vì quy hoạch như vậy mà hiện nay huyện Hoà Thành đang gặp khó khăn về việc nâng cấp đường giao thông- nhất là đường giao thông nông thôn. Bởi vì quy hoạch đường giao thông kiểu “bàn cờ” tuy phù hợp với sự phát triển hiện đại, nhưng tổng chiều dài các tuyến đường giao thông thì rất lớn. Theo thống kê của huyện, toàn huyện hiện có đến gần 610 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài gần 450 km. Trong đó, đến nay đã có khoảng 145 km đường được nâng cấp láng nhựa và bê tông nhựa, còn hơn 300 km còn lại còn là đường cấp phối và đường đất. Đáng chú ý là trong 145 km đường đã được nâng cấp, có đến hơn 87 km- hơn phân nửa là thuộc địa bàn thị trấn Hoà Thành, các xã còn lại số km đường đã được nâng cấp láng nhựa không bao nhiêu và hầu hết là các tuyến đường chính. Như vậy, hầu hết các tuyến giao thông nông thôn đều chưa được đầu tư nâng cấp để “cứng hoá” theo định hướng phát triển nông thôn mới của Chính phủ.
Trong thời gian qua, lãnh đạo huyện Hoà Thành hết sức tập trung vào việc đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn trong huyện. Ông Trần Ngọc Dư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành cho biết, trong tổng nguồn kinh phí do huyện quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm, Hoà Thành luôn dành ít nhất là 2/3 để đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn. Thế nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu phát triển đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện. Cụ thể trong giai đoạn 2006-2010, tổng kinh phí do huyện quản lý đầu tư lĩnh vực xây dựng cơ bản chỉ có 63,5 tỷ đồng- bình quân mỗi năm chỉ có khoảng gần 13 tỷ đồng thì không thể đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đường giao thông nông thôn được. Hiện tại có rất nhiều tuyến giao thông nông thôn người dân sẵn sàng đóng góp để cùng Nhà nước làm đường, nhưng huyện lại không đủ kinh phí đối ứng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên khó có thể triển khai được. Riêng trong năm 2011, kế hoạch vốn xây dựng cơ bản của huyện Hoà Thành là 16,6 tỷ đồng để bố trí vốn có 23 công trình- trong đó có 11 công trình đường giao thông, nhưng có thể có một số tuyến không thể triển khai được do phải cắt giảm theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát.
Việc nâng cấp đường giao thông nông thôn chỉ có thể đẩy nhanh tiến độ được khi địa phương tăng cường công tác xã hội hoá huy động mọi nguồn lực trong dân. Thế nhưng muốn nhân dân nhiệt tình tham gia thì Nhà nước phải có vốn đối ứng. Với nguồn vốn quá hạn chế thì việc vận động nhân dân tham gia là không phải dễ dàng. Đây là một trong những khó khăn lớn khi huyện Hoà Thành tiến hành xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí của Chính phủ.
SƠN TRẦN